Kiến nghị tái khởi động dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận
Ninh Thuận muốn chuyển đổi sử dụng mặt bằng hai nhà máy điện hạt nhân, song các chuyên gia của Tạp chí Năng lượng thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) kiến nghị cần cân nhắc thận trọng và sớm tái khởi động dự án này.
Kiến nghị tái khởi động dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận
Ninh Thuận muốn chuyển đổi sử dụng mặt bằng hai nhà máy điện hạt nhân, song các chuyên gia của Tạp chí Năng lượng thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) kiến nghị cần cân nhắc thận trọng và sớm tái khởi động dự án này.
Cơ quan Tạp chí Năng lượng Việt Nam (thuộc VEA) vừa có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất trên khi Thủ tướng đồng ý về chủ trương cho Ninh Thuận điều chỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng hai mặt bằng nhà máy điện hạt nhân.
Lý do đưa ra là việc lựa chọn địa điểm đã được tiến hành hết sức nghiêm túc, chặt chẽ trong hơn 10 năm (1996-2007) với sự hỗ trợ của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế – IAEA cùng các chuyên gia Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Canada…
Trong giai đoạn 2011-2015, công việc đánh giá địa điểm đã được các đối tác Nga và Nhật Bản triển khai thực hiện trong dự án “Nghiên cứu khả thi xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam”.
Theo đó, ngoài việc bổ sung, cập nhật và xử lý toàn bộ các thông tin đã có trong giai đoạn trước, Nga và Nhật Bản đã khoan thăm dò địa chất công trình với hàng chục lỗ khoan các loại và hàng nghìn mét khoan sâu để thu thập các mẫu đất đá, mang về Nga và Nhật Bản phân tích, đánh giá.
Hai đối tác cũng đã xây dựng, lắp đặt các trạm quan trắc khí tượng thủy văn và trạm quan trắc địa chấn để theo dõi và thu thập các thông tin cần thiết liên quan.
Kết quả khảo sát, nghiên cứu đánh giá 2 địa điểm Phước Dinh và Vĩnh Hải của đối tác Nga và Nhật Bản đã được lập thành hồ sơ để lưu giữ và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị phê duyệt địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Các chuyên gia của tạp chí này cho rằng điện hạt nhân là một nguồn cung cấp điện năng ổn định, có tính cạnh tranh kinh tế, ít phát thải cacbon, thân thiện với môi trường. Công nghệ điện hạt nhân ngày càng được hoàn thiện, an toàn điện hạt nhân ngày càng được nâng cao. Thực tế, điện hạt nhân vẫn tiếp tục duy trì, phát triển ở các cường quốc công nghiệp và tiếp tục lan tỏa rộng rãi sang các nước đang phát triển – nơi có nhu cầu điện tăng nhanh.
Việt Nam – quốc gia gần 100 triệu dân với nền kinh tế đang thời kỳ phát triển mạnh, nhu cầu năng lượng còn tiếp tục tăng cao. Trong khi đó, nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp phong phú nhưng hữu hạn, không còn đáp ứng được nhu cầu sản xuất điện và phải nhập khẩu than, LNG với sản lượng ngày càng tăng.
“Do đó, điện hạt nhân sẽ là một trong những lựa chọn như một nhu cầu tất yếu, khách quan. Việc phát triển điện hạt nhân sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia giai đoạn sau 2030 và đáp ứng các yêu cầu về giảm phát thải khí nhà kính trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu” – văn bản nêu.
Theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam, diện tích các địa điểm dự định xây dựng nhà máy điện hạt nhân là không lớn (khoảng 824 ha tính cả diện tích vùng cách ly 500 mét từ hàng rào nhà máy). Trong trường hợp các địa điểm Ninh Thuận 1 và 2 được sử dụng cho mục đích khác với thời hạn lâu dài, trong tương lai khi cần địa điểm cho các dự án điện hạt nhân thì sẽ phải tìm các địa điểm khác, rất tốn kém về thời gian, công sức và kinh phí.
Vì vậy, tạp chí này đề nghị Chính phủ xem xét lại và sớm có chủ trương tái khởi động chương trình phát triển điện hạt nhân. Tiếp tục đưa điện hạt nhân vào trong định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia mới thay thế nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2007, làm cơ sở xây dựng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và xây dựng Quy hoạch điện VIII.
Đối với các địa điểm tại Ninh Thuận đã được nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng, công phu và đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt của IAEA, đồng thời nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, cũng như chính quyền điạ phương, cần được giữ lại cho việc phát triển điện hạt nhân trong tương lai.
Việc giữ lại 2 địa điểm này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế vì các nước có chương trình phát triển điện hạt nhân đều có những văn bản quy phạm pháp luật quy định cho phép chủ đầu tư giữ các địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong thời hạn là 20 năm; vượt quá thời hạn trên, địa điểm mới được xem xét để chuyển đổi mục đích sử dụng.