‘Con không xem đề thi đâu, con chưa muốn chết…’
Tôi hỏi con trai có xem đề thi toán chuyên năm nay chưa, con đáp: ‘Xem là chết đấy. Con chưa muốn chết’.
‘Con không xem đề thi đâu, con chưa muốn chết…’
Tôi hỏi con trai có xem đề thi toán chuyên năm nay chưa, con đáp: ‘Xem là chết đấy. Con chưa muốn chết’.Rất cần những niềm vui trong sự học – Trong ảnh: thí sinh Hà Nội sau khi kết thúc một môn thi vào lớp 10, ngày 2-6 – Ảnh: CHU HÀ LINH
Tôi hỏi cậu con trai năm nay lên lớp 9 có xem qua đề thi toán chuyên của trường THPT chuyên thuộc một trường ĐH trên địa bàn Hà Nội vừa tổ chức tuyển sinh không? Thật bất ngờ, con trai tôi phản ứng: “Xem là chết đấy. Con chưa muốn chết”.
Rồi con kể, trong năm học, một lần thầy giáo dạy toán đã cho cả lớp con xem đề thi chuyên toán của chính trường THPT chuyên này năm 2018. Các con đều “lắc đầu, lè lưỡi” vì khó quá.
Thật không khó hiểu khi có những cô bé cậu bé vừa bước qua tuổi THCS đã bị trầm cảm hay không kiểm soát được hành vi cảm xúc ngay trong phòng thi. Những đề thi đầy mẹo mực, những áp lực phải học hết lớp ôn thầy trường nọ đến lớp thầy trường kia với hi vọng sẽ giành được một tấm vé vào trường chuyên nào đó đã tạo thành áp lực vô hình đè nặng lên các em.
Tôi vẫn tự hỏi tại sao những đề toán phải ra khó như vậy? Cùng con trai giải quyết một số bài tập liên quan đến phân tích đa thức thành nhân tử, rút gọn biểu thức, nghe con trai nói “đến tuổi như mẹ, con sẽ không còn phải học những cái này”, tôi thấy có gì đó sai sai.
Đúng là đến tuổi như tôi, con sẽ không còn phải loay hoay xem dùng phương pháp đặt ẩn số phụ, quy nạp hay gì gì đó để phân tích một đa thức phức tạp thành một phép nhân đơn giản. Vì cuộc sống không cần đến những thứ cao siêu đó.
Tôi vốn là học sinh chuyên văn, mà là dân văn thì ai cũng sợ toán. Nhưng không biết tôi có phải là trường hợp cá biệt không khi tôi lại rất thích toán.
Thời đi học, tôi chỉ nhớ rằng các bài toán luôn khiến tôi thích thú tò mò, tôi phải tìm ra bằng được đáp số. Mỗi bài toán mở ra một cách nhìn mới, tôi không bao giờ nhìn thấy giới hạn của toán như với các tác phẩm văn học. Tôi thực sự thấy những bài đại số hay bài hình học đều rất đẹp.
Nó đẹp không phải vì những hoa từ mỹ miều mà đơn giản vì nó là những con số. Mỗi con số, mỗi dữ kiện đầu bài đều mang đến một bí mật. Tôi chỉ việc tìm cách mở từng ô bí mật đó xem nó liên kết với nhau như thế nào là tìm ra đáp số. Thế nên, dù thi đại học không có môn toán nhưng tôi vẫn tự nguyện cắp sách đến nhà thầy giáo toán lúc không phải lên lớp học bài.
Vậy mà, đến lượt con tôi, khi vào lớp 6 con đã rất sợ toán. Một phần con bị sốc vì chuyển cấp, chương trình học khó hơn hẳn với nhiều kiến thức mới. Nhưng có lẽ phần quan trọng hơn đó là luôn được thầy giáo dạy toán “phủ đầu” bằng những bài toán khó.
Hằng ngày, nhiều bài tập thầy giao về nhà con không làm được nhưng con lại không dám bỏ vì hôm sau đến lớp con sẽ bị nhắc nhở.
Và tất nhiên, phụ huynh như tôi cũng phải xắn tay vào học cùng con. Nhưng trong suốt quãng thời gian ba năm học qua, tôi cho phép con ít nhất không làm đầy đủ bài tập vài lần. Không chỉ với môn toán mà với các môn học còn lại.
Tôi cũng nhận được tin nhắn của giáo viên chủ nhiệm yêu cầu nhắc nhở con phải hoàn thành bài tập khi đến lớp.
Nhưng tôi cũng biết rằng không phải phụ huynh nào cũng được học cùng con để thấu hiểu chuyện này. Và khi các con không làm được bài tập, các con có quyền để lại, hôm sau các thầy cô phải giúp các con tìm ra được phương pháp để giải quyết. Các con không thể làm đối phó cho đủ bài tập mà không hiểu gì.
Làm thế nào để các con giống như tôi, tự tìm cho mình được vẻ đẹp của các môn học? Thật khó có câu trả lời toàn vẹn trong bối cảnh hiện nay.