‘Thắt lưng buộc bụng’ trả nợ, ngành giao thông vẫn nợ trên 20.000 tỉ đồng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết số tiền dành cho chi trả nợ và triển khai các dự án đầu tư công chuyển tiếp chiếm đa số trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong khi các dự án mới triển khai hạn chế.
‘Thắt lưng buộc bụng’ trả nợ, ngành giao thông vẫn nợ trên 20.000 tỉ đồng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết số tiền dành cho chi trả nợ và triển khai các dự án đầu tư công chuyển tiếp chiếm đa số trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong khi các dự án mới triển khai hạn chế.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Phần lớn vốn phân bổ cho kế hoạch đầu tư công trung hạn dùng để trả nợ và thực hiện các dự án chuyển tiếp – Ảnh: Quochoi.vn
Sáng 3-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng mục tiêu kế hoạch đầu tư công trung hạn nhằm đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, để các cân đối lớn của nền kinh tế không bị phá vỡ, đảm bảo điều kiện và khả năng cân đối ngân sách.
Tuy nhiên, ông Dũng cho biết nhu cầu cho đầu tư là rất lớn, từ đầu tư vốn kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, phòng chống biến đổi khí hậu… trong khi số vốn phân bổ cho 5 năm đã hết, chỉ còn phần dự phòng.
Tiền ít dành cho dự án mới
“Phải làm thế nào để đảm bảo các cân đối, lại có thể giải quyết được những phát sinh theo nhu cầu các bộ, ngành và địa phương?”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư đặt câu hỏi khi chỉ ra thực tế là số tiền phân bổ cho kế hoạch đầu tư công trung hạn vừa qua chỉ giải quyết tồn tại của những dự án trước đây.
Dẫn chứng là với 9.600 dự án đang triển khai thì có 8.000 dự án chuyển tiếp và chỉ có 400 dự án khởi công mới, còn lại là trả nợ và thanh toán. Riêng ngành giao thông nhiệm kỳ vừa rồi dù dành nhiều tiền để trả nợ, nhưng hiện vẫn còn tồn đọng nợ trên 20.000 tỉ đồng.
“Chúng ta đã dừng hoãn rất nhiều công trình, nhu cầu thanh toán nợ đọng cơ bản vẫn rất lớn, mặc dù nhiệm kỳ qua chúng ta đã thắt lưng buộc bụng, tập trung trả nợ cho các dự án chuyển tiếp, hạn chế tối đa dự án khởi công mới, nên nhiều thông tin nêu nhiệm kỳ vừa qua không thấy có công trình nào khởi công mới cũng là có lý do cả”, ông Nguyễn Chí Dũng nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, nhiệm kỳ trước đã quyết định đầu tư mà không dựa vào đâu hết, không biết nguồn lực ở đâu, dẫn tới dàn trải, nợ đọng, thất thoát, lãng phí. Tuy nhiên, Luật đầu tư công ra đời đã yêu cầu xác định được khả năng cân đối ngân sách mới quyết định chủ trương đầu tư, nhưng vướng mắc đặt ra là quyết vốn trước hay dự án trước.
Rà soát cắt giảm, có tiền thật mới phân bổ vốn
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng nên phân bổ trước, tạo cơ sở pháp lý về vốn cho các bộ, ngành và địa phương thực hiện thủ tục thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn cũng như phê duyệt, quyết định các chủ trương đầu tư dự án mới hoặc điều chỉnh các dự án đã có trong danh mục kế hoạch trung hạn.
Đối với số tiền 155.000 tỉ đồng đang thiếu so với kế hoạch phê duyệt, ông Dũng cho rằng hiện đang có nhiều dự án không triển khai được, khi mỗi năm tốc độ giải ngân mới chỉ đạt 80%; trái phiếu Chính phủ không giải ngân hết; các dự án, công trình quan trọng quốc gia như sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc – Nam hơn 1 năm nữa mới triển khai nhưng đang để ở đó 80.000 tỉ đồng không giải ngân hết.
“Xin phép để Chính phủ rà soát lại lần nữa trên cơ sở cắt giảm các dự án chưa cần thiết hoặc không đúng Nghị quyết số 71, đảm bảo cân đối được nguồn lực thực tế. Sau đó sẽ thông báo lại cho các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị các thủ tục đầu tư và căn cứ vào tình hình chi đầu tư thực tế của ngân sách mới giao vốn để triển khai”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị khi có tiền thật, cân đối được mới phân bổ và giải ngân.