Cha mẹ tôi đều làm công nhân, rời khỏi nhà từ sáng sớm, về tới nhà khi đã nhá nhem tối, anh em chúng tôi từ nhỏ đã được dạy tự lập, từ chuyện học hành, tới chăm sóc cho chính mình sao cho ổn nhất, ngay cả khi cha mẹ không ở bên cạnh. Suốt 12 năm học phổ thông, duy nhất ngày khai trường năm lớp 1 tôi có người thân đi cùng mình, và đó là anh trai của tôi. Anh tôi cũng là người “khăn gói quả mướp” với tôi trong những ngày từ quê lên Hà Nội thi đại học. Tất cả các kỳ thi chuyển cấp, tuyển sinh vào lớp 10, tốt nghiệp THPT, rồi thi học sinh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh, rồi quốc gia, tôi đều tự đạp chiếc xe lọc cọc đi thi. Ngày nào mẹ không phải đi làm ca sáng sớm, mẹ sẽ cùng tôi đi bộ một đoạn đường và dặn dò, có thể sẽ nắm thêm cho con một nắm cơm, gói trong lá chuối, dắt thêm chút muối vừng để trưa con bỏ ra ăn lót dạ, chờ đến giờ thi buổi chiều.
Ngày còn nhỏ, chừng lớp 6, 7, đôi khi tôi hay tủi thân và trách bố mẹ, vì sao mình cũng như bạn bè cùng trang lứa, mình cũng có cha mẹ, mình không được như bạn bè, không được ai quan tâm, cái gì mình cũng phải tự làm? Cho đến một buổi tối, trời đã không còn rõ mặt người, tôi mới thấy bóng mẹ liêu xiêu trở về, trên vai mẹ là một bao tải than cám. Để có thêm những đồng tiền trang trải sinh hoạt phí, đóng học, nuôi anh em chúng tôi khôn lớn, mẹ đã phải làm thêm giờ, nhặt nhạnh những phần than rơi vãi trong xí nghiệp, về đóng thêm than tổ ong để bán. Tôi đắng nghẹt cổ họng, nước mắt cứ ứa ra. Từ đó, tôi không bao giờ oán trách bố mẹ, sao không đưa đón con đi thi, không chờ đợi ở cổng trường, lau mồ hôi và hỏi con có làm được bài không, giống như cha mẹ người ta.
Phụ huynh đợi con ngoài cổng trường thi, mùa thi tuyển sinh lớp 10 TP.HCM THUÝ HẰNG
|
Mẹ không đưa tôi đi thi, nhưng lúc nào cũng là người động viên tôi nhiều nhất. Mẹ không nói những câu xáo rỗng, mẹ kể chuyện đời mẹ dãi nắng dầm mưa, làm đủ nghề bươn chải, để bước chân anh em tôi thêm mạnh mẽ, động lực bước đi.
Mẹ không đưa tôi đi thi, nhưng tôi biết, ở trong một xí nghiệp, giữa ào ào tiếng máy chạy, những xẻng than nối tiếp nhau, có một người mẹ dù luôn tay luôn chân, không có thời gian để vuốt mồ hôi, vẫn luôn nhớ về con gái, mong con bình tâm làm bài.
Mẹ không đưa tôi đi thi, nhưng tôi biết, ngày tôi nhận giải thưởng này, kia, mẹ là người hạnh phúc nhất. Mẹ từng kể, ngày biết tin tôi đỗ đại học, mẹ đang bê thùng hàng trên tay mà rơi đánh bịch, cứ thế ngồi thất thần giữa nhà, nước mắt trào ra.
Ngày hôm nay, giữa Sài Gòn, tôi chứng kiến nhiều em bé thi vào lớp 10 được mẹ cha đưa đón, nhưng cũng có rất nhiều em tự đi bộ, hoặc đạp xe đi thi. Mỗi gia đình sẽ có mỗi hoàn cảnh, nhưng tôi tin chắc rằng, sự yêu thương, chờ đợi của mỗi người làm cha mẹ với những đứa con của mình, nó không chỉ đong đếm trong những lần chở con đến trường thi, đưa đón con đi học về. Nó còn là tiếng nói của mẹ “đói chưa mẹ dọn cơm ăn”. Nó có thể là cái ôm của cha “không làm được cũng không sao, về nhà đi con”. Nó còn là nụ cười của cả mẹ và cha “chỉ cần con mạnh khỏe, vui vẻ, đó là điều cha mẹ mong chờ nhất”…
THUÝ HẰNG