09/01/2025

Ký ức mùa hè: Lớp 12 và nỗi nhớ

Ký ức năm học lớp 12 luôn khắc sâu và đọng mãi trong tâm trí của mỗi người, nhất là khi hè về. Đó có thể là những kỷ niệm về người thầy, cánh phượng, hàng me, lũ bạn, tình yêu của lứa tuổi hoa mộng…

 

Ký ức mùa hè: Lớp 12 và nỗi nhớ

Ký ức năm học lớp 12 luôn khắc sâu và đọng mãi trong tâm trí của mỗi người, nhất là khi hè về. Đó có thể là những kỷ niệm về người thầy, cánh phượng, hàng me, lũ bạn, tình yêu của lứa tuổi hoa mộng…
 
 
 
 

Học sinh lớp 12 Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) bịn rịn tại lễ bế giảng năm học /// Phạm Hùng

Học sinh lớp 12 Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) bịn rịn tại lễ bế giảng năm học  PHẠM HÙNG

 

Nhớ lời khuyên của thầy dạy toán

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, hiện công tác tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết: “Mình tốt nghiệp lớp 12 năm 2003. Thuở ấy, mình học lớp 12K, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Krông Păk, tỉnh Đắk Lắk”.
 
Thạc sĩ Xuân Dung kể: “Từ nhỏ tôi đã yêu thích môn văn. Đến giờ, tôi vẫn có thể kể vanh vách tên của từng thầy cô dạy môn văn cho tôi từ lớp một cho đến lớp mười hai. Tôi lại học đại học ngành văn, tưởng như với tôi những gì liên quan đến văn chương mới ấn tượng và đáng nhớ nhất. Nhưng cái điều tôi nhớ nhất, luôn nghĩ về lại là thầy dạy môn toán Ngô Hữu Viễn”.
 
Theo thạc sĩ Xuân Dung, thầy Viễn chỉ dạy tôi duy nhất một năm học lớp 12. “Học sinh không mấy ai ưa thầy, vì thầy cực kỳ nghiêm khắc và hay la mắng. Ngày tôi được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia môn văn, thầy gọi tôi lại nói: Phải thi cho đậu. Khi ấy, trong cảm xúc ngô nghê của tuổi học trò, tôi gửi tặng thầy một bài thơ chép tay Thầy dạy toán của tôi”: Ai bảo toán khô khan hoài con số/Không mượt mà, không ướt át văn chương/Ai bảo toán so đo hoài công thức/Quên áng mây trôi theo gió cuối đường… Và có lần thầy nói khẽ: ‘Con gái, thầy thích bài thơ của con lắm!’”.
 
 
Ký ức mùa hè: Lớp 12 và nỗi nhớ - ảnh 2

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung  NVCC

 
Tôi bị trượt trong kỳ thi năm đó, trong khi bạn thi sử được giải nhì và được tuyển thẳng vào đại học. Tôi buồn vô cùng, tinh thần sa sút hẳn. Thầy lại kêu tôi lên bảng giải bài tập. Bài tập không khó, nhưng tôi làm không được. Thầy đã mắng tôi một trận giữa lớp. Tôi bàng hoàng và hụt hẫng không biết bao nhiêu mà kể.
 
Hôm sau, thầy kêu tôi ở lại và bảo: “Đừng nhụt chí như thế. Với em, quan trọng nhất bây giờ là thi tốt nghiệp lớp 12 và thi đại học. Với những học sinh chọn các ngành xã hội, dù thầy không thích, nhưng thầy không trách khi các em không còn làm toán giỏi nữa. Đó là lựa chọn của mỗi người. Nhưng một khi đã chọn thì phải hết lòng với nó, kể cả khi thất bại. Thầy mắng em không hẳn là vì em giải toán không được, mà vì thầy muốn em bình tĩnh hơn để tiếp tục với lựa chọn của mình”.
 
Thạc sĩ Xuân Dung, bộc bạch: “Mười mấy năm trôi qua kể từ khi rời mái trường THPT, tôi đã trải qua rất nhiều sự lựa chọn, có khi bằng phẳng, có lúc chông chênh, tôi cũng trải qua vô số những điều không được như mong muốn, cùng những thất bại. Không phải lúc nào tôi cũng đủ dũng khí để sống hết lòng cho những lựa chọn của mình, nhưng hình ảnh của thầy và lời khuyên ấy luôn hiện diện trong tâm trí tôi. Để tôi vững vàng hơn trước những lựa chọn cũng như những va vấp trong đời”.

Mong ngày gặp lại 

Mặc dù xa mái trường lớp 12 đã hơn 10 năm, nhưng chị Trần Thị Hồng Ngọc, hiện làm việc tại Nhà hàng My Mother, trên đường Nguyễn Đình Chiểu, P.Đa Kao, TP.HCM vẫn nhớ như in về những khoảnh khắc thuở nào: “Trong ngày tổng kết năm học 2008, cả lớp 12A9, Trường THPT Gia Định, Q.Bình Thạnh, TP.HCM lưu luyến chuyền tay nhau những chiếc áo, cuốn lưu bút để ghi lại khoảnh khắc trước khi kết thúc thời học sinh và 3 năm gắn bó bên nhau. Trước ngày tổng kết 1 tuần, mỗi ngày lớp mình đều tổ chức những buổi tiệc tri ân thầy cô chủ nhiệm và thầy cô bộ môn để lưu giữ những hình ảnh về người đã dìu dắt trong suốt 3 năm qua. Và rồi, khi ca khúc Ngồi lại bên nhau vang lên sau tiếng trống trường kết thúc lễ bế giảng, các bạn học sinh trong lớp ôm nhau oà khóc. Chính vì vậy, mỗi khi nghĩ về thời áo trắng, hình ảnh thân thương ấy chẳng bao giờ phai trong tâm trí tôi”.
 
Ký ức mùa hè: Lớp 12 và nỗi nhớ - ảnh 3

Chị Trần Thị Hồng Ngọc  NVCC

 
Theo chị Phan Hồng Diễm Linh, học lớp 12A10, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM vào năm 2008, hiện chị làm việc tại Trường Hướng Nghiệp Á Âu (TP.HCM), mùa tốt nghiệp là mùa của những hình ảnh chia tay quyến luyến bịn rịn. “Và tôi vẫn tin bằng cách nào đó, những tình bạn thời thanh xuân vẫn được neo lại trong tim mỗi người một cách trân trọng và bền vững”, chị Linh nói.
 
Ký ức mùa hè: Lớp 12 và nỗi nhớ - ảnh 4

Chị Phan Hồng Diễm Linh NVCC

 
Ngược miền ký ức hơn 10 năm về trước, chị Linh nhớ lại: “Mùa tốt nghiệp năm ấy tôi cũng giống các em học sinh như bây giờ. Cũng ký tên lên tà áo, cũng lưu bút chuyền tay, cũng hứa hẹn ngày hội ngộ… Nhưng tạm biệt tấm áo trắng học trò, bước ra khỏi cánh cổng thời trung học, mỗi người trong chúng ta có một hướng đi riêng, rồi bị lạc nhau. Có người học tiếp lên đại học, có người đi du học, có người lại rẽ ngang đi làm… Sự khác nhau có lẽ đã khiến mọi người khó gặp lại nhau như những lời thề hẹn. Nhưng, tôi cũng mong một ngày nào đó được gặp lại đông đủ những người bạn học lớp 12 năm xưa của mình để có dịp ngồi ôn lại biết bao kỷ niệm. Cái thời mà hay cuối nhặt cánh phượng rơi, pha lẫn chút e thẹn trước những tình yêu mới chớm của tuổi học trò, tinh khôi và đẹp biết nhường nào”.
 
Những đồi hoa sim tím ngát mùa hè - ảnh 4

Những cơn mưa đầu mùa đã rơi, nhành phượng vĩ khoác lên mình màu áo mới… báo hiệu một mùa hè nữa lại về. Nhắc đến mùa hè, ắt hẳn ai trong chúng ta cũng có nhiều kỷ niệm. Đó có thể là một mùa hè với ngày chia tay thời áo trắng của tuổi học trò, là quyển lưu bút chuyền tay nhau trong giờ học cuối, là những ca khúc mùa chia ly vang lên một trưa, là những buổi thả diều, bắt dế quên cả thời gian cùng lũ bạn… Tất cả, tạo thành một miền ký ức mùa hè không thể nào quên trong chúng ta phải không các bạn?

Trong dòng hoài niệm ấy, Thanh Niên Online mở chuyên mục Ký ức mùa hè nhằm tạo một không gian để bạn đọc gần xa có thể trải lòng, chia sẻ kỷ niệm về những mùa hè của riêng mình. Bài viết của bạn đọc có thể gửi về chuyên mục Ký ức mùa hè theo địa chỉ [email protected].
Các bài viết được đăng tải trên mục Giới trẻ/ Ký ức mùa hè của Thanh Niên Online sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.

LÊ THANH