Anh, Mỹ có nguy cơ mất căn cứ bí mật ở Ấn Độ Dương
Liên Hiệp Quốc yêu cầu Anh phải trả lại cho Mauritius quần đảo Chagos, nơi có căn cứ quân sự tuyệt mật chung với Mỹ.
Anh, Mỹ có nguy cơ mất căn cứ bí mật ở Ấn Độ Dương
Liên Hiệp Quốc yêu cầu Anh phải trả lại cho Mauritius quần đảo Chagos, nơi có căn cứ quân sự tuyệt mật chung với Mỹ.
Căn cứ Diego Garcia của Mỹ và Anh ở Ấn Độ Dương ẢNH CHỤP MÀN HÌNH DEFI MEDIA
Hãng Reuters ngày 23.5 đưa tin Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc yêu cầu Anh trao trả quần đảo Chagos ở Ấn Độ Dương cho quốc gia Đông Phi Mauritius trong vòng 6 tháng tới.
Nghị quyết gây lo ngại lớn đối với Anh và Mỹ vì hai nước có căn cứ quân sự Diego Garcia tại đây suốt nhiều thập niên qua với vai trò chiến lược đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Nghị quyết được thông qua với sự ủng hộ của 116 nước, trong khi 56 nước bỏ phiếu trắng, 15 nước không bỏ phiếu và các nước bỏ phiếu chống gồm Anh, Mỹ, Úc, Israel và Maldives.
Các nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc không mang tính ràng buộc nhưng giới quan sát cho rằng sẽ gây sức ép về mặt chính trị.
Nằm cách lục địa gần nhất hơn 1.600 km, Chagos gồm 60 đảo san hô vòng từng thuộc chủ quyền của Mauritius trước khi trở thành thuộc địa của Hà Lan, Pháp và sau đó là Anh từ năm 1965.
Theo trang The Conversation, người Anh đã đưa hàng trăm lao động từ Mozambique và Madagascar đến làm việc tại các đồn điền dừa trên đảo.
Sau khi LHQ ra nghị quyết về việc trao trả chủ quyền cho các nước thuộc địa, Anh quyết định trả độc lập cho Mauritius vào năm 1968 nhưng vẫn giữ lại Chagos và gọi đây là lãnh thổ Ấn Độ Dương của Anh.
Mặt khác, ngay từ năm 1965, Mỹ ký thỏa thuận bí mật với Anh nhằm thuê lại đảo Diego Garcia để thiết lập căn cứ quân sự và hoạt động tại đây “đến khi nào không còn nhu cầu”.
Theo CNN, khi đó Mỹ đã trả 3,9 triệu USD cho Mauritius và thoả thuận giảm 14 triệu USD khi bán tên lửa cho Anh để trang bị trên tàu ngầm lớp Polaris.
Thỏa thuận này đã mở ra trang sử buồn cho khoảng 3.000 người bản địa sống trên quần đảo Chagos. Trong giai đoạn 1967 – 1973, toàn bộ cộng đồng dân cư bị trục xuất đến Mauritius và Seychelles để Mỹ tiến hành xây căn cứ.
Đảo Diego Garcia sau đó trải qua quá trình cải tạo lớn trước khi căn cứ bắt đầu hoạt động hoàn toàn vào năm 1986.
Theo chuyên gia phân tích quân sự Cedric Leighton của CNN, cảng biển được nạo vét để phục vụ các tàu sân bay, còn đường băng dài hơn 3,6 km được xây dựng để phục vụ các oanh tạc cơ B-1, B-2 và B-52 trong các sứ mệnh bay qua châu Á, bao gồm khu vực Biển Đông, và thậm chí chuẩn bị cho tàu con thoi đáp xuống trong trường hợp khẩn cấp.
KHÁNH AN