Trường nghề khó tuyển sinh, vì đâu?
Khi nhiều trường đại học còn chật vật lo tuyển thí sinh cho đủ chỉ tiêu thì chuyện tuyển sinh của các trường nghề vẫn là bài toán khó giải.
Trường nghề khó tuyển sinh, vì đâu?
Học sinh lớp 10 Trường CĐ Quốc tế TP.HCM trong giờ thực hành môn học nhà hàng khách sạn – Ảnh: N.HÙNG
“Sáng kiến” tuyển sinh sau THCS để học liên thông lên cao đẳng mang theo kỳ vọng sẽ giúp thu hút nhiều học sinh vào học nghề. Nhưng từng ấy là chưa đủ.
Bài toán khó từ thực tế
Ở hầu hết các quốc gia, lương trả cho người lao động đều dựa vào giá trị sức lao động của người ấy thông qua trình độ. Nói chung trong một thị trường lao động đúng thì trình độ cao thường nhận được thu nhập cao mới phù hợp quy luật.
Ở Việt Nam xuất hiện tình trạng khi cung về lao động có trình độ vượt quá cầu thì người sử dụng lao động sẽ mua sức lao động ở mức dưới giá trị. Tức là những kỹ thuật viên lẽ ra chỉ cần ở trình độ trung cấp kỹ thuật hay cao đẳng kỹ thuật thì người ta tuyển kỹ sư.
Điều này thế giới gọi là sử dụng lao động thái quá về trình độ (overeducated labor) hoặc là khai thác lao động dưới trình độ (underemployment) không cần sử dụng hết năng lực.
Tình trạng thứ hai là cơ quan đào tạo cung cấp những kỹ năng không đáp ứng được đòi hỏi của doanh nghiệp do rất nhiều nguyên nhân. Nhiều doanh nghiệp FDI chỉ thích tuyển học sinh tốt nghiệp THPT và qua đào tạo kỹ năng từ 2-3 tháng rồi vào dây chuyền sản xuất, chủ yếu là lắp ráp trên các dây chuyền tự động hoặc bán tự động.
Trong thời gian đào tạo này, người ta cũng tập trung đào tạo về các quy định, tinh thần kỷ luật, tinh thần tập thể và một phần đào tạo kỹ năng kỹ thuật. Người ta có tâm lý không muốn tuyển những học sinh tốt nghiệp trường nghề, mà tự đào tạo mới cho học sinh phổ thông là xong.
Như vậy, mô hình đào tạo hiện nay ở THPT về hướng nghiệp cho thấy bất cập rất lớn. Phó tổng giám đốc Samsung ở Bắc Ninh một lần nói với đoàn công tác Bộ GD-ĐT rằng các ngài nên thành lập trường trung học kỹ thuật (technical high school) để cung cấp nhân lực cho Samsung.
Học xong, học sinh có kỹ năng phù hợp yêu cầu của doanh nghiệp, dễ có việc làm và doanh nghiệp không cần tuyển học sinh tốt nghiệp THPT mới tinh vào đào tạo rất lãng phí.
Doanh nghiệp và trường nghề luôn đi bên nhau hợp tác theo trách nhiệm mỗi bên. Nhưng ở ta điều này đang chỉ ở mức hô khẩu hiệu, còn việc kêu gọi phải có ràng buộc luật pháp buộc doanh nghiệp tham gia hợp tác với trường ĐH và trường nghề là đòi hỏi hão huyền.
Tại sao nói mãi mà mối quan hệ này vẫn ít cải thiện thì các trường hãy tự trách mình. “Tiên trách kỷ hậu trách nhân”, các trường nên tự hỏi mình đã làm gì để doanh nghiệp có lòng tin vào chất lượng sản phẩm đào tạo?
Ba lối ra
Doanh nghiệp cần người làm chứ không cần người nói. Khi cơ hội việc làm mở ra, giá trị người được đào tạo nâng lên thì người tốt nghiệp không lo bị trả lương thấp, mà có quyền mặc cả theo giá trị của mình.
Một điểm nữa cần lưu ý là số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có số lượng lao động rất lớn. Với đặc điểm của loại doanh nghiệp này rất linh hoạt, thường không có chiến lược phát triển trung và dài hạn nên không có quy hoạch quản lý nguồn nhân lực chiến lược…
Tình hình sử dụng nhân lực nhìn chung không ổn định, ngại bỏ chi phí đào tạo và việc hợp tác với nhà trường càng khó khăn. Khi cần nhân tài quản lý hay kỹ thuật thì có hiện tượng câu móc, chụp giật lẫn nhau giữa các doanh nghiệp.
Câu hỏi làm gì để thu hút học sinh vào học nghề, theo tôi, trước hết nên xem xét hình thành một số trường trung học kỹ thuật theo mô hình của Hàn Quốc hay Đài Loan ở các khu công nghiệp, đào tạo kỹ năng và học vấn theo tiêu chuẩn của ngành công nghiệp có sự đỡ đầu của doanh nghiệp lớn.
Hai là cần đào tạo kỹ năng gắn với nhu cầu thị trường lao động, trong đó chất lượng là yếu tố then chốt để thu hút người học và đầu ra là việc làm có sẵn.
Bên cạnh đó rất cần tư nhân hóa đào tạo nghề, để doanh nghiệp đào tạo kỹ năng, còn Nhà nước có vai trò ban hành tiêu chuẩn, đánh giá kỹ năng và hỗ trợ cơ chế cho doanh nghiệp.
Nhà nước không nên “ôm”
Trong bối cảnh khoa học công nghệ thay đổi như vũ bão, kiến thức, kỹ năng được học hôm nay thì ngày mai mau chóng lạc hậu, do vậy phải đổi mới liên tục. Nhà nước “ôm” mãi trường nghề “quốc doanh” càng làm cho các trường thụ động, ỷ lại vẫn có thể sống qua ngày. Tư nhân hóa giáo dục nghề nghiệp là con đường ngắn nhất, hiệu quả để có đội ngũ công nhân, kỹ thuật viên công nghệ cao.