12/01/2025

Học sinh lớp 11 sáng tạo bộ trò chơi bảo vệ trẻ

Bùi Phương Vy và Bùi Quốc Khánh (học sinh lớp 11 Trường THPT Lưu Hữu Phước, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) cùng nhau thực hiện đề tài ‘thời sự’ và cần thiết cho các bạn nhỏ.

 

Học sinh lớp 11 sáng tạo bộ trò chơi bảo vệ trẻ

Bùi Phương Vy và Bùi Quốc Khánh (học sinh lớp 11 Trường THPT Lưu Hữu Phước, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) cùng nhau thực hiện đề tài ‘thời sự’ và cần thiết cho các bạn nhỏ.
 
 
 
 
 
Học sinh lớp 11 sáng tạo bộ trò chơi bảo vệ trẻ - Ảnh 1.

Từ trái sang: thầy Trung, Vy và Khánh bên bộ trò chơi Children’s safety 2.0 – Ảnh: MINH TÂM

Đề tài với tên gọi “Rèn luyện kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục cho trẻ từ 3-10 tuổi thông qua bộ trò chơi Children’s safety 2.0”, giúp trang bị cho trẻ kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục ngay từ nhỏ.

Chuyện trẻ bị xâm hại có thể xảy ra bất kể nơi đâu, bất kỳ thời điểm nào, thủ phạm có thể là những người không ai ngờ đến, nên cách tốt nhất là chúng ta trang bị cho trẻ kiến thức để trẻ tự bảo vệ mình. Đề tài của các em mang tính nhân văn và thật sự cần thiết.

Thầy HUỲNH NGHĨA TRUNG

Không làm gì, vì người lớn được phép làm vậy!

Ý tưởng của Vy và Khánh nhận được sự ủng hộ của nhiều thầy cô trong trường, nhất là thầy Huỳnh Nghĩa Trung – giáo viên bộ môn toán tin – và thầy nhận hướng dẫn đề tài. 

Hai bạn khảo sát 132 trẻ từ 3 đến 10 tuổi về kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp các bé. Thực trạng cho thấy đa số các bé bị thiếu hụt kỹ năng này, hầu như không biết làm gì nếu gặp phải các hành động bị lạm dụng. 

Chẳng hạn như với câu: “Nếu có người lạ sờ vào mông, con sẽ làm gì?”, 52 bé trả lời: “Không biết phải làm gì”. Thậm chí có đến 45 bé chọn trả lời: “Không làm gì, vì người lớn được phép làm như vậy”, chỉ 25 trẻ chọn: “La lớn và chạy về nhà”.

Kế đến, nhóm nghiên cứu tài liệu, tra cứu nhiều thông tin và khảo sát tìm hiểu tâm lý trẻ cần gì, thích gì. Sau đó, cả hai quyết định thiết kế bộ trò chơi vừa để các bé thư giãn, vừa giúp các bé hình thành kỹ năng tự bảo vệ trước những hành vi sai trái của người khác, đồng thời thầy cô và cha mẹ sẽ cùng học kỹ năng này với trẻ, bằng cách tham gia trò chơi cũng như giúp các bé tự tin hình thành kỹ năng sống tốt hơn. 

Tranh thủ ngày chủ nhật và những tiết học trống, Vy và Khánh thực hiện đề tài của mình, Vy lo nội dung câu hỏi, phần Khánh thực hiện những hình ảnh trên các thẻ bài, trên sách, trên ứng dụng điện thoại, laptop.

Ghi nhớ những thông tin cần thiết

Sau sáu tháng, cả hai hoàn thành đề tài. Khánh cho biết bộ trò chơi được nhóm thiết kế dưới năm hình thức gồm thẻ bài tri thức, bộ ghép hình thông minh, quyển sách tuyệt vời, sách tô màu và ứng dụng trò chơi trên smartphone. 

Hai bạn đã khéo léo đưa vào sản phẩm những thông tin như nhận biết những bộ phận cơ thể, giáo dục trẻ không cho ai chạm vào những vùng riêng tư như miệng, ngực, mông, đùi, dương vật, âm đạo; cảnh giác khi người lạ cho quà; cũng như hiểu biết được sức mạnh của những lời tâm sự với cha mẹ…

Vy thổ lộ: “Để tạo hứng thú cho trẻ, tụi mình thiết kế màu sắc sinh động, hình ảnh bắt mắt. Những câu hỏi thì giản đơn, ngắn gọn, dễ hiểu, để các bé chưa biết đọc có thể nhờ ông bà, cha mẹ hỗ trợ, còn đối với bé biết đọc từ lớp 2 trở lên có thể tự chơi được. Từ đó trẻ sẽ ghi nhớ những thông tin cần thiết để bảo vệ bản thân và ứng phó tình huống bất ngờ xảy đến”.

Ngoài rèn kỹ năng phòng tránh xâm hại, bộ trò chơi còn giúp trẻ phát huy các giác quan cũng như những kỹ năng khác. Chẳng hạn như phần chơi “Thẻ bài tri thức”, trẻ tự suy nghĩ và trả lời. 

Câu trả lời của trẻ có thể đúng hoặc sai nhưng dần dần bé sẽ nhớ cách ứng xử đúng khi gặp những tình huống thực tế. Và qua đó hình thành khả năng tư duy, độc lập suy nghĩ của trẻ. Còn “Sách tô màu hình thành kỹ năng phòng vệ”, khi tô sẽ giúp bé phân biệt hành động nào tốt, hành động nào xấu, cũng như giúp người chơi phát triển năng khiếu thẩm mỹ.

Riêng “Bộ ghép hình thông minh” là những bức tranh lớn được ghép lại từ các mảnh ghép nhỏ. Trong đó có hình các thành viên trong gia đình, hành động của kẻ xấu và phản ứng mà các bé nên làm khi gặp phải. Thông qua đó các bé dần hình thành các phản ứng tự vệ cần thiết khi bị lạm dụng.

Nhóm đánh giá hiệu quả của bộ Children’s safety 2.0 trên 45 máy tính và smartphone của phụ huynh có con độ tuổi 3 đến 10 để cho các bé chơi. Sau một tuần dùng thử, có đến 70% phụ huynh đánh giá sản phẩm đạt hiệu quả rất tốt.

Chị Nguyễn Thị Trúc Phương, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, tỏ ra rất hài lòng khi nói về sản phẩm: “Tôi thấy bộ trò chơi này rất bổ ích, giúp trẻ hình thành kỹ năng phòng tránh xâm hại ngay từ nhỏ, để trẻ có thể tự bảo vệ mình trước những kẻ sàm sỡ. Chứ phụ huynh chúng tôi nhiều khi muốn dạy con nhưng không biết dạy thế nào mới có hiệu quả”.

Nguyễn Anh Thư, lớp 4 Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, quận Ô Môn, sau khi sử dụng bộ trò chơi đã nhận xét: “Trước đây con chỉ biết chút ít kiến thức về phòng tránh xâm hại, nhưng từ khi chơi những trò chơi của hai anh chị, con biết được rất nhiều. Câu hỏi đơn giản, lại được minh họa bằng những hình ảnh sinh động nên rất dễ nhớ”.

Đề tài của đôi bạn đã đoạt giải nhì Cuộc thi khoa học – kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Nam năm 2019. “Đối với chúng mình, phần thưởng quý nhất là bộ trò chơi này đem lại nhiều tiện ích cho người dùng, hình thành cho trẻ kỹ năng phòng tránh xâm hại ngay từ nhỏ” – Vy chia sẻ.

 

MINH TÂM