26/12/2024

Cơ hội ‘thế chân’ hàng Trung Quốc tại Mỹ

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ là cơ hội để các DN ngành dệt may, thủy sản, da giày… VN giành lấy thị trường Mỹ từ tay Trung Quốc.

 

Cơ hội ‘thế chân’ hàng Trung Quốc tại Mỹ

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ là cơ hội để các DN ngành dệt may, thủy sản, da giày… VN giành lấy thị trường Mỹ từ tay Trung Quốc.

 
 
 

 

Linh kiện điện tử là lĩnh vực có nhiều cơ hội tăng xuất khẩu /// Ảnh: Bình Minh

Linh kiện điện tử là lĩnh vực có nhiều cơ hội tăng xuất khẩu   ẢNH: BÌNH MINH

 
Khi Mỹ quyết định nâng mức thuế suất từ 10% lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng nhập của Trung Quốc, cơ hội lại càng rộng mở cho VN. Công ty chứng khoán MBS phân tích, VN có vị trí địa lý gần Trung Quốc, cơ cấu dân số trẻ hơn và giá nhân công rẻ hơn.
 
Nền kinh tế VN có độ mở cao khi đang tham gia vào 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) khiến VN trở thành điểm đến tốt cho các công ty sản xuất hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, các sản phẩm Trung Quốc đang xuất khẩu sang Mỹ chủ yếu như máy tính, điện thoại, đồ may mặc, giày dép, đồ thể thao… khá tương đồng với các sản phẩm xuất khẩu sẵn có của VN.
 

“Cuộc xung đột thương mại Mỹ – Trung sẽ khiến các nhà nhập khẩu Mỹ buộc phải tìm thị trường nhập khẩu thay thế và VN sẽ là một lựa chọn hợp lý. Theo đánh giá của Economist, VN sẽ là một trong các quốc gia được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ và Trung Quốc với một số mặt hàng xuất khẩu”, MBS đánh giá.

 
Thực tế, số liệu của hải quan cho thấy, kể từ khi Mỹ và Trung Quốc nổ ra chiến tranh thương mại, hàng xuất khẩu của VN, đặc biệt là dệt may, thủy hải sản đã tăng trưởng đột biến, giúp các DN được hưởng lợi. Có 8/11 DN thủy hải sản trong quý 1 báo lãi đột biến so với cùng kỳ 2018. Điển hình phải kể đến là “nữ hoàng” cá tra Vĩnh Hoàn, khi ghi nhận lãi sau thuế đột biến 307 tỉ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Đối với dệt may Thành Thành Công, CTCP đầu tư và thương mại TNG cũng có lợi nhuận tăng gấp đôi, gấp 3…
 
Các chuyên gia cũng cảnh báo, với thị trường Mỹ, không chỉ khó khăn với các rào cản kỹ thuật, DN xuất khẩu còn phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện phòng vệ thương mại. Hiện mặt hàng thép nhập khẩu từ VN bị áp mức thuế chống bán phá giá lên đến 250%. Riêng cá tra và tôm bị áp tăng thuế chống bán phá giá hằng năm. Có thời điểm, mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho mặt hàng tôm tăng 25 lần so với mức cũ và áp thuế 7,74 USD/kg lên cá tra, cao 9,7 lần so với mức thuế trước đó.
 
Không dừng lại đó, hàng loạt mặt hàng khác đang có nguy cơ đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại như dệt may, da giày, sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo đến thủy sản, nông sản… Gần đây nhất, 2 mặt hàng xuất khẩu của VN đã bị Mỹ điều tra chống bán phá giá là ván gỗ ép và bao bì.
 
Tại cuộc hội thảo gần đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, Hiệp định CPTPP là cơ hội cho DN VN nhưng thị trường Mỹ, CPTPP có mức độ cam kết rộng, sâu hơn, không chỉ đề cập các vấn đề truyền thống như thương mại hàng hoá, dịch vụ…
 
Đặc biệt, Hiệp định CPTPP đặt ra yêu cầu cao về quản trị minh bạch, được kỳ vọng là thúc đẩy tiến trình, sáng tạo, thương mại, đầu tư trên thế giới và các bên, giúp nâng cao mức sống cho người lao động, người dân. Để tận dụng cơ hội, các DN cần vượt qua được sức ép cạnh tranh, lớn nhất là các DN phải tự đổi mới chính mình, tư duy, coi cạnh tranh là lẽ đương nhiên của nền kinh tế thị trường, sau đó, trong cạnh tranh cần chuyển từ bị động, phòng ngự, kêu gọi hỗ trợ chuyển sang tích cực, chủ động.
 
Hiện nay, theo thống kê, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Trung Quốc sang Mỹ đang bị đánh thuế bao gồm: máy tính, linh kiện (79,88 tỉ USD); điện thoại (71,81 tỉ USD); đồ may mặc, giày dép (60,65 tỉ USD); thiết bị viễn thông (33,95 tỉ USD); đồ chơi, trò chơi, thể thao (28,23 tỉ USD).

 

TIÊU PHONG