27/11/2024

Bi hài ‘chiêu’ che giấu ô nhiễm của quan chức Trung Quốc

Miệng hô hào chống ô nhiễm nhưng sau lưng lại nhận tiền của các doanh nghiệp gây ô nhiễm, nhiều quan chức Trung Quốc đã ‘sáng tạo’ đủ cách để đánh lừa thanh tra như ‘đánh lừa’ máy đo ô nhiễm, làm giả số liệu…

 

Bi hài ‘chiêu’ che giấu ô nhiễm của quan chức Trung Quốc

Miệng hô hào chống ô nhiễm nhưng sau lưng lại nhận tiền của các doanh nghiệp gây ô nhiễm, nhiều quan chức Trung Quốc đã ‘sáng tạo’ đủ cách để đánh lừa thanh tra như ‘đánh lừa’ máy đo ô nhiễm, làm giả số liệu…
 
 
 

Bi hài chiêu che giấu ô nhiễm của quan chức Trung Quốc - Ảnh 1.

Ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn đề nghiêm trọng tại Trung Quốc sau thời gian dài phát triển nóng vội – Ảnh chụp màn hình

 

Bảo vệ môi trường đã trở thành một trong ba ưu tiên hàng đầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ cuối năm 2017, theo báo South China Morning Post của Hong Kong.

Bị đặt dưới áp lực phải hoàn thành mục tiêu bảo vệ môi trường của ông Tập, thay vì ngồi nghĩ những cách thiết thực để cải thiện môi trường, nhiều cán bộ địa phương lại nghĩ cách làm thế nào để kiếm chác hay làm đẹp số liệu, phóng đại thành tích thi đua.

Theo một báo cáo được công bố trong tháng 5-2019 của Bộ Sinh thái và môi trường Trung Quốc, các thanh tra môi trường chính phủ đã tìm thấy hàng loạt bằng chứng cho thấy các cán bộ bảo vệ môi trường tại nhiều địa phương đã “ăn thiệt làm láo” ra sao.

“Ở một số địa phương, cán bộ không thực sự làm tròn trách nhiệm được giao đều đặn. Mãi tới khi gần đến thời gian thanh tra, lúc này họ mới cuống lên vì không đủ thời gian. Vậy là họ chế ra các số liệu báo cáo”, ông Cao Liping – người đứng đầu một cơ quan giám sát của Bộ Môi trường Trung Quốc nêu thực trạng.

Ví dụ như Đảng ủy quận Bá Châu (thành phố Tuân Nghĩa, tỉnh Quí Châu) bị phát hiện làm giả biên bản 10 cuộc họp về môi trường nhằm lừa các thanh tra viên. Việc tổ chức các cuộc họp là một yêu cầu bắt buộc phải thực hiện theo chỉ đạo của ông Tập. Bộ Môi trường Trung Quốc nhận định các quan chức đảng tại Bá Châu đã “thiếu bản lĩnh chính trị” và “bản chất sự việc là nghiêm trọng”.

Các quan chức ở Thạch Thuỷ Sơn thuộc tỉnh Ninh Hạ thậm chí còn nghĩ ra cách sáng tạo hơn. Hồi tháng 12-2017, để làm đẹp số liệu, các cán bộ môi trường Thạch Thủy Sơn đã chỉ đạo công nhân vệ sinh xịt nước xung quanh toà nhà đặt các máy đo chất lượng không khí bằng đại bác chống sương khói.

Người tính không bằng trời tính, sự việc có lẽ sẽ bị không bị vạch trần nếu trời không đột ngột trở lạnh vào hôm sau khiến toà nhà bị phủ một lớp tuyết.

Bi hài chiêu che giấu ô nhiễm của quan chức Trung Quốc - Ảnh 2.

Du khách nước ngoài mang khẩu trang khi đến thăm quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh trong ngày ô nhiễm – Ảnh: AFP

Trước đó cũng trong năm 2017, 11 cán bộ môi trường bao gồm trạm trưởng của thị trấn Lâm Phần (tỉnh Sơn Tây) đã nghĩ ra cách trùm khăn lên các máy đo chất lượng không khí rồi xịt nước trong những ngày ô nhiễm không khí nặng.

Sáu máy đo đặt tại Lâm Phần đã bị can thiệp hơn 100 lần từ tháng 4-2017 đến tháng 3-2018, các dữ liệu máy tính bị làm sai lệch tới 53 lần. Ông trạm trưởng tên Zhang Wenqing ở Lâm Phần sau đó bị bắt và bị tuyên 2 năm tù vì tội huỷ hoại dữ liệu.

Móc nối với doanh nghiệp

Làm sai lệch số liệu giám sát chất lượng không khí đã trở thành một tội hình sự tại Trung Quốc, đủ để cho thấy thực trạng vi phạm ở mức như thế nào. Mới đây, Bộ Môi trường Trung Quốc vừa phát hiện ra sự thông đồng giữa các cán bộ môi trường Bạc Châu (tỉnh An Huy) và những công ty địa phương.

Theo đó, một số công ty sẽ được thông báo trước mỗi khi sắp có đoàn thanh tra môi trường ghé thăm. Họ cũng được hướng dẫn làm thế nào để giảm mức độ gây ô nhiễm trước thời gian thanh tra, chẳng hạn giảm bớt quy mô sản xuất để bớt khí thải.

Bi hài chiêu che giấu ô nhiễm của quan chức Trung Quốc - Ảnh 3.

Tháp lọc không khí lớn nhất thế giới đặt tại Tây An (tỉnh Thiểm Tây) là một trong nhiều nỗ lực cải thiện chất lượng không khí của chính quyền Bắc Kinh – Ảnh: REUTERS

Tờ Phương Nam cuối tuần của Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông) dẫn ra một thống kê cho thấy đã có 63 vụ ăn hối lộ liên quan đến 118 cán bộ trong các cơ quan bảo vệ môi trường địa phương. Cá biệt có nơi còn tổ chức ăn hối lộ theo đường dây như thành phố Toại Ninh của tỉnh Tứ Xuyên. 32 cán bộ bị phát hiện đã thu lợi bất chính hơn 6,32 triệu nhân dân tệ (khoảng 900.000 USD).

Wang Canfa – một chuyên gia về luật môi trường tại Đại học Luật và khoa học chính trị Trung Quốc, nhận định việc làm giả dữ liệu môi trường không chỉ làm mất uy tín chính phủ mà còn khiến công tác cải thiện môi trường thiếu thực tế, khiến người dân bất mãn.

“Cho dù mức độ ô nhiễm nước hay không khí đang ở mức nghiêm trọng, chỉ cần các cơ quan môi trường địa phương nói không có gì đáng lo, tiền của chính phủ sẽ chảy sang nơi khác”.

Giáo sư Zhou Ke – một chuyên gia luật môi trường tại Đại học Renmin, cho rằng có lý do vô cùng “thiết thực” để các quan chức làm giả số liệu, bởi những con số và kết quả thanh tra đẹp ảnh hưởng trực tiếp đến con đường quan lộ của họ.

 

BẢO DUY