Luật Mỹ ngăn kết hôn giả bằng phạt nặng và kiểm tra siêu khó
Kết hôn để trở thành công dân Mỹ là cách phổ biến nhất để nhập cư hợp pháp, qua đó được thẻ xanh (thường trú nhân), và tiến tới xin quốc tịch để hưởng được các lợi ích của công dân Mỹ.
Luật Mỹ ngăn kết hôn giả bằng phạt nặng và kiểm tra siêu khó
Kết hôn để trở thành công dân Mỹ là cách phổ biến nhất để nhập cư hợp pháp, qua đó được thẻ xanh (thường trú nhân), và tiến tới xin quốc tịch để hưởng được các lợi ích của công dân Mỹ.
Thống kê của Mỹ cho biết trong giai đoạn 1998-2007, hơn 2 triệu người đã thông qua kết hôn để trở thành công dân nước này, nhằm tìm kiếm cơ hội việc làm hoặc được hưởng các quyền công dân của nước sở tại.
Tuy nhiên, việc phát hiện và buộc tội một trường hợp kết hôn giả để nhập cư/nhập tịch hợp pháp không đơn giản, do đó rất khó để chính quyền Mỹ có được số liệu thống kê chính xác số trường hợp này.
Phạt tiền, tù và trục xuất
Liên quan tới tội kết hôn giả, tùy theo mức độ liên đới và ở từng trường hợp cụ thể, mức án phạt sẽ khác nhau. Tuy nhiên, để có thông tin tham chiếu, người viết dẫn một trường hợp mới nhất liên quan tới việc này vừa đăng trên trang web của Bộ Tư pháp Mỹ ngày 16-5.
Theo đó, 5 bị cáo liên quan tới một nhóm tổ chức kết hôn giả giữa công dân Mỹ và người nước ngoài nhằm giúp người nước ngoài được cấp thẻ xanh tại Mỹ đã vừa nhận tội. Với chỉ một tội danh là cấu kết để thực hiện mưu đồ kết hôn giả, mỗi bị cáo này đối mặt với mức án tối đa 5 năm tù cùng khoản tiền phạt lên tới 250.000 USD và bị trục xuất đối với bị cáo người nước ngoài.
Mặc dù với nhiều người, mức án như vậy đã là nghiêm khắc, song dường như chưa đủ sức răn đe để làm “nản lòng” những người khát khao tới Mỹ bằng “lối tắt” đó.
Những cuộc hôn nhân bị “soi”
Như đã nói, việc xác định đâu là một cuộc hôn nhân giả không đơn giản. Trong rất nhiều khâu thủ tục và phương pháp nhằm ngăn chặn việc này, cơ quan chức năng Mỹ có một “cửa ải” rất lớn, đó là những cuộc phỏng vấn “Stokes”.
Theo báo New York Times, sau khi không vượt qua được những cuộc phỏng vấn đầu tiên với Sở Nhập tịch và di trú Mỹ (USCIS), những cặp vợ chồng có một người cần xin cấp thẻ xanh sẽ phải bước vào “thế giới bí ẩn” của “đội Stokes”.
Nói cách khác, họ sẽ phải tham gia các cuộc phỏng vấn sâu với những nhân viên được đào tạo kỹ năng chuyên để hỏi và tìm ra sự thật của các cuộc hôn nhân giữa người Mỹ với một người nước ngoài.
Thông thường, các nhân viên của Cơ quan phát hiện gian lận và an ninh quốc gia (FDNS) của USCIS sẽ đảm nhận việc phỏng vấn riêng người vợ/chồng, sau đó so sánh các câu trả lời của họ để phát hiện những điều không nhất quán, những tín hiệu “cảnh báo” bất thường…
Các nhân viên này sẽ hỏi đủ thứ trên trời dưới đất, từ những điều tỉ mỉ như màu sắc bàn chải đánh răng của vợ/chồng họ, hoa văn trên gạch lát nhà vệ sinh của họ là gì, vợ chồng họ đã làm gì trong dịp lễ đón năm mới trước đó…
Họ thậm chí còn hỏi những câu khiến người bị hỏi có thể bối rối, xấu hổ khi đề cập cả những chuyện “thâm cung bí sử” như đời sống tình dục của hai vợ chồng.
Bạn có thể đã kết hôn tới 50 năm rồi và vẫn thấy khó mà vượt qua được nó.
Ông DANIEL LUNDY (một luật sư về nhập cư ở Mỹ) nhận xét về thủ tục phỏng vấn Stokes
Nhưng vẫn chưa hết, tại một số vùng ở Mỹ, nhà chức trách thậm chí còn tiến hành cả những cuộc kiểm tra bất ngờ vào rạng sáng ngay tại địa chỉ nhà của một cặp vợ chồng như vậy.
Bà Laura Lichter – một luật sư về nhập cư tại thành phố Denver, bang Colorado – cảnh báo tình huống này: “Một ai đó xuất hiện trước cửa nhà bạn với phù hiệu cảnh sát và súng mà không báo trước. Họ sẽ nói: Xin chào, chúng tôi đến từ cơ quan di trú. Quý vị không ngại nếu chúng tôi vào nhà để xem liệu hai cái khăn mặt có ướt không chứ?”.
Theo bà Barbara Felska – một nhân viên phỏng vấn của “đội Stokes”, phương pháp của bà là tìm kiếm chứng cứ xác thực trên 3 phương diện của một cuộc hôn nhân: tính hợp pháp (như quyết định ly hôn hợp pháp); tình trạng sở hữu chung các tài sản và những giấy tờ tài liệu chung khác (đây là yếu tố mà các cặp vợ chồng trẻ hoặc nghèo thường thiếu); và “sự kết nối về tinh thần, cảm xúc thông qua trải nghiệm sống chung của họ” (đây là yếu tố mang tính chủ quan nhất).
Tuy nhiên, thông điệp của bà Felska với các cặp vợ chồng là: “Đừng sợ Stokes nếu cuộc hôn nhân của bạn là thật – tất cả những gì bạn cần là tình yêu!”.
Ví dụ điển hình của một cặp vợ chồng kết hôn giả là ông A, một người nước ngoài, thỏa thuận với bà B – một công dân Mỹ – việc kết hôn giả để ông A được cấp thẻ xanh, thẻ công nhận tình trạng thường trú nhân ở Mỹ.
Mặc dù sống chung nhà nhưng ông A và bà B không chung sống như vợ chồng. Họ thỏa thuận với nhau sau khi ông A có được thẻ xanh, hai người sẽ ly hôn và ông A có thể tái hôn với người vợ cũ.