Cuộc chiến bóng đêm: Lý do ông Trump quyết chiến với Trung Quốc
Sự trỗi dậy của Trung Quốc không phải là “thời thế”. Họ đã đặt ra mục tiêu và thực hiện một cách bài bản từ mấy chục năm trước. Nước Mỹ giờ đây nhận ra một sai lầm lớn và dường như đã quá muộn…
Cuộc chiến bóng đêm: Lý do ông Trump quyết chiến với Trung Quốc
Sự trỗi dậy của Trung Quốc không phải là “thời thế”. Họ đã đặt ra mục tiêu và thực hiện một cách bài bản từ mấy chục năm trước. Nước Mỹ giờ đây nhận ra một sai lầm lớn và dường như đã quá muộn…
Vào một thời điểm, có hàng trăm đến hàng ngàn tin tặc Trung Quốc dòm ngó bí mật của Mỹ và các nước đồng minh – Ảnh: CNN
“Cuộc chiến bóng đêm” là ấn phẩm điều tra mới xuất bản của nhà báo người Mỹ Jim Sciutto. Xin giới thiệu một phần trích đăng tải trên đài CNN của Mỹ.
Đối với bạn bè và người quen ở Mỹ, Stephen Su là một doanh nhân người Hoa dễ mến, một anh chàng có tính cách hòa đồng.
“Mọi người thích anh ta. Họ không nghĩ anh ta là một tay chết dịch, tôi biết điều này nghe ngu xuẩn, nhưng con người là vậy. Và đó là cách mọi thứ bắt đầu” – Bob Anderson, cựu lãnh đạo cơ quan phản gián thuộc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), hồi tưởng lại một câu chuyện ly kỳ.
Tay gián điệp “dễ mến”
Stephen Su tên thật tiếng Hoa là Su Bin. Nhân vật này sống ở Trung Quốc nhưng thường xuyên qua lại Mỹ và Canada để gầy dựng một công ty tên gọi Lode-Tech trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.
Lode-Tech chỉ là kẻ tí hon trong sân chơi gồm toàn những gã khổng lồ. Nhưng từ năm 2009-2014, Su kiên trì xây dựng một mạng lưới làm ăn thân hữu trong giới nhà thầu quốc phòng Mỹ và Canada – các đơn vị nắm giữ những bí mật nhạy cảm nhất của quân đội Mỹ.
“Vậy đó, hắn vun đắp anh từ từ” – Anderson nhớ lại cách làm ăn của Su.
Những thông tin Su quan tâm liên quan đến 3 mẫu máy bay quân sự hiện đại nhất của Mỹ: tiêm kích tàng hình Lockheed Martin F-22 Raptor, F35 Lightning II và máy bay vận tải Boeing C-17 Globemaster.
Tuy các dòng máy bay này là sản phẩm của hai nhà thầu quân sự lớn Lockheed Martin và Boeing, nhưng mỗi đơn vị lại mua hàng ngàn linh kiện từ hàng chục nhà cung cấp nhỏ hơn. Chuỗi cung ứng quá rộng này tạo nhiều lỗ hổng cho Su xâm nhập, và giúp anh ta giải thích nếu ai đó cảm thấy nghi ngờ.
“Su sẽ nói: Tôi đâu có yêu cầu anh cho tôi nguyên chiếc F-35, có hề gì đâu nếu tôi chỉ thửa một hệ thống trong đó, rồi chúng ta bán cho một người bạn hoặc một khách hàng tiềm năng! Và cứ thế, mưa dần thấm đất. Quá trình này cần thời gian” – Anderson mô tả mô tả quy trình thâm nhập của đối tượng đến từ Trung Quốc.
3 năm tung hoành
Sau này người ta mới biết, Su và các cộng sự của anh ta tiếp cận thoải mái hệ thống mạng của nhà sản xuất máy bay hàng đầu Boeing trong 3 năm trước khi hành động xâm nhập bị phát hiện.
Trong suốt thời gian đó, băng gián điệp đã lấy khoảng 630.000 file tài liệu – tương đương 65GB dữ liệu – chỉ riêng về vận tải cơ C-17; và hàng chục ngàn file khác về tiêm kích F-22 và F-35.
Đó quả là một kho tàng thông tin về các dự án quân sự tân tiến và nhạy cảm nhất của Mỹ.
Thành công như vậy, nhưng nhóm của Su chỉ là một phần nhỏ trong đạo quân tin tặc khổng lồ được Trung Quốc tổ chức bài bản.
Trong 2 thập niên qua, Bắc Kinh đã đổ tiền xây một hệ thống hạ tầng khổng lồ dành cho hoạt động gián điệp mạng. Văn phòng đại diện thương mại Mỹ ước tính số tài sản trí tuệ Mỹ bị đánh cắp mỗi năm lên đến 600 tỉ USD.
Điều đáng nói, người Mỹ cho rằng đây không phải là hành vi cá biệt của vài cá nhân hay tổ chức, mà là chính sách hẳn hoi của Bắc Kinh. Cáo buộc này trở thành một trong những gốc rễ gây ra trận chiến thương mại rực lửa giữa hai nước hiện nay. Tổng thống Donald Trump đã vô cùng tức giận.
Một quan chức hành pháp Mỹ mô tả bộ máy gián điệp của Trung Quốc giống như “con sán ký sinh”, nó hút máu hàng chục ngàn tổ chức và cá nhân để lấy đi tài sản quý giá nhất của Mỹ: sức mạnh sáng tạo.
Vị này nhận định mục tiêu của Bắc Kinh không gì khác ngoài vượt qua Mỹ để trở thành siêu cường thế giới, nếu có thể thì trong hoà bình, còn buộc phải chiến tranh thì họ muốn san bằng khoảng cách sức mạnh với Mỹ.
Mỹ cáo buộc các cơ quan an ninh Trung Quốc nuôi hẳn một đội quân tin tặc tấn công nước Mỹ – Ảnh: AFP
“Thống trị thế giới”
Cựu chuyên gia phản gián Anderson đồng tình: “Mọi thứ đều quy về vị thế thống trị thế giới, và nếu lỡ nổ ra xung đột – rất tiếc là khả năng này cao – Trung Quốc muốn chơi ngang cơ, nếu không muốn nói là trên cơ, với Mỹ. Đó là mục tiêu họ đặt ra trong 30-40 năm qua”.
Chính xác thì có bao nhiêu tay gián điệp Trung Quốc như Stephen Su ở Mỹ? Khó mà biết được, nhưng Anderson ước tính vào một thời điểm, có ít nhất hàng chục nhóm như vậy đang hoạt động; và đằng sau chúng là cả một đạo quân tin tặc nằm ở Trung Quốc, một phần trực thuộc cơ quan an ninh Trung Quốc, số khác làm việc theo kiểu bán thời gian.
“Ở Mỹ là anh đi tù rồi, nhưng Trung Quốc lại nuôi hàng ngàn thanh thiếu niên giỏi ngang cỡ sinh viên MIT hoặc Stanford, chỉ để tấn công mạng nước Mỹ. Họ được trả tiền cho công việc đó… Tiêu chí tuyển dụng thậm chí không khác gì cộng đồng tình báo Mỹ” – cựu lãnh đạo phản gián Anderson bình luận.
Tin tặc Trung Quốc cũng hết sức lý tưởng và tham vọng. Trong một email năm 2011, nhóm của Su tự phụ rằng những thông tin ăn cắp được “sẽ giúp Trung Quốc đuổi kịp trình độ của Mỹ… Để dễ dàng đứng trên vai gã khổng lồ”.
Băng gián điệp nguy hiểm chỉ “thất thủ” vào mùa hè năm 2014 là thời điểm Su bị bắt giữ ở Canada theo yêu cầu của Mỹ.
Tính đến lúc đó, đã 5 năm trôi qua từ lúc Su lần đầu tiên cung cấp thông tin giúp đồng bọn ở Trung Quốc tấn công mạng các mục tiêu trong lòng nước Mỹ.
Bản án dành cho Su là một chiến thắng của FBI sau bao công sức khó nhọc, tuy nhiên thực tế phũ phàng là cứ mỗi gián điệp họ bắt được, có vô số kẻ khác trốn thoát và không bao giờ bị phát hiện
“Tôi cho rằng có hàng trăm, nếu không muốn nói hàng ngàn, kẻ như vậy ở Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ… Họ (Trung Quốc) xem chúng tôi là đối thủ quan trọng nhất, và họ sẽ làm mọi cách, từ nối dối, lừa gạt và ăn cắp… để hòng vượt mặt nước Mỹ” – ông Anderson chốt lại.