Giá trị đặc biệt nổi trội
Đại đức Thích Không Nhiên, Trưởng nhóm nghiên cứu Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán (Huế), cho hay qua khảo sát văn bản ma nhai hiện lưu tại 5 hang động thuộc Ngũ Hành Sơn, bước đầu thống kê có hơn 90 văn bản, trong đó động Huyền Không chiếm đến 60 văn bản. Theo đại đức, so với các địa chỉ lưu dấu ma nhai nổi tiếng cả nước tại Bắc bộ, bắc Trung bộ, ma nhai Ngũ Hành Sơn vượt trội về mặt số lượng, tích hợp đa niên đại khắc bản, phong phú về thể loại, hội tập nhiều thế hệ tác giả là những danh nhân của 3 miền đất nước cũng như ngoại kiều.
Hơn thế nữa, theo đại đức Thích Không Nhiên, ma nhai Ngũ Hành Sơn với nghệ thuật điêu khắc tinh xảo đọng lại qua hệ thống bia ký thời các chúa Nguyễn còn đánh dấu một nét son đáng tự hào trên bản đồ phân bố ma nhai tại VN. Điển hình là ma nhai Nam Bảo Đài hinh bi được xem là bia ma nhai có kích thước lớn nhất (127 x 60 cm) với hệ thống hoa văn trang trí mang đặc trưng mỹ thuật thời Lê Trung Hưng, tinh xảo và đặc sắc nhất so với tất cả bia ma nhai mà nhóm nghiên cứu từng gặp.
Nhóm nghiên cứu cũng đã thống kê được 8 bia ký Phật giáo thời các chúa Nguyễn còn được lưu giữ trên vách động. Trong 3 văn bản nguyên vẹn hiện còn, có 2 văn bản được khắc dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, 1 văn bản dưới thời chúa Nguyễn Phúc Lan. Trong đó, ấn tượng nhất là bia Phổ Đà Sơn linh trung Phật (khắc năm Canh Thìn 1640 tại động Huyền Không) do nhà sư Huệ Đạo Minh lập.
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, nhận xét ma nhai Ngũ Hành Sơn còn được xem là bộ sưu tập tác giả, gồm cả vua Minh Mạng với nhiều bài thơ ngự chế, 2 tấm bia khắc đại tự Vọng Giang đài và Vọng Hải đài thể hiện tư duy của người đứng đầu triều Nguyễn. Ngoài ngự bút của vua Minh Mạng, có thơ đề của các đại thần triều Nguyễn như Đào Tấn, Trương Quang Đản, Nguyễn Văn Mại, Nguyễn Trọng Hợp, Nguyễn Thuật, Cao Xuân Dục… “Đặc biệt, ma nhai Ngũ Hành Sơn được xem là bộ sử của Phật giáo Đàng Trong, bắt đầu với tấm bia chữ Hán có niên đại Nhâm Tuất 1622 thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên”, ông Tiếng nói.
Bia ma nhai tại Ngũ Hành Sơn
|
Xứng danh di sản tư liệu
|
|
Phát hiện nhiều di vật Chăm tại Ngũ Hành Sơn
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết ngoài hệ thống ma nhai, các chùa tại Ngũ Hành Sơn còn lưu giữ nhiều hoành phi, liễn đối, pháp khí… liên quan văn hóa Phật giáo, trong đó khẳng định vai trò của vua Minh Mạng trong phát triển văn hóa Phật giáo tại Ngũ Hành Sơn. Đáng chú ý, qua những đợt khai quật khảo cổ học, các chuyên gia phát hiện nhiều di vật gắn với văn hoá Chăm.
|
|
|
Nhóm nghiên cứu Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán (Huế) cho biết, đa phần các văn bản ma nhai tại Ngũ Hành Sơn không còn nguyên vẹn, bị phong hóa, mờ hết chữ, một số bị bôi lấp bởi sơn và xi măng. Theo đại đức Thích Không Nhiên, đáng tiếc nhất là có đến 5 trong số 8 bia ký thời chúa Nguyễn bị đục hết nội dung chữ, dù hình thức với những họa tiết hoa văn tinh xảo xung quanh diềm và trán bia vẫn còn nguyên… Đại đức Thích Không Nhiên kiến nghị cần có biện pháp kịp thời cứu vãn và bảo tồn nguồn tư liệu quý giá này. “Ma nhai Ngũ Hành Sơn là tư liệu quý, lưu giữ nhiều thông tin liên quan lịch sử hình thành, phát triển của một vùng đất – nơi đánh dấu sự “cộng cư” hài hòa, sinh động giữa người Việt di cư và người Chăm tiền trú”, đại đức nói.
Ông Bùi Văn Tiếng nhìn nhận tình trạng không ít ma nhai Ngũ Hành Sơn bị tổn thương do thời gian và cả sự thiếu hiểu biết của hậu thế. Đây là lý do cần thiết đặt việc bảo tồn ma nhai trong tổng thể bảo tồn di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn, nhằm tận dụng hành lang pháp lý về bảo tồn di sản văn hoá đối với các di tích quốc gia đặc biệt. Theo ông Tiếng, có như vậy mới không để tái diễn tình trạng huỷ hoại di sản văn khắc nói riêng và hủy hoại di sản văn hóa nói chung tại Ngũ Hành Sơn.
Nhiều nhà nghiên cứu còn đặt vấn đề sớm biên soạn và xuất bản các thành tựu nghiên cứu về ma nhai Ngũ Hành Sơn. Trước mắt, có thể đầu tư dịch và chú giải toàn bộ công trình Ngũ Hành Sơn lục do Hồ Thăng Doanh chủ biên. Dưới góc nhìn của ông Bùi Văn Tiếng, TP.Đà Nẵng trên đường phát triển thành một đô thị hiện đại phải tự chứng tỏ mình là một đô thị có ký ức. “Tôi nghĩ ma nhai Ngũ Hành Sơn chỉ với những gì còn bảo tồn được đến ngày nay hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu Di sản tư liệu thế giới. Cũng không nên thu hẹp không gian nghiên cứu của miền Thuận Quảng xưa mà cần mở rộng ra phạm vi cả nước”, ông Tiếng nêu ý kiến.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, tiết lộ ngành văn hóa hiện đang xây dựng hồ sơ đệ trình Ủy ban Quốc gia chương trình Ký ức thế giới tại VN xem xét đưa ma nhai Ngũ Hành Sơn vào Danh mục ký ức quốc gia, đồng thời đệ trình UNESCO công nhận di sản văn khắc Hán Nôm Ngũ Hành Sơn là Di sản tư liệu thế giới trong tương lai.
HOÀNG SƠN