Tăng giá điện, doanh nghiệp kiến nghị phải báo trước 9-12 tháng
Kiến nghị với đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Công thương tại TP.HCM vào chiều 9-5, đại diện các doanh nghiệp cho biết lộ trình tăng giá điện cần phải thông báo từ 9-12 tháng, không nên tăng bất ngờ như hiện nay.
Tăng giá điện, doanh nghiệp kiến nghị phải báo trước 9-12 tháng
Kiến nghị với đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Công thương tại TP.HCM vào chiều 9-5, đại diện các doanh nghiệp cho biết lộ trình tăng giá điện cần phải thông báo từ 9-12 tháng, không nên tăng bất ngờ như hiện nay.
Tại buổi làm việc giữa đoàn kiểm tra về quy định giá bán điện và việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện với các doanh nghiệp ở Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7), ông Từ Đại Hàn (đại diện Công ty Ray Churn kiêm thư ký Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Khu chế xuất Tân Thuận) cho biết việc tăng giá điện có ảnh hưởng đến doanh nghiệp bởi tác động đến chi phí sản xuất.
Theo ông Hàn, giá điện tăng khiến đơn giá tăng, trong khi doanh nghiệp đã ký hợp đồng từ 5-6 tháng trước. “Đùng một cái tăng giá như thế doanh nghiệp trở tay không kịp” – ông Hàn nói.
Theo ông, việc tăng giá cần phải thực hiện theo lộ trình, có thông báo cho doanh nghiệp tối thiểu từ 9-12 tháng để có sự tính toán, còn như hiện nay thông báo tháng 2 nhưng thực hiện tăng giá ngay vào tháng 3 sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ông Hàn cho biết không chỉ điện tăng mà xăng cũng tăng giá, đẩy doanh nghiệp vào tình trạng khó khăn bởi thị trường hiện nay cạnh tranh rất gay gắt.
Tượng tự, bà Nguyễn Thị Thanh (đại diện Tổng công ty CP May Nhà Bè) cho biết doanh nghiệp hiện nay gặp khó khăn bởi không chỉ giá điện tăng mà nhiều chi phí khác cũng tăng, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của công ty. Theo bà Thanh, trung bình công ty trả khoảng 1 tỉ đồng tiền điện, trong tháng 4-2019 số tiền điện phải trả là 1,1 tỉ đồng dù đã có nghỉ sản xuất một buổi chiều.
Trước đó, đoàn kiểm tra cũng đã làm việc với Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC). Theo báo cáo của EVN HCMC, có 17.579 khách hàng đã phản ánh đến Trung tâm chăm sóc khách hàng thông qua điện thoại, email, website (từ 20-3 đến 6-5) liên quan đến việc tra cứu giá điện, chỉ số điện kế, kiểm tra thiết bị đo đếm, tra cứu chi tiết tiền điện, biểu giá bán điện… Trong đó, có 3.150 khách hàng thắc mắc về giá bán điện, 779 khách hàng thắc mắc về chỉ số điện và thực hiện phúc tra chỉ số điện, phần lớn các thắc mắc đã được giải quyết thoả đáng.
Ngoài ra, có gần 5.500 khách hàng yêu cầu tra cứu thông tin, cách tính hóa đơn, tra cứu thông tin chỉ số công tơ, hoá đơn tiền điện, tra cứu, in sao kê chỉ số đã được tổng công ty tiếp nhận và giải đáp từng trường hợp.
Ông Nguyễn Duy Quốc Việt, phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM, báo cáo tình hình sử dụng điện tại TP.HCM – Ảnh: NGỌC HIỂN
Ông Nguyễn Duy Quốc Việt, phó tổng giám đốc EVN HCMC, cho biết đối với các khách hàng có điện năng tăng giảm bất thường từ 30% trở lên, công ty đã lập danh sách các khách hàng nghi ngờ để tổ chức phúc tra, xác nhận chỉ số.
Trong tháng 4-2019, toàn tổng công ty có 47,18% khách hàng sử dụng điện sinh hoạt có mức điện năng sử dụng tăng trên 30% so với tháng 3 và các công ty điện lực đã tổ chức rà soát, phúc tra 240.136 khách hàng có điện năng tiêu thụ tăng từ 1,5 lần trở lên. Theo ông Việt, kết quả phúc tra cho thấy đa số các trường hợp đều có chỉ số phù hợp, nguyên nhân hóa đơn tiền điện tăng chủ yếu do nhu cầu dùng điện của khách hàng tăng cao trong tháng 4.
Ông Phạm Quốc Bảo, tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM, lý giải về việc TP.HCM có lượng người dân phản ánh nhiều – Ảnh: NGỌC HIỂN
Ông Phạm Quốc Bảo, tổng giám đốc EVNHCMC, cho biết từ đầu tháng 3 hằng năm, TP.HCM bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm mùa khô, nhiệt độ nhiều thời điểm lên 38-40°C. Do đó, nhu cầu sử dụng điện của khách hàng càng cao, đặc biệt các thiết bị giải nhiệt như máy lạnh. Năm 2018, sản lượng điện ngày cao nhất là 81,13 triệu kWh (ngày 17-5). Trong năm 2019, sản lượng ngày cao nhất đến thời điểm này là 90,04 triệu kWh (24-4), tăng 10,98% so với ngày cao nhất năm 2018 và đây cũng là mức tiêu thụ cao kỷ lục.
Biểu đồ so sánh sản lượng điện tiêu thụ tại TP.HCM trong các tháng 2, 3, 4 trong các năm từ 2014 – 2019 – Nguồn: EVN HCMC
Ngoài ra, ông Bảo cũng cho biết TP.HCM tiếp nhận nhiều phản ánh của khách hàng bởi đặc thù của TP có đến 40% khách hàng tiêu thụ điện ở thang giá điện từ bậc 3-6, trong khi cả nước khách hàng chủ yếu từ bậc 1-3. Theo khung giá bậc thang, khách hàng dùng nhiều sẽ rơi vào bậc thang có mức giá cao, do đó tiền điện tăng cao đã khiến nhiều khách hàng bất ngờ.