Lao động Việt kiếm cơm ở Nhật chẳng dễ dàng
Trầm cảm, tai nạn lao động… nằm trong số những nguy cơ người Việt phải đối mặt khi đi xuất khẩu lao động ở Nhật. Một số người thậm chí không bao giờ nhìn lại được quê hương. Phóng sự trên Đài NHK của Nhật.
Lao động Việt kiếm cơm ở Nhật chẳng dễ dàng
Trầm cảm, tai nạn lao động… nằm trong số những nguy cơ người Việt phải đối mặt khi đi xuất khẩu lao động ở Nhật. Một số người thậm chí không bao giờ nhìn lại được quê hương. Phóng sự trên Đài NHK của Nhật.Số lượng người Việt sinh sống tại Nhật đã tăng gấp 3 lần trong 5 năm qua, hiện đạt hơn 300.000 người. Trong cộng đồng người Việt, 74% là sinh viên và thực tập sinh kỹ thuật, những người đến Nhật để học kỹ năng và kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Tuy nhiên, một vài người không bao giờ có cơ hội trở lại Việt Nam…
Bi kịch của một sinh viên
Nguyên (tên nhân vật đã được thay đổi, theo ghi chú của đài NHK) chỉ mới 20 tuổi khi cậu quyết định kết liễu cuộc đời. Chàng trai đến Nhật để tìm kiếm nền tảng học vấn và một tương lai tươi sáng. Nhưng cuối cùng, Nguyên lại nằm trong số những người Việt ra đi mãi mãi trên xứ người.
Cha mẹ Nguyên đã phải vay mượn 10.000 USD để cho con đi học, con số nhiều gấp 3 lần thu nhập trung bình hằng năm ở Việt Nam.
“Hầu hết người Việt học tập ở Nhật có gia cảnh khó khăn, phải vay mượn để con cái có cơ hội học hành. Phụ huynh muốn gửi con đến Nhật với hi vọng chúng sẽ tìm được công việc tốt, xây dựng một cuộc sống hạnh phúc” – cha của Nguyên tâm sự.
Nguyên đang trong giai đoạn học tiếng Nhật, giáo viên nhận xét chàng trai là một sinh viên hiếu học và đạt kết quả tốt.
“Tiếng Nhật của Nguyên không phải xuất sắc, nhưng cậu ấy rất cố gắng. Không dễ để kiếm sống ở Nhật, dù bạn kiếm bao nhiêu tiền cũng không đủ” – một người bạn của Nguyên cho biết.
Nguyên làm hai công việc thời vụ ở nhà hàng để trang trải qua ngày. Khi sắp hết thời hạn đóng học phí cho năm học thứ hai, Nguyên tự kết liễu cuộc đời bằng cách nhảy ra trước một đoàn tàu.
Người cầu nguyện cho các linh hồn
Đám tang của Nguyên diễn ra tháng 12-2018 tại Nhật được chủ trì bởi ni sư Thích Tâm Trí. Bà đã làm điều này cho 140 người Việt khác từ năm 2012, hơn một nửa trong số họ chỉ trong độ tuổi 20-30.
Sư Thích Tâm Trí đặt bài vị cho mỗi người trong Chùa Nisshinkutsu ở thành phố Tokyo. “Họ làm việc siêng năng để có một tương lai tươi sáng. Thật buồn khi họ đột ngột qua đời ở Nhật, để lại bao nhiêu ước mơ chưa thành” – bà tâm sự.
Ba tháng sau ngày đưa tiễn Nguyên, sư Tâm Trí tổ chức một tang lễ khác cho chàng trai 22 tuổi Vu Van Cuong. Cuong là thực tập sinh kỹ thuật ngành xây dựng, chuyên tháo ráp giàn giáo ở công trường. Người ta nói anh thiệt mạng do cú ngã từ độ cao hơn 10m trong khi đang làm việc ở một cơ sở xử lý nước thải.
Cuong đến Nhật để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Cha mẹ của anh sức khỏe không tốt, trong khi người em gặp khó khăn trong học hành. Cường trả cho môi giới 9.000 USD để tìm công việc ở Nhật, họ với với anh làm xây dựng là con đường ngắn nhất.
“Là một nhà sư, một đồng bào Việt Nam, tim tôi tan nát mỗi khi nhận được tin tức như vậy. Tất cả những gì tôi nghĩ là: tại sao nó lại xảy ra?” – sư Tâm Trí giãi bày.
Sư Thích Tâm Trí trăn trở trước những mất mát người Việt phải gánh chịu khi lao động ở Nhật – Ảnh: NHK
Sinh viên, thực tập sinh là “lực lượng lao động”
Năm 2018, số lượng thực tập sinh kỹ thuật ở Nhật là khoảng 330.000 người. Một khảo sát của Bộ Tư pháp Nhật phát hiện 171 thực tập sinh, bao gồm cả người Việt, qua đời trong giai đoạn 2012 – 2017; 28 người mất do tai nạn lao động.
Giáo sư Yoshihisa Saito thuộc Đại học Kobe là một chuyên gia về Chương trình Thực tập sinh kỹ thuật. Ông nhận định tai nạn lao động là kết quả của rào cản ngôn ngữ, tình trạng thiếu các biện pháp an toàn, bên cạnh thực tế là thực tập sinh có xu hướng chọn những công việc rủi ro cao vốn người Nhật hay tránh.
Sinh viên nước ngoài, nhóm được phép đi làm thêm, cũng trở thành một phần quan trọng của lực lượng lao động trong bối cảnh Nhật thiếu nhân lực trầm trọng. Theo nguyên tắc, họ được làm thêm 28 tiếng/tuần, nhưng nhiều người Việt vì nợ nần nên thường làm việc quá giới hạn.
Theo Bộ Lao động Nhật, thực tập sinh và sinh viên chiếm đến 40% lao động nước ngoài. Luật mới có hiệu lực từ tháng 4 sẽ tạo điều kiện thu nhận thêm nhiều người khác đến Nhật, ước tính 345.000 lao động nước ngoài sẽ được cấp visa theo diện mới trong 5 năm tới.
“Cuộc sống thường nhật của chúng ta trở nên tiện lợi hơn, tôi chỉ mong người Nhật nhớ rằng để có được điều này, nhiều người nước ngoài đã mất đi sinh mạng của họ. Tôi mong sẽ có thêm nhiều biện pháp giúp bảo vệ người lao động, để họ sống an toàn và hạnh phúc ở Nhật” – sư Tâm Trí giãi bày.