11/01/2025

Vốn Trung Quốc tăng kỷ lục

Trong 4 tháng đầu năm, Trung Quốc vươn lên vị trí dẫn đầu về vốn đầu tư trực tiếp (FDI) đăng ký mới vào VN với 1,3 tỉ USD để thực hiện 187 dự án.

 

Vốn Trung Quốc tăng kỷ lục

Trong 4 tháng đầu năm, Trung Quốc vươn lên vị trí dẫn đầu về vốn đầu tư trực tiếp (FDI) đăng ký mới vào VN với 1,3 tỉ USD để thực hiện 187 dự án.
 
 
 
Lượng vốn lớn FDI Trung Quốc đang đổ vào nhiệt điện VN  /// Ảnh: Chí Nhân

Lượng vốn lớn FDI Trung Quốc đang đổ vào nhiệt điện VN  ẢNH: CHÍ NHÂN

 
Nếu tính luôn phần vốn góp mua cổ phần, từ tháng 1 – 4, Trung Quốc đã đổ vào VN gần 1,7 tỉ USD.
 
Ngoài nguồn đầu tư trên từ Trung Hoa đại lục, Hồng Kông cũng đang dẫn đầu nguồn vốn cam kết vào VN (đầu tư mới và thêm vào) trong 4 tháng với 4,4 tỉ USD, chiếm gần 41% tổng FDI vào VN.

Loạt dự án từ Trung Quốc

Đáng lưu ý, vốn FDI từ Trung Quốc vào VN trong 4 tháng bằng 70% FDI cả năm 2018 của quốc gia này vào VN. Thực tế, sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang các nước đã diễn ra trong vài năm qua, song chính nhờ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã tạo cú hích lớn cho dự dịch chuyển diễn ra nhanh hơn.
 
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 6 dự án lớn FDI và góp vốn đầu tư từ nước ngoài vào VN tính từ đầu năm đến nay, có đến 4 dự án của nhà đầu tư Trung Quốc và Hồng Kông.
 
Cụ thể, dự án chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR, tổng vốn đăng ký 280 triệu USD của Trung Quốc đầu tư tại Tây Ninh để sản xuất lốp xe toàn thép TBR. Đây cũng là dự án đầu tư trực tiếp lớn nhất vào VN từ đầu năm đến nay. Dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào Công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp là 3,85 tỉ USD mục tiêu chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội.
 

Dự án nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện, tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD do Goertek (Hongkong) co., Limited đầu tư tại Bắc Ninh. Và dự án của Công ty TNHH lốp Advance VN, tổng vốn đầu tư đăng ký 214,4 triệu USD của Guizhou Advance Type Investment co., Ltd (Trung Quốc) để sản xuất, tiêu thụ lốp, cao su và các sản phẩm liên quan tại Tiền Giang.

 
Ngoài ra, thông tin tại Khu công nghiệp VN – Singapore, dự án phát triển khu công nghiệp này giai đoạn 3 dù chưa đưa vào khai thác cũng có hàng chục nhà đầu tư từ Trung Quốc, chuyên sản xuất linh kiện điện tử, cơ khí, công nghiệp phụ trợ ngành dệt may… đăng ký thuê đất xây nhà xưởng đầu tư. Một số khu công nghiệp ở khu vực miền Tây như Long An, Tiền Giang, Cần Thơ cũng cho biết có khá nhiều nhà đầu tư Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông đến tìm hiểu cơ hội mở nhà máy…

Cẩn trọng lọc vốn

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Chính sách, FDI từ Trung Quốc tăng là hiện tượng có thể thấy từ 2 quá trình. Thứ nhất là sự dịch chuyển vốn khỏi Trung Quốc từ ngay chính các doanh nghiệp của nước này. Thứ hai là sự dịch chuyển dòng vốn của các doanh nghiệp để ứng phó với căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, chiến lược “Vành đai – Con đường” và đón đầu Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
 
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định FDI tăng là điều đáng mừng vì nhiều dự án đang cần nguồn vốn ngoại để phát triển. Tuy nhiên, việc gia tăng FDI từ Trung Quốc cần lưu ý, vì nguồn vốn từ nước này hay để lại hệ quả là công nghệ không cao, tầng suất gây ô nhiễm lại lớn. Đặc biệt, một số ngành Trung Quốc đã có chủ trương cấm hoặc hạn chế đầu tư đang được chuyển dịch sang VN và một số nước có trình độ công nghệ thấp hơn.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nói: “Nếu nói FDI từ Trung Quốc đều toàn công nghệ thấp thì không hẳn, bởi thực tế có nhiều dự án rất tốt trong lĩnh vực chế biến, chế tạo từ Trung Quốc vào VN, nhưng số đó rất ít. Vấn đề là những dự án chúng ta mong muốn, họ lại không đầu tư. Trong khi khả năng vận động hành lang của nhà đầu tư Trung Quốc khá bài bản khiến nhiều dự án kém chất lượng vẫn được đưa vào. Quan sát nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc cho thấy, những lĩnh vực “nhạy cảm” nhất như luyện kim, hóa chất, dệt nhuộm, nhiệt điện… mà nước này hạn chế tối đa đầu tư lại đang đổ vào VN. Chúng ta có quá nhiều bài học đầu tư từ Trung Quốc thế nên trong niềm “hân hoan” với nguồn FDI từ Trung Quốc lớn, chúng ta cần tỉnh táo nhất có thể”.
 
Ngoài ra, theo chuyên gia này, việc chỉ định nhà thầu Trung Quốc ở các công trình xây dựng là vấn đề lớn mà VN cần hết sức cẩn trọng trong thời gian tới. “Cơ hội lọc vốn FDI của chúng ta còn nhiều nếu chúng ta biết khó tính một chút trong quyết định chọn nhà đầu tư”, ông Thịnh nhắn nhủ.
 
Thực tế trước đây, Trung Quốc chưa bao giờ nằm trong nhóm các nhà đầu tư nước ngoài lớn tại VN. Nếu có, chủ yếu là góp vốn, mua cổ phần tại một số DN trong nước. Tuy nhiên, sau khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung xảy ra từ đầu tháng 10 năm ngoái và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 25% từ ngày 10.5 tới, làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các quốc gia khác càng gia tăng. Dòng vốn Trung Quốc tăng mạnh và nhanh vào VN cũng đang khiến không ít quan ngại.

 

NGUYÊN NGA