28/11/2024

Tương lai việc làm của lao động trẻ

VN được đánh giá là có nguồn lao động trẻ dồi dào, tiềm năng, tuy nhiên những thay đổi trong thế giới việc làm không ngừng biến động đã mang đến thách thức không nhỏ đối với những người trẻ.

 

Tương lai việc làm của lao động trẻ

VN được đánh giá là có nguồn lao động trẻ dồi dào, tiềm năng, tuy nhiên những thay đổi trong thế giới việc làm không ngừng biến động đã mang đến thách thức không nhỏ đối với những người trẻ.
 
 
 
 

Bạn trẻ tham gia một ngày hội tuyển dụng tại TP.HCM 	 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Bạn trẻ tham gia một ngày hội tuyển dụng tại TP.HCM  ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

 

Biến thách thức thành cơ hội

Mặc dù VN đang trong giai đoạn “dân số vàng”, nhưng tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhìn nhận những người trong độ tuổi lao động lại có trình độ rất thấp, về cơ bản không được đào tạo, sức khỏe không tốt và điều kiện gia nhập thị trường lao động không nhiều.


“Tới đây, khi bước vào cuộc cách mạng 4.0, máy móc sẽ thay thế con người, nhiều lao động trẻ sẽ bị mất công ăn việc làm, bị mất cơ hội công việc. Trong thời đại 4.0, sẽ có sự phân biệt rất rõ giữa những người có trình độ, trí thức, có ngoại ngữ, có kiến thức thật và những người không có. Đây là thực tế mà người trẻ cần phải đối diện. Tuy nhiên, nếu các bạn trẻ biết nhìn nhận vấn đề linh hoạt vẫn có thể vượt qua, biến thách thức thành cơ hội, bởi có những việc làm sẽ mất đi, nhưng cũng có loại hình công việc mới xuất hiện”, ông Thành chia sẻ.

 
Để theo kịp thời đại và không bị tụt hậu, theo tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, dù đang đi học hay mới ra trường, các bạn trẻ phải cố gắng trang bị, nâng cao trình độ, kiến thức, thái độ làm việc… Bên cạnh đó, bạn trẻ phải có tư duy độc lập, không bị thành kiến bởi lối mô hình cũ.
 
Ông Thành nhắn nhủ: “Việc làm giờ đây không nhất thiết phải làm ở cơ quan nhà nước, lương ổn định. Người trẻ luôn luôn phải linh hoạt, các bạn phải hiểu rằng có những công việc không phải ở một tổ chức cụ thể, một cơ quan ổn định mà vẫn có thể sống đàng hoàng bằng cơ hội, công nghệ hiện có mà đôi khi không cần phải trình độ quá cao”.
 
Ngoài ra, theo ông Thành, Chính phủ và các bộ, ngành cũng cần có giải pháp tổng thể đổi mới giáo dục, dạy cái mà thị trường cần chứ không phải đào tạo những người không làm được việc, chủ sử dụng không nhận. Bên cạnh đó, tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn để có nhiều doanh nghiệp tốt, mở rộng sản xuất làm ăn tốt hơn, sử dụng lao động nhiều hơn. Tạo ra môi trường việc làm công bằng hợp lý cho thanh niên.
 
Đồng tình với ý kiến trên, PGS-TS Nguyễn Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học – Lao động xã hội, cũng nhận thấy những cơ hội và thách thức đan xen của người trẻ trong hội nhập và cuộc cách mạng 4.0. “Công nghệ thay đổi rất nhanh, đòi hỏi người trẻ phải thay đổi, cập nhật rất nhanh về nghề nghiệp. Trong hoàn cảnh đó, người trẻ có thể tìm kiếm việc làm phù hợp với bản thân và tối đa hóa thu nhập chứ không nhất thiết chỉ làm một chỗ. Lợi ích của kinh tế chia sẻ là người trẻ có thể làm việc bán thời gian, làm việc nhiều ngành nhiều nghề. Tuy nhiên, điều kiện về lao động, phúc lợi xã hội chưa có những mô hình phù hợp nên quyền lợi của họ cũng bị ảnh hưởng”.

Xác định hướng đào tạo ngành nghề cho thanh niên

Đề cao vấn đề đào tạo, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho hay cuộc cách mạng 4.0 và hội nhập sẽ nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn, do đó người trẻ cần phải trang bị thêm các kỹ năng nghề nghiệp, trình độ ngoại ngữ, tin học, làm việc nhóm…
 
Để đối phó với thách thức về nguồn nhân lực, ngoài nỗ lực bản thân người trẻ, cần có sự hỗ trợ chính sách từ phía nhà nước, doanh nghiệp. Theo ông Huân, thách thức lớn nhất là đào tạo nghề hiện nay đang đào tạo những nghề nghiệp chưa phù hợp với nhu cầu thị trường.
 
Ông Huân đề nghị: “Nhằm chuẩn bị cho thế hệ trẻ thích nghi với thế giới việc làm tương lai, Bộ LĐ-TB-XH cần có nghiên cứu tổng thể xác định 5 – 10 năm tới VN sẽ tiếp cận với khoa học – công nghệ ở mức độ nào để xem ngành nghề nào xuất hiện, ngành nghề nào mất đi. Trong quá trình hội nhập, tham gia chuỗi cung ứng dịch vụ toàn cầu VN đứng ở chỗ nào, sắp tới sẽ phải làm gì? Từ đó mới xác định định hướng đào tạo ngành nghề cho thanh niên. Nếu xác định đúng, Chính phủ, doanh nghiệp, nhà trường cùng bắt tay đào tạo, chúng ta sẽ đạt được năng suất không thua kém gì so với các nước, khoảng cách về trình độ nghề nghiệp cũng được rút ngắn”.
 
Theo các chuyên gia, thực tiễn cho thấy những sinh viên nào chuẩn bị tốt, nghiên cứu thị trường, hướng nghiệp, thực tập… thì ra trường khả năng có việc làm, bắt kịp thị trường lao động cao hơn. Vì vậy, Chính phủ, các ban, ngành liên quan cũng cần có những kế hoạch phù hợp để định hướng, cải thiện chất lượng nguồn lao động trong nước, hỗ trợ người lao động học nghề, mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong thời đại công nghệ số hiện nay.
 
Dành 6,5 tỉ đồng hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên
Thực hiện chương trình mục tiêu 2019 – 2020, Bộ LĐ-TB-XH đã có văn bản gửi Bộ Tài chính về phân bổ kinh phí sự nghiệp. Theo đó, Bộ LĐ-TB-XH sẽ dành 6,5 tỉ đồng để hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo nông thôn. Cụ thể, Bộ LĐ-TB-XH sẽ đặt hàng hợp đồng với trung tâm dịch vụ việc làm tại các địa phương và các đơn vị có liên quan khác như Phòng Thương mại – Công nghiệp VN, T.Ư Đoàn, Hội LHPN VN, Hội Nông dân VN để tổ chức các buổi định hướng nghề nghiệp cho học sinh các trường trung học phổ thông, thanh niên đang học tại các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, nguồn kinh phí này sẽ được sử dụng để hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp như: tổ chức các khoá đào tạo tư vấn, khởi sự doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khởi sự doanh nghiệp; hỗ trợ tìm việc làm cho thanh niên đã tốt nghiệp ĐH-CĐ, cơ sở giáo dục nghề nghiệp…

 

THU HẰNG