12/01/2025

Kiểm tra trái cây nhập qua mã số trên tem nhãn

Nhiều thông tin trên mạng chia sẻ rằng sự khác nhau giữa các mã số được dán trên nhãn đối với trái cây nhập khẩu là cách phân biệt về chất lượng.

 

Kiểm tra trái cây nhập qua mã số trên tem nhãn

Nhiều thông tin trên mạng chia sẻ rằng sự khác nhau giữa các mã số được dán trên nhãn đối với trái cây nhập khẩu là cách phân biệt về chất lượng.
 

 

 

Kiểm tra trái cây nhập qua mã số trên tem nhãn - Ảnh 1.

Trái cây nhập khẩu với tem nhãn có mã số bắt đầu bằng số 4 đang được bán khá nhiều. Trong ảnh: táo ngoại nhập bán ra tại Chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP.HCM) chiều 1-5

Tuy nhiên, nhiều lý giải mang tính trái chiều khi không ít khẳng định mã số bắt đầu bằng số 3 và 4 là cách trồng và chất lượng không tốt, trong khi đó nhiều cá nhân và tổ chức cho rằng sản phẩm “ổn”, hay đó chỉ là cách phân biệt vùng trồng để dễ quản lý.

Bắt đầu bằng số 3 và 4 là không tốt?

Theo như nhiều thông tin từ các trang mạng chia sẻ, các loại trái cây nhập khẩu thường có miếng dán trên đó có dãy số gồm 4 hoặc 5 chữ số liền nhau. Nếu là 4 chữ số thì chúng luôn bắt đầu bằng số 3 hoặc số 4. Nếu là 5 chữ số thì chúng luôn bắt đầu bằng 8 hoặc 9.

Theo đó, nếu dãy số bắt đầu bằng số 3 hoặc số 4 thì chúng được trồng theo phương thức thông thường, nghĩa là dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu trừ cỏ, chất bảo quản trong danh mục cho phép. Nên rửa sạch và gọt vỏ trước khi ăn.

Nếu dãy số bắt đầu bằng số 8: Đó là loại trái cây biến đổi gene (GMO). Ngoài có thể canh tác như các loại trái cây bắt đầu bằng số 3 hoặc 4, các giống trái cây này là loại đã bị biến đổi về mặt di truyền và mức độ an toàn vẫn còn là điều tranh cãi trên thế giới. Kiến nghị không nên ăn.

Nếu dãy số bắt đầu bằng số 9: Đây là loại trái cây trồng hữu cơ. Nghĩa là quá trình canh tác không dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu trừ cỏ độc hại, không giống GMO, không kích thích tăng trưởng. Quá trình bảo quản cũng không dùng các chất bảo quản độc hại. Đây là loại trái cây khuyến khích dùng vì không có dư lượng hóa chất. Tuy nhiên, do canh tác như trên nên giá cũng đắt hơn các loại trái cây thường.

Nhiều bạn mua trái cây nhập khẩu ít để ý trên mỗi trái hoặc hộp (đối với trái nhỏ bán theo chùm như nho, hay hộp như dâu) có một miếng dán nhỏ trên đó có mã vạch và dãy chữ số gồm 4 hoặc 5 chữ số khác nhau.

Có thể dùng để phân biệt các loại trái cây với nhau

Theo một chuyên gia ngành nông nghiệp, khi bắt đầu với đầu 3 hay 4 chỉ nhằm mục đích phân loại các loại trái cây khác nhau, các giống trái cây của cùng một loại và kích cỡ của trái cây. Cùng một loại, ví dụ táo, nhưng có hàng trăm giống táo khác nhau, mỗi giống táo lại chia thành loại to và loại nhỏ nên cũng có hàng trăm mã số khác để đặt tên cho chúng. Ví dụ loại táo Fuji có hai mã số là 4129 loại nhỏ và 4131 loại lớn.

Kiểm tra trái cây nhập qua mã số trên tem nhãn - Ảnh 2.

Trái cây nhập khẩu với tem nhãn có mã số bắt đầu bằng số 4 đang được bán khá nhiều. Trong ảnh: Táo ngoại nhập bán ra tại Chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh) chiều 1-5

Như vậy, trên trái cây nhập khẩu có một miếng dán với dãy số gồm 4 chữ số và luôn bắt đầu bằng số 3 hoặc số 4.

Đầu 3 hay 4 không nói trái cây đó có an toàn hay không, an toàn là bắt buộc của một sản phẩm ra thị trường ở các nước phát triển.

Tương tự, theo đại diện một doanh nghiệp tại TP.HCM, việc nói rằng trái cây bắt đầu bằng số 3 thì tức là nó được xử lý bằng công nghệ ION hóa để hạn chế sự phát triển của vi sinh vật làm chậm quá trình hư hỏng của trái. Tuy nhiên, điều này không chính xác bởi số 3 hay số 4 chỉ để phân biệt loại trái cây với nhau chứ không nói rõ về phương pháp xử lý hay bảo quản chúng. Có nhiều phương pháp bảo quản khác nhau như bọc màng sáp, trữ lạnh, trữ đông, rút oxy… tùy vào điều kiện và nhà cung cấp lựa chọn.

Theo đó, trái cây có mã số bắt đầu bằng số 9 được hiểu là trái cây trồng hữu cơ nhưng tổ chức tạo ra bộ mã số này là Liên đoàn quốc tế về tiêu chuẩn sản xuất (IFPS) không phải là đơn vị chứng nhận hay đánh giá tiêu chuẩn hữu cơ. Họ cũng khuyến cáo, nếu người tiêu dùng muốn chắc chắn một sản phẩm nào đó là hữu cơ thì nên hỏi các nhà bán lẻ về chứng nhận hoặc logo của các chứng nhận hữu cơ uy tín trên bao bì như USDA organic, EU organic farming, JAS, IFOAM, Bio…

Trong khi đó, theo đại diện một công ty chuyên xuất khẩu thanh long nhập Mỹ, đối với thị trường Mỹ hầu hết sản phẩm trái cây nhập hay xuất khẩu phải có mã và áp dụng chung mã số đó cho toàn cầu. Chẳng hạn, thanh long của đơn vị nhập vào Mỹ mang mã số với siêu thị 3040. “Mã số sản phẩm trên có thể là dạng mã code để dễ quản lý, tính tiền khi báo vào các hệ thống siêu thị. Ngoài Mỹ, sản phẩm Canada mã số với 4 chữ số”, vị này khẳng định.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện hệ thống siêu thị M. cho biết hiện đơn vị chủ yếu đang bán mã số có 4 số và bắt đầu là 3 và 4, trong đó 4 chiếm phần lớn. Theo đại diện đơn vị này, mã số bắt đầu bằng 3 và 4 là sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình trồng trọt nhưng có thời gian cách ly theo đúng quy định trước khi thu hoạch. “Táo của đơn vị được nhập từ quốc gia hàng đầu như Newzealand, Mỹ… và tất cả đều có bộ hồ sơ chứng từ trồng theo phương pháp GlobalGAP nhưng có thời gian cách ly hợp lý trước khi thu hoạch, có đầy đủ chứng nhận”, đại diện đơn vị này khẳng định.

Lý giải về việc tại sao cùng loại trái cây nhưng có giá khác nhau, theo vị này, giá trái cây (chủ yếu táo) phụ thuộc nhiều yếu tố như trồng ở đâu, thời điểm mùa vụ (giữa, hay cuối mùa) và thời gian nhập hay táo được lưu trữ, cách nhập… Chẳng hạn, táo Gala tại đơn vị nhiều thời điểm giá có thể chênh nhau mấy chục ngàn đồng/kg.

Trong khi đó, theo đại diện hệ thống siêu thị B, mỗi tháng đơn vị nhập hàng chục container táo các loại. Trong đó, hầu hết tem được dán trên táo gồm có 4 chữ số và bắt đầu bằng chữ số 3 và 4. Loại táo Gala… bình dân giá chỉ 35.000 đồng/kg có mã số bắt đầu bằng số 4, nhưng táo Envy (Mỹ) dạng cao cấp với giá tới gần 250.000 đồng/kg, hay táo xuất xứ từ Nhật Bản loại cao cấp  cũng có mã số bắt đầu bằng số 4. “Có thể mã số trên chỉ là cách phân biệt về xuất xứ”.

Theo đại diện Hiệp hội Rau quả VN, mã số trái cây nhập khẩu hiện có rất nhiều cách lý giải, và chưa thể hiện rõ ràng. Do đó, người tiêu dùng cần lưu ý khi cập nhật các thông tin liên quan về mã số trên tem nhãn cho phù hợp.

 

QUANG BẢO – BÌNH MINH