Nhảy dây, banh đũa… ‘sống lại’ trong sân trường
Khi những chiếc smartphone trở nên phổ biến, game online không còn xa lạ với hầu hết các em học sinh từ chốn thành thị đến vùng nông thôn, thì những trò chơi dân gian dần lùi vào quên lãng.
Nhảy dây, banh đũa… ‘sống lại’ trong sân trường
Khi những chiếc smartphone trở nên phổ biến, game online không còn xa lạ với hầu hết các em học sinh từ chốn thành thị đến vùng nông thôn, thì những trò chơi dân gian dần lùi vào quên lãng.
Các em học sinh tập trung dưới gốc cây giữa sân trường để chơi các trò chơi dân gian – Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Nhưng ở ngôi Trường THCS An Phú Trung, thuộc huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre), cô Đặng Thị Lành đang cùng các em học sinh của mình làm điều ngược lại với quy luật trên: trở về với những trò chơi dân gian, xa rời điện thoại, máy tính bảng trong những giờ ra chơi.
Banh đũa, nhảy dây thay cho điện thoại
8h30. Tiếng leng keng phát ra từ chiếc kẻng được tận dụng từ một đoạn ống thép phế liệu báo hiệu giờ ra chơi, hàng trăm học sinh ùa ra sân trường và nhanh chóng chọn cho mình một khoảng trống rồi bày đồ chơi ra.
Dưới bóng mát cây bồ đề trước cửa thư viện, em Hồ Kim Ngọc, học sinh lớp 8A3, cùng nhóm bạn chia ra hai tốp chơi nhảy dây. Sợi dây dài được kết từ những cọng thun do cô trò tự làm, nhịp nhàng quệt xuống nền bêtông.
Theo nhịp lên xuống của sợi dây, các em học sinh lần lượt nhảy một cách nhịp nhàng, điệu nghệ. Hết tốp này ra lại tốp khác vào, mồ hôi nhễ nhại nhưng các em không ngớt tiếng cười giòn tan.
Vừa kết thúc một lượt nhảy dây, Ngọc hổn hển nói: “Tuy mệt nhưng rất vui, lớp em giờ hầu như ai cũng biết nhảy dây, cả trai lẫn gái. Hồi trước chỉ có một vài bạn biết thôi”.
Cạnh chỗ nhóm của Ngọc là khoảng 5, 6 em học sinh đang chụm đầu vào thành một vòng tròn quan sát em Huỳnh Như, học sinh lớp 7.1, đang thảy banh rồi nhanh tay chụp lấy que đũa trước khi banh rơi xuống đất và nẩy lên.
Huỳnh Như cho biết trước đây mình cũng là tín đồ của điện thoại. Cứ rảnh lúc nào là cắm mặt vào màn hình điện thoại để chat, chơi trò chơi, nhưng từ khi nhà trường tổ chức trò chơi dân gian đến nay thì rất ít khi bạn cầm điện thoại. “Ngoài giờ học, em lại luyện trò này để so tài với bạn” – Như nói.
Trò chơi banh đũa có lẽ là trò kén người chơi nhất vì độ khó của nó. Nhưng một khi đã biết chơi rồi thì rất ghiền vì độ khó cứ được nâng lên. Phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa tay thảy banh, tay bắt đũa và mắt phải quan sát chính xác để chụp trúng banh.
Tuy khó là vậy nhưng từ một vài bạn chơi ban đầu, đến nay sau nửa năm phát động trò chơi dân gian thì có đến hàng chục bạn mê trò banh đũa này.
Tận dụng những thứ bỏ đi
Để có một sân chơi đầy đủ các trò chơi dân gian như thế, các thầy cô cùng học sinh của nhà trường phải tự tay làm mọi thứ. Từ việc kết những cọng thun thành sợi dây thun dài 3-4m đến việc mua tấm bạt về rồi chia nhỏ ra, kẻ thành bàn cờ ô ăn quan để các em vui chơi.
Cô Đặng Thị Lành – phụ trách Đội Trường THCS An Phú Trung – cho biết trong số những trò chơi dân gian mà nhà trường đang có, bộ đồ chơi đi trên gáo dừa là trò chơi mang lại hứng thú nhất cho các em học sinh.
“Cứ khi nào rảnh là tôi đi mua gáo dừa về cạo sạch lớp xơ bên ngoài, sau đó xỏ dây để các em tập đi. Gáo dừa được cắt đôi ra, tận dụng một lỗ có sẵn trên gáo dừa chúng tôi luồn dây qua. Sợi dây dài hơn 1m kết nối giữa hai nửa gáo dừa. Các em đứng hai chân trên hai nửa gáo dừa rồi di chuyển. Ai đi nhanh hơn người đó thắng” – cô Lành giải thích về trò chơi đi trên gáo dừa.
Nói về mục đích kéo các em về với trò chơi dân gian, cô Lành cho biết thêm: “Mấy năm gần đây, đa số học sinh nhà có điều kiện đều có smartphone, các em chơi các trò chơi, cầm điện thoại chơi một mình, chủ yếu nhìn vào điện thoại.
Nó rất có hại, thứ nhất là hại cho mắt, thứ hai là não các em sẽ bị lệ thuộc. Từ đó, đội ngũ thầy cô chúng tôi nghĩ mình cần phải có trách nhiệm giúp các em có những sân chơi bổ ích hơn”.
Chị Ngô Hồ Thanh Vy – phó ban thanh thiếu nhi trường học Tỉnh đoàn Bến Tre – cho biết nhằm cụ thể hóa việc chỉ đạo của Hội đồng Đội trung ương về việc triển khai thực hiện giờ chơi trải nghiệm sáng tạo trong các liên đội, Hội đồng Đội tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo các liên đội tổ chức giờ chơi trải nghiệm sáng tạo cho các em đội viên.
Mô hình trò chơi dân gian của Trường THCS An Phú Trung là một mô hình rất hay, được các em học sinh nhiệt tình tham gia nên cần được nhân rộng. “Trong thời gian tới, các liên đội sẽ tổ chức cho các em tham gia trò chơi dân gian trong trường như trò nhảy lò cò, ô ăn quan… Đây là những trò chơi rất quen thuộc ở những thế hệ đi trước. Các trò chơi này giúp các em giải trí sau những giờ học căng thẳng” – chị Vy nói.