27/11/2024

‘Ma trận’ mũ bảo hiểm, áo chống tia UV ngày nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm chống nắng, tia cực tím (UV) ngày càng đa dạng, tiêu thụ mạnh, đặc biệt là nhiều sản phẩm nhập từ Nhật, Mỹ, Hàn…

 

‘Ma trận’ mũ bảo hiểm, áo chống tia UV ngày nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm chống nắng, tia cực tím (UV) ngày càng đa dạng, tiêu thụ mạnh, đặc biệt là nhiều sản phẩm nhập từ Nhật, Mỹ, Hàn…


 
 
 
Ma trận mũ bảo hiểm, áo chống tia UV ngày nắng nóng - Ảnh 1.

Mũ bảo hiểm với kính được một cửa hàng khẳng định có chức năng chống tia UV – Ảnh: N. TRí

Tuy nhiên, với “ma trận” hàng chống nắng hầu hết được nhập về dạng xách tay không có chứng nhận chất lượng, sản phẩm nhái tràn lan… khiến nhiều khách hàng có nguy cơ mua nhầm.

Hàng ngoại nhiều

Không khí tìm mua áo chống nắng tại cửa hàng Hinlet (Q.Tân Bình) mấy ngày qua vẫn khá nhộn nhịp. Theo bà Trần Thị Thanh Kim Cúc – quản lý cửa hàng, hơn một tháng nay lượng áo chống nắng bán ra tăng gấp đôi so với tháng trước. Trong đó thương hiệu Humbgo (nhập từ Trung Quốc) và Uniqlo của Nhật Bản giá 500.000 – 1,5 triệu đồng/sản phẩm bán đắt như “tôm tươi”.

Tương tự, theo đại diện một cửa hàng chuyên bán đồ xách tay Nhật Bản (Q.Bình Thạnh), sản phẩm như áo, bao tay, khẩu trang chống nắng, chống tia UV với các thương hiệu như Galassin, Uniqlo… thời gian gần đây hàng về đến đâu bán hết đến đó.

“Hiện khách muốn mua được hàng phải đặt trước nhiều ngày” – người này cho biết. Hàng ngàn sản phẩm thời trang chống nắng cũng được các trang mạng như Lazada, Tiki… bày bán với giá từ vài trăm ngàn đến tiền triệu/sản phẩm.

Tiết trời nắng nóng thời gian qua làm rộ lên phong trào “săn” mũ bảo hiểm có kính chống tia UV. Tại cửa hàng trên đường Trần Quang Khải (Q.1), lượng lớn mũ bảo hiểm được người bán tại đây “quảng cáo” có thể chống được tia UV giá lên đến tiền triệu/cái. Theo vị này, mũ chống được tia UV là nhờ “lớp 7 màu tráng lên kính mũ”.

Hiện nay, có khá nhiều hãng mũ bảo hiểm tham gia sản xuất các dòng có kính chống nắng, chắn tia UV như Royal, GRS, GXT, Asia… Giá các dòng mũ bảo hiểm này phổ biến 400.000-1 triệu đồng, một số loại có gắn thông gió, camera… lên tới vài triệu đồng/chiếc.

Sản phẩm gel, kem chống nắng cũng đang tiêu thụ tốt. Đặc biệt, dòng sản phẩm ngoại nhập được giới thiệu hàng nhập dạng “xách tay” như thương hiệu S&T (Hàn Quốc), SK II (Nhật Bản)… có giá đến tiền triệu mỗi tuýp, hay “siêu cao cấp” như Lancôme (Pháp) với nhiều sản phẩm có giá 4-6 triệu đồng/tuýp khá hút hàng, được nhiều trang mạng đăng bán ào ạt.

Theo đại diện một đơn vị kinh doanh mặt hàng này tại TP.HCM, nhu cầu tiêu thụ cao nên thời gian gần đây lượng hàng này nhập về rất lớn, đến hàng ngàn tuýp/đợt, nhưng hút khách nhất chủ yếu thương hiệu của Nhật Bản.

Dễ mua nhầm với “ma trận” giá

Vừa mua chiếc áo được quảng cáo chống tia UV giá hơn 700.000 đồng tại cửa hàng ở Q.1, chị Minh (Q.Bình Thạnh) cho biết quá nhiều sản phẩm nhưng mỗi nơi một giá khiến chị rất phân vân. Chẳng hạn cùng một thương hiệu áo chống nắng Uniqlo và gần như giống nhau nhưng nhiều trang mạng rao bán chỉ 150.000 – 200.000 đồng, trong khi một số cửa hàng giá không dưới 600.000 đồng.

 

Một số người tiêu dùng cũng băn khoăn hầu hết sản phẩm thương hiệu Humbgo và Uniqlo bán tại cửa hàng có giá thấp nhất 500.000 đồng, nhưng ngoài thị trường chỉ 100.000-200.000 đồng.

Với tư cách người bán hàng, bà Trần Thị Thanh Kim Cúc cho hay sản phẩm của cửa hàng chủ yếu nhập về dạng xách tay. Để tăng niềm tin cho khách hàng trong “ma trận” đồ chống nắng, đơn vị phải lấy mẫu đi kiểm tra tại cơ quan chức năng để có chứng nhận.

Tuy nhiên, khi hỏi nhiều người bán khác, hầu hết áo chống nắng, chống tia UV tại VN đều về dưới dạng xách tay. Hỏi kỹ, họ xác nhận rất nhiều thương hiệu trong đó bị làm nhái tràn lan.

Nên tìm hàng chính hãng

Theo BS Lê Đức Thọ – Bệnh viện Quốc tế City, thời gian qua chỉ số tia UV tại TP.HCM nhiều thời điểm nằm ở mức 12 – mức nguy hiểm có thể gây ung thư da. Trong khi đó, tia UV có thể xuyên qua mây mù, cửa kính, vải sợi…

Vì thế, thị trường xuất hiện nhiều quần áo, kem chống nắng được cho là có khả năng chống tia UV với chỉ số SPF (chống tia UVB – tác nhân chính gây cháy da), với quần áo là UPF (có khả năng chống lại UVB và UVA – gây ung thư da). Ví dụ, loại vải có UPF 25 sẽ cho phép 1/25 (khoảng 4%) bức xạ UV đi qua nó.

Theo BS Thọ, dù việc sử dụng sản phẩm chống nắng chất lượng có thể hạn chế tác hại của tia UV lên da, nhưng thực tế việc đưa ra các chỉ số chống tia UV của nhiều sản phẩm còn khá mơ hồ và theo kiểu “tự phong”, chưa có chứng nhận bởi các tổ chức có uy tín.

Do vậy, cần chọn nơi bán có uy tín hoặc chính hãng. Một số chuyên gia khuyến cáo nên tìm hàng chính hãng, bởi một số thương hiệu đã có đại diện và hệ thống cửa hàng tại VN.

Trong khi đó, theo một chuyên gia về da liễu tại TP.HCM, các loại vải và kem chống nắng hiện nay không thể ngăn chặn hoàn toàn tia UV tiếp xúc với da. Do đó, cần có các biện pháp hỗ trợ như mặc áo sẫm màu (giúp chống tia UV tốt hơn), hạn chế ra ngoài trời từ 10h-15h (khung giờ tia UV nhiều).

Đèn soi tiền giả có thể kiểm tra áo chống tia UV?

Nhiều người bán giới thiệu để kiểm tra chỉ số về ngăn cản tia UV trên vải, người tiêu dùng có thể dùng đèn soi tiền giả (đèn pin UV) để soi lên vải. Nếu đèn soi xuyên qua là chất liệu vải đó không cản được tia UV và ngược lại. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, phương pháp kiểm tra này chỉ mang tính tương đối.

 

NGUYỄN TRÍ