26/11/2024

Indonesia sẽ dời đô mất 10 năm, tốn 33 tỉ USD

Truyền thông Indonesia đưa tin Tổng thống Joko Widodo đã quyết định chuyển thủ đô từ Jakarta sang một thành phố khác. Có thông tin cho rằng việc này sẽ mất 10 năm và tốn kém khoảng 33 tỉ USD.

 

Indonesia sẽ dời đô mất 10 năm, tốn 33 tỉ USD

Truyền thông Indonesia đưa tin Tổng thống Joko Widodo đã quyết định chuyển thủ đô từ Jakarta sang một thành phố khác. Có thông tin cho rằng việc này sẽ mất 10 năm và tốn kém khoảng 33 tỉ USD.
 
 
 
 

Indonesia sẽ dời đô mất 10 năm, tốn 33 tỉ USD - Ảnh 1.

Kẹt xe trong giờ cao điểm ở thủ đô Jakarta bên công trường tàu điện ngầm – Ảnh: Reuters

Theo báo The Star, thủ đô mới sẽ được bố trí ở khu vực bên ngoài đảo Java.

Mặc dù chưa công bố chính xác vị trí mới được chọn làm thủ đô, nhưng phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp nội các ngày 29-4, ông Bambang Brodjonegoro – bộ trưởng Bộ Kế hoạch Indonesia - cho biết kế hoạch này có thể mất tới 10 năm để thực hiện và vị trí có thể bờ đông Indonesia.

Một ước tính sơ bộ cũng cho biết chi phí cho cuộc chuyển dịch lớn này vào khoảng 33 tỉ USD.

Chúng tôi muốn tư duy theo cách nhìn xa trông rộng để phát triển đất nước nên việc dời thủ đô đòi hỏi phải mất nhiều năm và cần được chuẩn bị chu đáo.

Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh rằng cần phải có tư duy mới cho tương lai

Thủ đô ngộp thở

Quyết định dời đô được Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo đưa ra chưa đầy 2 tuần sau khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vừa xong hôm 17-4 và sẽ tiếp tục là nhà lãnh đạo của quốc gia “vạn đảo” này.

Theo kế hoạch, kết quả chính thức cuộc bầu cử trên được công bố vào ngày 22-5.

Nhưng thực tế là ý tưởng dời đô từng được đề cập trong vài mươi năm qua ở Indonesia do đảo Java, nơi có thủ đô Jakarta, đang tập trung đến 150 triệu trong tổng số 265 triệu dân Indonesia. Các hoạt động kinh tế chủ yếu tập trung tại khu vực này.

Jakarta là thành phố lớn nhất ở Indonesia với dân số 9,6 triệu người, nhưng vùng đô thị Jakarta lại có dân số đến gần 30 triệu người. Tình trạng tập trung đầu tư vào thủ đô từ các nguồn tiền trong nước lẫn nước ngoài khiến đại đô thị này càng lúc càng có dấu hiệu bị “ngộp thở” với quá nhiều đại công trình trong những năm qua.

Mật độ đường sá giao thông trong thành phố thấp đáng kể so với các thành thị khác trên thế giới, gây ra tình trạng kẹt xe gần như kinh niên. Tình trạng ách tắc giao thông gần như hằng ngày ở đại đô thị này đang là nguyên nhân gây thiệt hại tới 7,04 tỉ USD hằng năm cho nền kinh tế Indonesia, xét theo góc độ giảm hiệu suất lao động.

 

Hơn nữa, do vị trí nằm ở vùng đất thấp, thủ đô Jakarta rất dễ bị ngập lụt khi triều cường và bị đe dọa thường xuyên từ sóng thần ở đất nước thường đối mặt với núi lửa. Tình trạng đô thị hóa phát triển với tốc độ phi mã cũng khiến thủ đô Jakarta thường xuyên bị ngập lụt do hệ thống thoát nước không bắt nhịp kịp với số nhà cửa mới mọc lên bên các sườn núi lửa.

Đô thị mới chỉ còn 1,5 triệu dân

Jakarta từng là cố đô của vương quốc Sunda thời Trung cổ, sau đó là thành phố cảng Batavia trong thời thực dân Hà Lan, rồi trở thành thủ đô trên thực tế của các nhà lãnh đạo theo chủ trương dân tộc vào thập niên 1940 khi Indonesia tuyên bố độc lập.

Theo các nghiên cứu, thủ đô lớn hàng đầu thế giới này đang bị chìm dần, trung bình 18cm mỗi năm.

Tổng thống Jokowi đã cho thực hiện một cuộc khảo sát do Cơ quan Kế hoạch phát triển quốc gia (BAPPENAS) đảm trách, để nghiên cứu chọn một địa điểm mới có thể ở tỉnh Trung Kalimantan trên đảo Borneo để làm thủ đô.

Nơi có nhiều tiềm năng nhất là Palangkaraya, một thành phố thuộc vùng Kalimantan, mà trước đó Tổng thống Sukarno từng mong muốn thay thế cho Jakarta làm thủ đô của Indonesia.

Theo kế hoạch bước đầu, trụ sở văn phòng chính phủ, các bộ và quốc hội sẽ được chuyển đi trước, trụ sở ngân hàng trung ương và các cơ quan kinh tế lớn của Nhà nước vẫn được duy trì tại Jakarta.

Một cơ quan tổng chỉ huy sẽ có trách nhiệm giám sát hoạt động chuyển dời với nguồn tài chính được phân bổ cân bằng giữa khối công và tư. Trong buổi họp báo ngày 29-4, Bộ trưởng Bambang Brodjonegoro cũng tiết lộ rằng họ sẽ phải xây dựng thủ đô mới trên diện tích 40.000 hecta dành cho 1,5 triệu dân.

Thật ra, Indonesia cũng không phải là quốc gia đầu tiên dời đô trong lịch sử hiện đại. Brazil từng chuyển thủ đô từ Rio de Janeiro sang Brasilia vào năm 1960; Pakistan chuyển từ Karachi sang Islamabad năm 1967; Nigeria chuyển từ Lagos sang Abuja vào năm 1976; Bờ Biển Ngà chuyển từ Abidjan sang Yamoussoukro vào năm 1983.

Kazakhstan cũng chuyển từ Almaty sang Astana (và thủ đô này cũng mới được đổi tên thành Noursultan) vào 1997; Myanmar dời đô từ Rangoon đến Naypyidaw vào năm 2005. Xa hơn chút thì thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ bị mất vị trí cho Ankara vào năm 1923, sau gần một thế kỷ đóng vai trò quan trọng.

 

Ý NGUYÊN