Bị bóc lột quá mức, lao động Việt viết tâm thư gửi chính quyền Đài Loan
Hàng trăm lao động nhập cư đủ quốc tịch, trong đó có lao động Việt Nam, đã biểu tình trước trụ sở Cơ quan Lao động Đài Loan ngày 28-4, yêu cầu bỏ hình thức môi giới việc làm tư nhân vì cho rằng bất công và bóc lột thậm tệ.
Bị bóc lột quá mức, lao động Việt viết tâm thư gửi chính quyền Đài Loan
Hàng trăm lao động nhập cư đủ quốc tịch, trong đó có lao động Việt Nam, đã biểu tình trước trụ sở Cơ quan Lao động Đài Loan ngày 28-4, yêu cầu bỏ hình thức môi giới việc làm tư nhân vì cho rằng bất công và bóc lột thậm tệ.“Trong suốt thời gian dài, bọn môi giới tư nhân đã độc quyền việc làm dẫn đến việc người lao động nhập cư tại Đài Loan không tránh khỏi việc bị bóc lột. Trước khi xuất cảnh, chúng ta đã phải trả một khoản phí môi giới cao. Khi đến Đài Loan, mỗi tháng chúng ta còn phải trả cho cái gọi là phí phục vụ nhưng không nhận được bất kỳ sự phục vụ nào. Môi giới nói là vì người lao động nhưng thực chất là lừa lao động”, một đại diện người Việt trong ban tổ chức nói qua phóng thanh.
“Theo quy định của pháp luật, việc chuyển chủ và chuyển việc làm sẽ không phải tốn tiền, nhưng môi giới vẫn thu tiền của lao động”.
“Những người môi giới chỉ nghĩ cho họ, lợi dụng người lao động không có nhiều người giúp đỡ, ít thông tin để bóc lột. Trách nhiệm của cơ quan công quyền Đài Loan ở đâu? Chính quyền phải nâng cao chức năng của các trung tâm dịch vụ việc làm”.
“Chúng ta là người, không phải công cụ kiếm tiền của môi giới” – khẩu hiệu vừa được phát đi đã nhận được sự hưởng ứng từ người biểu tình bên dưới.
Nguyện vọng của người lao động nhập cư ở Đài Loan muốn gửi tới nhà chức trách vùng lãnh thổ này. Có thể thấy những dòng chữ tiếng Việt – Ảnh chụp màn hình
Những người biểu tình đã giương nhiều biểu ngữ và trưng ra một bức “tâm thư” dài hàng chục mét trong đó có hàng trăm bức thư nhỏ ghi nguyện vọng của người lao động bằng ngôn ngữ mẹ đẻ.
Ngoài việc phản đối hình thức môi giới tư nhân, họ còn muốn chính quyền Đài Bắc phải thực hiện việc tuyển dụng lao động nhập cư một cách trực tiếp với chính phủ các nước khác.
Cuộc biểu tình ngày hôm nay (28-4) chỉ là một phần trong số các nỗ lực lên tiếng phản ánh thực trạng của lao động nhập cư tại Đài Loan, nền kinh tế đang già hóa nhanh chóng và thiếu hụt lao động phổ thông.
Bức tâm thư dài hàng chục mét được kết bởi nhiều bức tâm thư bằng vải nhỏ hơn được trải ra trước trụ sở công quyền Đài Loan – Ảnh chụp màn hình
Dự kiến đúng vào Ngày quốc tế lao động (1-5) tới, một cuộc tuần hành với sự tham gia của hàng ngàn người sẽ được tổ chức, yêu cầu giới chủ sử dụng lao động tăng thêm mức tiền làm tăng ca, theo trang Focus Taiwan.
Không rõ vì sao nhiều người tham gia cuộc biểu tình đòi hủy bỏ chế độ môi giới tư nhân đã che mặt bằng khẩu trang hoặc mặt nạ. Những lời kêu gọi của ban tổ chức đã được phát trực tiếp bằng nhiều thứ tiếng tại cuộc biểu tình, từ tiếng Khmer, tiếng Bahasa, tiếng Thái Lan và tiếng Việt.
Những người tổ chức biểu tình ngày 28-4 thừa nhận rào cản ngôn ngữ là điều khiến lao động nước ngoài gặp khó khăn khi không thể tìm việc làm và phải nhờ đến các trung tâm dịch vụ việc làm Đài Loan. Song vì không biết tiếng, lại không có ai trợ giúp nên người lao động lại một lần nữa trở thành đối tượng bị lợi dụng của môi giới.
Nhiều cuộc biểu tình của người lao động nước ngoài hồi tháng 6 năm ngoái cho thấy có vấn đề về cách đối xử của giới chủ Đài Loan. Tính đến tháng 10-2018, theo Cơ quan Lao động Đài Loan, có khoảng 703.162 lao động nhập cư đang làm việc tại vùng lãnh thổ này.
Cơ quan Thuỷ sản Đài Loan báo cáo có khoảng 26.000 lao động nhập cư đi theo các tàu cá Đài Loan. Tuy nhiên, số liệu thống kê của Mỹ cho thấy con số trong lĩnh vực này thực tế lên gần 160.000.
Điều đó có nghĩa là gì? Nghĩa là hơn 134.000 người lao động đang lênh đênh trên các tàu cá mà chính quyền Đài Loan không hề hay biết và những người này nằm trong số nhóm dễ bị tổn thương, bóc lột bởi giới chủ nhất, tờ The Diplomatkết luận.