29/11/2024

Đọc sách để làm gì ?

Câu hỏi này phần nào được trả lời khi có lần người bạn đọc xong một quyển sách của nhà vật lý nổi tiếng Richard P.Feynman, nói: “Hồi 15 – 16 tuổi, nếu đọc được quyển sách này có khi cuộc đời mình đã khác”!

 

Đọc sách để làm gì ?

Câu hỏi này phần nào được trả lời khi có lần người bạn đọc xong một quyển sách của nhà vật lý nổi tiếng Richard P.Feynman, nói: “Hồi 15 – 16 tuổi, nếu đọc được quyển sách này có khi cuộc đời mình đã khác”!
 
 
 
 

Cần tạo thói quen đọc sách ngay từ nhỏ 	
 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Cần tạo thói quen đọc sách ngay từ nhỏ  ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

 
Đọc sách không chỉ giúp chúng ta mở rộng kiến thức mà việc truyền cảm hứng, tạo động lực để hành động, biết sống hơn ở đời… là những giá trị to lớn mà sách mang lại cho người đọc, đặc biệt với những cuốn sách hay.

Trưởng thành cùng sách

Trải nghiệm của tôi về việc đọc sách là đọc sách ở độ tuổi nào cũng được vì trong từng giai đoạn của đời người, chúng ta sẽ có những cảm nhận, cách nhìn, đánh giá, chiêm nghiệm khác nhau theo thời gian, tuổi tác và kinh nghiệm sống của mình.
 
Ngày tôi còn nhỏ, sách dành cho thiếu nhi không đa dạng và dễ kiếm như bây giờ. Từ tiểu học, có được sách gì chúng tôi đọc sách đó, thậm chí còn mượn của bạn bè, thầy cô về đọc. Mùa hè là khoảng thời gian thần tiên khi được thỏa thuê đong đưa trên võng đọc hết cuốn này đến cuốn khác. Chúng tôi đọc từ đông sang tây, từ cổ chí kim, miễn có sách là đọc. Từ tiểu học đến THCS chúng tôi đã đi từ Không gia đình, Những tấm lòng cao cả, Con Bim trắng tai đen, Túp lều chú Tom, Tiếng gọi nơi hoang dã, Tây du ký, Thủy hử, Hồng lâu mộng, Nghìn lẻ một đêm, Chiếc đèn kéo quân, Hồi đó ở Sa Kỳ, Những bông hoa lửa trắng, Tuổi thơ dữ dội… đến Sông Đông êm đềm, Jane Eyre, Đồi gió hú, Chiến tranh và hòa bình, Trăm năm cô đơn, Những người khốn khổ,  Nhà thờ Đức Bà Paris… Có những cuốn sách kinh điển lúc bấy giờ đọc để đọc thôi chứ không hiểu gì nhiều. Nhưng chính những cuốn sách đó đã cho chúng tôi nền tảng để sau này hiểu sâu sắc hơn khi đọc lại.
 
Có những cuốn sách đến tận bây giờ tôi không biết tác giả là ai như Chiếc đèn kéo quân. Sách kể về tuổi thơ nghèo khó của trẻ con ở làng quê, mỗi mùa trung thu mong chờ được có một chiếc lồng đèn đón trăng cùng chúng bạn. Tôi đã có được bài học về tình gia đình, nghĩa chòm xóm từ những câu chuyện giản dị, chân phương như vậy.
 
Nhiều bài học làm người tôi thu nhặt được qua từng câu chuyện trong Những tấm lòng cao cả. Nếu ai đã đọc qua Không gia đình chắc chắn sẽ biết cảm thông, chia sẻ với những cảnh đời bất hạnh.
 
Đọc sách để làm gì ? - ảnh 1

Sách mở rộng tầm nhìn, sự hiểu biết  ĐÀO NGỌC THẠCH

Gieo mầm đọc sách

Khoảng 10 năm trước, khi đến Anh, tôi đã rất ngạc nhiên khi biết nước này có một ngày đọc sách. Vào ngày đó, các trường học có rất nhiều hoạt động để học sinh tham gia liên quan đến việc đọc sách. Ngoài ra, trong chương trình học, ngay từ những lớp học đầu tiên, việc đọc sách luôn được xem trọng. Như mỗi ngày học sinh được giao bài tập về nhà đọc bao nhiêu trang sách, tóm tắt lại nội dung đã đọc… Chưa kể, các thư viện cộng đồng của địa phương phát triển rất mạnh khiến đọc sách trở thành nhu cầu cần thiết như ăn mặc hằng ngày của người dân.
 
Có lẽ chính điều này đã giúp cho học sinh nước Anh cũng như các nước khác có thói quen thường xuyên đọc sách.
 
Những năm trước, đọc sách còn ít được chú trọng ở Việt Nam. Tuy nhiên, ngày nay điều này đã được quan tâm hơn từ những nỗ lực cá nhân đến những chủ trương của Chính phủ.
 
Không kể những cá nhân nổi bật trong việc thúc đẩy văn hóa đọc như anh Nguyễn Quang Thạch với chương trình “Sách hóa nông thôn” mà anh đã tận hiến trong hơn 20 năm qua, ngày nay có rất nhiều cá nhân, tổ chức liên tục thực hiện các hoạt động nhằm giúp nhiều người dân, đặc biệt là người trẻ ở vùng nông thôn, có cơ hội tiếp cận với sách nhiều hơn.
 
Chúng tôi đã xúc động khi thấy bên ngoài một ngôi trường ở Bến Tre, có người thầy dựng một quầy sách bên đường. Ngoài giờ lên lớp, thầy đến đây mở cửa cho học sinh đọc sách miễn phí. Chúng tôi cũng biết có nhiều cá nhân âm thầm đi gom góp từng cuốn sách gửi đến trẻ vùng xa đói sách. Nhằm khuyến khích học sinh đọc sách có ý thức, nhiều năm nay Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức cuộc thi rất ý nghĩa “Lớn lên cùng sách”…


Nhận thức tầm quan trọng của văn hoá đọc, từ năm 2014, Chính phủ chính thức lấy ngày 21.4 hằng năm là Ngày sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng.

 
Những hoạt động này đã góp phần thúc đẩy văn h đọc, ít nhất là với người trẻ. Chúng ta sẽ thấy rõ điều này khi nhà sách ngày nay được trang hoàng bắt mắt hơn để thu hút công chúng, Đường sách mở ra ở nhiều địa phương với các hoạt động đa dạng; phong phú nguồn sách dành cho mọi đối tượng…
 
Môi trường xã hội đã rất thuận lợi để tạo nên thói quen đọc sách. Nhà trường cần phải đưa việc đọc sách như là một môn hoặc chương trình trải nghiệm.
 
Cuối cùng, vấn đề còn lại ở mỗi chúng ta. Xây dựng thói quen đọc sách bằng việc tự đặt ra cho mình trong một năm đọc bao nhiêu quyển sách in hoặc online. Và mỗi tối, thay vì dán mắt vào điện thoại xem ngóng các mạng xã hội thì hãy dành thời gian đọc sách cho con. Hãy tin đi, đó sẽ là khoảnh khắc hạnh phúc nhất của con cái và cha mẹ.
 
Nếu chưa làm, bạn thử bắt đầu từ tối nay, nhân Ngày sách Việt Nam!
 
 
NHIÊN AN