23/12/2024

Chúa Nhật Phục Sinh năm C – 2019: Chứng nhân cho sự sống vĩnh hằng

Cuộc sống lại của Chúa Giêsu đã làm thay đổi toàn thể nhân loại và vũ trụ, để đưa ta vào một đời sống vĩnh hằng. Nhưng, có lẽ nhiều người tín hữu chưa cảm nghiệm và chưa biểu lộ đời sống ấy.

 

Chúa Nhật Phục Sinh năm C – 2019

Chứng nhân cho sự sống vĩnh hằng

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Cuộc sống lại của Chúa Giêsu đã làm thay đổi toàn thể nhân loại và vũ trụ, để đưa chúng ta vào một đời sống mới, đời sống vĩnh hằng. Nhưng, có lẽ nhiều người tín hữu chúng ta chưa cảm nghiệm và chưa biểu lộ đời sống ấy ra bên ngoài nên rất nhiều người vẫn còn đang phải tìm kiếm, đợi chờ. Trong ít phút này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những chứng nhân cho đời sống vĩnh hằng.

1. Con người đi tìm sự sống vĩnh hằng

Cách đây hơn 2200 năm, Tần Thuỷ Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc (246 TCN-221TCN), đã sai người đến các đảo của Hàn Quốc để tìm thứ thuốc trường sinh bất lão. Hơn 200 năm sau, biến cố Đức Giêsu sống lại vào ngày 9/4/30 đã làm thay đổi toàn thể lịch sử nhân loại. Những người Do Thái đã tận mắt thấy Đức Giêsu bị đóng đinh, bị chết nhục nhã trên thập giá và đã nhìn thấy Người sống lại vinh quang. Hàng chục vạn người trong đế quốc Rôma cũng đã tin Đức Giêsu thật sự sống lại khi nghe các tông đồ và môn đệ của Đức Giêsu loan báo tin này cũng như cảm nghiệm được sự sống diệu kỳ của Người qua đời sống các môn đệ.

2000 năm qua, chúng ta là những người môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta có trách nhiệm phải làm chứng cho cuộc sống lại của Người, như tông đồ Phêrô đã trình bày cho gia đình ông Cornelius trong Bài đọc I (x. Cv 10, 37-43): “Chúng tôi là những chứng nhân Thiên Chúa tuyển chọn từ trước, những kẻ đã được cùng ăn, cùng uống với Đức Giêsu, sau khi Người từ cõi chết sống lại”.

Tuy nhiên, lời chứng của chúng ta vẫn chưa đủ thuyết phục những con người thời đại hôm nay, nên người ta phải đi tìm những giải pháp của tôn giáo, của khoa học để hy vọng đạt được sự sống muôn đời. Rất nhiều tôn giáo nói đến đời sống vĩnh hằng, nhưng không một tôn giáo nào ngoài Kitô giáo chứng minh được sự sống lại thật sự của một người đã chết. Khoa học đã cố gắng tìm nhiều giải pháp để kéo dài sự sống con người: người ta nghĩ đến việc thay đổi các gen già cỗi, bệnh tật sẽ giúp  con người có thể sống lâu hơn hay việc thay đổi nội tạng, nhất là tim, gan, thận, có thể giúp con người sống dài hơn. Ở Việt Nam người ta rao bán 1 quả tim khoảng 500 triệu, còn thận thì khoảng 1-2 tỷ đồng. Hoặc nếu dùng tế bào gốc để thay đổi nội tạng, con người có thể sống tới 200 năm hoặc 400 năm.

Nhưng, điều chắc chắn là mọi người đều sẽ chết. Cái chết như là một yếu tố nằm sẵn trong bản chất của con người và vạn vật. Vì thế người ta không biết phải giải bài toán sự sống vĩnh hằng như thế nào.

2. Đức Giêsu sống lại là bằng chứng Người chiến thắng sự chết

Đức Giêsu sống lại là bằng chứng Người chiến thắng sự chết và đạt tới sự sống vĩnh hằng. Đức Giêsu thật sự đã sống lại. Sự sống lại của Người không phải chỉ là một niềm tin tưởng do người khác truyền lại, nhưng là một sự kiện có thật xảy ra trong lịch sử con người và vũ trụ.

Ngôi mộ trống mà chúng ta nghe kể trong bài Tin Mừng (x. Ga 20,1-9) mới chỉ là bằng chứng tiêu cực nói rằng tất cả những gì thuộc về sự chết đã bị vượt qua. Ngôi mộ được Philatô niêm phong, được quân lính canh giữ cẩn mật bây giờ trống rỗng. Tảng đá rất lớn che cửa mộ đã lăn sang một bên. Không còn ai canh giữ mộ. Tấm khăn liệm và các băng vải đã được xếp gọn gàng trong mộ.

Người ta đã loan một tin nhảm rằng đang khi quân canh giữ ngủ thì các môn đệ đến lấy cắp xác Chúa Giêsu. Nhưng làm sao những con người nhát đảm đã trốn ngay trong đêm Người bị bắt, dám trở lại cướp xác để có thể bị giam giữ. Nếu xác Chúa Giêsu bị lấy cắp thì không ai dại gì ngồi tháo những băng vải và xếp gọn gàng tấm khăn liệm thay vì ôm cái xác đi ngay. Nếu Chúa Giêsu còn sống mà không cứu nổi mình thì lấy cắp các xác bất động của Người làm gì?

Hơn nữa, bằng chứng tích cực là những lần Đấng Phục Sinh hiện ra đã thực hiện ngay trong ngày Chúa sống lại: sáng sớm, Chúa Giêsu hiện ra trước tiên với Người Mẹ Thánh của mình vì Mẹ đã luôn tin tưởng và gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu trong suốt cuộc thương khó. Các giáo phụ đã quả quyết điều này. Rồi Chúa Giêsu hiện ra với Maria Magdalena, với các phụ nữ, với Phêrô, với hai môn đệ trên đường Emmaus. Vào buổi chiều tối, Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ và các môn đệ. Người thổi hơi trên các ông và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai thì tội người ấy được tha”. Những lần hiện ra này chứng tỏ Đức Giêsu không còn bị giới hạn bởi vật chất, không gian, thời gian. Người có mặt ở bất cứ nơi đâu, vào bất cứ lúc nào trong quyền năng vô hạn của Thiên Chúa. Người đã làm chứng cho một sự sống phi thường, kỳ diệu, vĩnh hằng.

Những ai tin vào Người đều được Người chia sẻ sự sống vĩnh hằng, quyền năng vô hạn và hạnh phúc vô biên và họ trở thành những chứng nhân của Đấng Phục Sinh. Họ cũng tiếp tục chữa lành bệnh tật, xua trừ quỷ ma, làm cho người khác sống lại như Đức Giêsu, vì Đức Giêsu đã biến đổi họ trở thành Thiên Chúa như Người. Quyền năng tha tội là quyền năng dành riêng cho Thiên Chúa nhưng đã được Đấng Phục Sinh chia sẻ cho các môn đệ, để khi được Thánh Thần đổi mới, các môn đệ cũng cảm nghiệm được sự sống vĩnh hằng như Chúa Giêsu. Bao nhiêu phép lạ của các chứng nhân trong suốt dòng lịch sử Giáo Hội đã minh chứng điều đó.

3. Lời chứng của chúng ta

Hôm nay, chúng ta được mời gọi để nhìn lại đời sống của mình với sứ mạng là chứng nhân của Đấng Phục Sinh, xem đời sống của chúng ta đã biểu lộ được ánh sáng của Đấng Phục Sinh chưa.

Chúng ta, có thể nói, vẫn còn cần những nấm mồ, khăn liệm, vải liệm để than khóc và chăm lo cho người chết. Trong khi Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn vào cuộc sống vĩnh hằng để nhận ra cái chết của người thân là cuộc thăng hoa để giúp cho con người không còn bị giới hạn bởi vật chất, không gian, thời gian và luôn luôn hiện diện mãi bên ta. Như thế cái chết đáng lý phải đem lại cho ta niềm vui, an bình và hạnh phúc thì lại khiến ta buồn sầu, tiếc nuối vì sự xa cách. Thái độ này khiến những người ngoài Kitô giáo chưa thể nhận ra ý nghĩa của sự sống vĩnh hằng ở nơi ta!

Chúng ta lo lắng về những bệnh tật, nhất là bệnh nan y mà chúng ta phải chịu đựng. Nhưng Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy nhớ đến cuộc thương khó của Người để sống trong niềm tin và hy vọng, vì mỗi giây phút chúng ta sống đã được Thiên Chúa an bài, những đau khổ bệnh tật chúng ta chịu cũng chỉ là những phương tiện giúp ta kết hợp với Đấng Phục Sinh và sống lại với Người.

Chúng ta đầu tắt mặt tối học hành, làm việc để để kiếm thật nhiều phương tiện vật chất và tinh thần cho đời sống trấn thế, nhưng thánh Phaolô mời gọi chúng ta “hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới nơi Đức Giêsu sống lại đang ngự bên hữu Thiên Chúa, bởi vì tất cả chúng ta đã chết và sự sống mới của ta hiện đang tiềm tàng với Đức Giêsu Kitô” (x. Cl 3,1-4).

Lời kết

Sống như thế ta mới biểu lộ được ánh sáng của Đấng Phục Sinh qua niềm vui, bình an, hạnh phúc, trong từng giây phút cuộc đời để đáp ứng cho “muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người” (Rm 8,19).