20/11/2024

Làm sao để phòng bệnh ngày Sài Gòn nắng nóng?

Những ngày gần đây, TP.HCM và các tỉnh lân cận bước vào đợt nắng nóng cao điểm, có ngày 39-40 độ C. Nhiều người choáng váng, bức bối vì nắng nóng.

 

Làm sao để phòng bệnh ngày Sài Gòn nắng nóng?

Những ngày gần đây, TP.HCM và các tỉnh lân cận bước vào đợt nắng nóng cao điểm, có ngày 39-40 độ C. Nhiều người choáng váng, bức bối vì nắng nóng.


 

Làm sao để phòng bệnh ngày Sài Gòn nắng nóng? - Ảnh 1.

Trẻ nhập viện vì nắng nóng – Ảnh: XUÂN MAI

Các bác sĩ cho biết, thời tiết nắng nóng tạo thuận lợi cho các loại vi khuẩn sinh sôi, đặc biệt các bệnh như sốt virút, bệnh đường hô hấp, tiêu hoá, viêm da… dễ phát sinh và phát triển.

Trẻ em, người lớn đều bệnh

Trong tuần qua, các bác sĩ cho biết số trẻ em và cả người lớn mắc bệnh hô hấp tăng. Nhiều người phải nghỉ làm, điều trị tại nhà do cảm sốt vì thời tiết. Chị M.H. – phụ hồ ( Q.Thủ Đức, TP.HCM) – cho biết: “Tôi phải nghỉ làm hai ngày nay do cảm sốt vì đi làm ngoài nắng, về nhà bị chóng mặt, nghẹt mũi và sốt”.

Tại Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM), BS CKII Lương Hoàng Liêm – trưởng phòng kế hoạch tổng hợp – cho hay những ngày vừa qua, bệnh viện điều trị nhiều trường hợp trẻ bị nổi ban đỏ, tay chân miệng – những bệnh lý liên quan thời tiết nắng nóng.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, bé C.G.B. (2 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) nhập viện vì viêm họng. Chị M., mẹ bé B., cho biết: “Do thời tiết nắng nóng, mọi người trong gia đình tiếp xúc máy quạt 24/24. Đây có thể là nguyên nhân khiến con tôi bị viêm họng”.

Theo chị M., thời tiết oi bức khiến tấm nệm được đặt sẵn trên giường bệnh cũng nóng như lò than, bé B. thường quấy khóc mỗi khi nằm hay ngồi trên giường bệnh. Không chỉ riêng chị M., rất nhiều phụ huynh khác trong buồng bệnh trải chiếu xuống sàn để nằm vì thời tiết nắng nóng.

Một trường hợp khác, bé P.T.L. (1 tuổi, ngụ tỉnh Long An) vừa điều trị xong bệnh tiêu chảy và viêm phế quản, hiện sức khoẻ ổn nhưng vẫn phải tiếp tục theo dõi. 

Phụ huynh bé L. cho biết: “Bé ít khi bị bệnh lặt vặt nhưng vào những ngày nắng nóng, bé biểu hiện sốt cao kèm theo tiêu chảy. Thấy vậy, gia đình mua thuốc ở tiệm thuốc tây về tự điều trị cho bé. Nhưng lúc uống thì bệnh thuyên giảm và khi ngưng thì bệnh tái phát nặng hơn…”.

Làm sao để phòng bệnh ngày Sài Gòn nắng nóng? - Ảnh 2.

Học sinh được phụ huynh che chắn kỹ để tránh nắng khi tan trường – Ảnh: DUYÊN PHAN

Người dân cần chú ý đến các phương pháp giải nhiệt hằng ngày như quạt gió, điều hòa vì nếu lạm dụng hoặc sử dụng ở mức độ vượt khuyến cáo có thể gây viêm họng, nhiễm lạnh… Đồng thời, hạn chế đi ra ngoài đường khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường thì phải bôi kem chống nắng, đội mũ, mặc quần áo dài, đeo kính, khẩu trang…

BS CKII Lương Hoàng Liêm

6 bệnh thường gặp trong ngày nắng

* Cảm nắng: Khi nhiệt độ lên đến 38 -39 độ C, hiện tượng thường gặp nhất là cảm nắng ở cả người lớn và trẻ em. Cơ thể bị mất nước nhiều vì tiết mồ hôi, thân nhiệt cơ thể không điều hòa được khi bị ánh nắng mặt trời gay gắt chiếu vào người. 

Bên cạnh đó, trong những ngày nắng nóng, nhiều cơ quan, hộ gia đình mở điều hòa, quạt máy hết công suất để hạ nhiệt. Điều này dẫn đến chênh lệch nhiệt độ khá cao giữa môi trường trong phòng kín và ngoài đường. 

Việc thay đổi nhiệt độ đột ngột khi bước từ trong phòng lạnh ra ngoài trời nắng có thể khiến nhiều người bị choáng, sốc nhiệt hoặc cảm nắng.

* Bệnh về hô hấp: Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh hô hấp mùa nắng nóng là do các gia đình thường mở quạt lớn, hạ nhiệt độ điều hòa thấp dẫn đến khô vùng mũi họng, làm khô các chất nhầy bảo vệ đường hô hấp. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng xâm nhập và gây bệnh.

* Bệnh tim mạch: Nắng nóng gay gắt không có lợi cho tim. Tim phải làm việc nhiều và nhanh hơn khiến mạch đập mạnh và huyết áp tăng. Máu bị đặc lại do mất nước và có thể gây ra tình trạng thiếu ôxy, bất tỉnh, nhồi máu hay đột quỵ.

* Bệnh về da: Thời tiết oi bức, tuyến mồ hôi và tuyến nhầy sẽ tăng cường hoạt động để thải nhiệt cho cơ thể, gây ra tình trạng ẩm ướt tại các vùng như lưng, trán, cổ, kẽ tay, chân và bẹn. 

Nếu không chú ý vệ sinh, những chất này không thoát hết sẽ ứ đọng trong ống bài tiết của da làm bít lỗ chân lông, kết hợp với vi khuẩn gây viêm da và nấm da. Trường hợp bị bội nhiễm nặng còn có thể gây sốt cao.

* Bệnh truyền nhiễm: Trong giai đoạn chuyển mùa, điều kiện môi trường rất thuận lợi cho các loại siêu vi phát triển. Mùa nắng nóng là thời điểm làm trẻ dễ bị nhiễm siêu vi dẫn đến sốt, phát ban, nôn ói, quấy khóc, bỏ ăn. Đặc biệt, trẻ thường mắc các bệnh như sởi, thủy đậu, tay chân miệng.

 

* Bệnh về đường tiêu hóa: Trong tiết trời nóng ẩm, ruồi nhặng và vi khuẩn dễ sinh sôi khiến thức ăn bị bẩn và ôi thiu nhanh. Nếu không cẩn thận sẽ dễ bị ngộ độc thức ăn và tiêu chảy, nhất là khi nhiệt độ kéo dài ở mức 37 – 38 độ C. 

Trong mùa nắng, ruồi, muỗi, chuột, gián cũng phát triển nhiều hơn nên dễ làm lây lan các mầm bệnh qua thực phẩm và nước uống. Bởi vi khuẩn gây bệnh có ở khắp nơi, chúng sinh sôi rất nhanh khi trời nóng và xâm nhập vào cơ thể qua đường thức ăn, nước uống hay tay bẩn. 

Hậu quả là người bệnh bị mất sức, nôn mửa, tiêu chảy, sốt cao.

Làm sao để phòng bệnh ngày Sài Gòn nắng nóng? - Ảnh 4.

Người dân lao động vất vả hơn khi di chuyển dưới thời tiết nắng nóng – Ảnh: DUYÊN PHAN

5 cách phòng bệnh mùa nắng nóng

1. Cần lưu ý nếu sử dụng điều hòa thì không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp. Không để quạt thổi trực tiếp gần vào người để tránh bị nhiễm lạnh và ảnh hưởng đường hô hấp. Thường xuyên vệ sinh mũi họng bằng nước muối. 

Mặt khác, tránh tối đa không di chuyển đột ngột từ môi trường nóng ra môi trường lạnh. Không nên tham gia hoạt động ngoài trời quá lâu.

2. Những người có bệnh tim cần sử dụng thuốc đều đặn theo đơn của bác sĩ, luôn mang theo người thuốc hạ huyết áp. 

Hạn chế vận động khi trời nóng, đội mũ khi đi nắng, giảm các thức ăn nhiều mỡ, nên uống nhiều nước. Cẩn thận khi tắm nước lạnh, đặc biệt với những người bị chứng co thắt mạch.

3. Để phòng tránh bệnh ngoài da, trong những ngày nắng nóng nên mặc áo chất liệu mềm nhẹ thoáng mát, luôn đảm bảo giữ vệ sinh sạch sẽ, nhất là vùng bị tổn thương. Nên tránh các loại thực phẩm làm tình trạng da nặng thêm, đặc biệt là với các bệnh mề đay, dị ứng… 

Khi bị ngứa da, không nên gãi quá mạnh làm tổn thương da, tăng nguy cơ nhiễm trùng cao. Không tự ý uống thuốc, bôi thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.

4. Để tránh mắc bệnh truyền nhiễm, cần rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn và ăn uống, trước khi cho trẻ nhỏ ăn, sau khi sử dụng nhà vệ sinh. 

Làm sạch môi trường bị ô nhiễm và các vật dụng bẩn (bao gồm cả đồ chơi) với xà phòng và nước, sau đó khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường. Tránh tiếp xúc gần (ôm, hôn, dùng chung đồ dùng…) với trẻ em.

5. Muốn ngừa bệnh về đường tiêu hóa cần ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, tăng cường ăn hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể.

Chống nắng, uống đủ nước, tránh uống dồn

Để hạn chế mắc bệnh mùa nắng nóng, bác sĩ Lương Hoàng Liêm khuyến cáo người dân cần bổ sung nước cho cơ thể, đặc biệt với những đối tượng có nguy cơ cao như người già và trẻ nhỏ, những người làm việc, luyện tập với cường độ cao ở ngoài trời nắng lâu hoặc trong môi trường nóng bức…

Người dân nên chia ra uống đều đặn, tránh uống nước dồn dập khi thấy khát. “Nắng nóng làm cơ thể ra mồ hôi nhiều, nếu không bù nước đầy đủ sẽ gây mất nước. Vì vậy cần bổ sung nước vào những ngày nắng nóng nhiều hơn bình thường…

 

XUÂN MAI – BS HOÀNG XUÂN ĐẠI