25/01/2025

Khi con trẻ thích… hư cấu

Nếu thi thoảng phát hiện đứa con đang lớn của mình nói những chuyện không có thật, các bậc cha mẹ nên phản ứng thế nào? Và nếu tình huống này lặp lại, phụ huynh cần làm gì để chia sẻ với con một cách hiệu quả hơn?

 

Khi con trẻ thích… hư cấu

Nếu thi thoảng phát hiện đứa con đang lớn của mình nói những chuyện không có thật, các bậc cha mẹ nên phản ứng thế nào? Và nếu tình huống này lặp lại, phụ huynh cần làm gì để chia sẻ với con một cách hiệu quả hơn?


 

Khi con trẻ thích... hư cấu - Ảnh 1.

Mạng xã hội sẽ là bạn nếu các bạn trẻ được trang bị những kỹ năng quản lý cảm xúc, kiểm soát lời nói… của mình – Ảnh minh hoạ: DUYÊN PHAN

Chị Hương (Biên Hoà, Đồng Nai) chia sẻ con gái chị – 10 tuổi – trước đây vốn rất ít nói, nhưng dạo này hay nói những câu chuyện có phần hư cấu thêm thắt, nên gia đình rất lo lắng.

Những câu chuyện đến từ “sự tưởng tượng”

Gia đình chị Lan (Dĩ An, Bình Dương) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. “Con trai tôi 12 tuổi, vốn dĩ ngoan ngoãn hiền lành, tuy nhiên dạo này bé hay mang những câu chuyện khó tin ở trường về nhà như chuyện mẹ bạn H. bị “ma ám” chẳng ai dám gần… Thậm chí bé còn kể câu chuyện ba bạn A. bị xã hội đen bắt cóc, đòi tống tiền. Các bạn trong nhóm của bé còn trao đổi rôm rả trên Zalo riêng của nhóm. Nhưng khi trao đổi với giáo viên chủ nhiệm chúng tôi mới hay rằng không có chuyện gì xảy ra cả” – chị Lan kể.

Những chuyện này của con trẻ có phần nguyên nhân rất lớn từ việc trẻ hay tụ tập, la cà cùng các nhóm bạn không chính thức, những đám đông ở trường để bàn tán hoặc viết status đưa lên Facebook, lấy câu chuyện “làm quà”. Các em không ngại hư cấu, thêm mắm dặm muối cho câu chuyện thêm nóng bỏng để câu like, câu view… nhằm thể hiện cái tôi hay sự khẳng định bản thân.

Một lý do khác xuất phát từ sự phát triển tâm lý của lứa tuổi. Tuổi đang lớn thường muốn khẳng định bản thân, muốn được nhiều người quan tâm đến, nên hành động có thể nông nổi, bồng bột, thích thể hiện, thậm chí còn hay phóng đại, thổi phồng một vấn đề nào đó. Nếu không có sự hướng dẫn từ gia đình, điều này sẽ phát triển theo chiều hướng tiêu cực.

Ngoài ra, ở tuổi mới lớn, các em còn có khả năng tưởng tượng phong phú, vì thế thường phát triển câu chuyện theo trí tưởng tượng, phóng đại một câu chuyện nào đó là lẽ dĩ nhiên. Hơn nữa, trẻ đọc quá nhiều truyện tranh, xem phim viễn tưởng, chơi game online, đến một lúc nào đó thấy mình như được đóng vai trong các câu chuyện hoặc các bộ phim…

Chuyện không thật, hậu quả lại có thật

Hậu quả đầu tiên dễ nhận thấy là trẻ sẽ đánh mất lòng tin với nhiều người. Việc thích phóng đại, nói chuyện không có thật còn làm cho trẻ lo lắng, băn khoăn, thiếu tự tin trong giao tiếp. Đó là chưa kể những câu chuyện do trẻ “thêu dệt” có thể ảnh hưởng đến người khác. Một ví dụ đáng buồn và cũng đáng lo chính là những tin tức chúng ta nghe được về chuyện nói xấu bạn bè trên các trang mạng xã hội, dẫn đến kết thúc rất tiêu cực.

Do đó, người lớn không nên chủ quan khi phát hiện con trẻ có những lời nói, thói quen như vậy.

 

Việc chúng ta cần làm là đồng hành với trẻ, để trẻ nhận ra “trái đắng” sau mỗi câu chuyện không có thật, những lời phóng đại về một ai đó. Phụ huynh cần định hướng trẻ có thái độ đúng đắn và có trách nhiệm mỗi khi nói gì. Lời nói không dễ dàng rút lại được nên việc cẩn ngôn, suy nghĩ thấu đáo về những gì mình muốn nói là chuyện nên làm, nhất là khi con trẻ đang muốn nói về ai đó…

Đừng bao giờ để trẻ dễ dàng tiếp nhận thông tin “sốt dẻo”. Hướng dẫn cho trẻ biết và lường trước được hậu quả của những việc nói ra những điều không đúng, để từ đó trẻ nhận thức được và biết điều chỉnh thông tin, kiểm soát cảm xúc. 

Một giải pháp có tính “thời đại” khác là việc định hướng cho trẻ ranh giới giữa đời thực và ảo. Người lớn cũng nên cho các em phát triển óc tưởng tượng phong phú bằng cách cho trẻ hòa mình vào thiên nhiên, tham gia các hoạt động xã hội, cùng cha mẹ tham gia các công việc thực tế trong cuộc sống như lao động chân tay, làm vườn, dọn dẹp nhà cửa… để làm phong phú tâm hồn trẻ.

Và một việc vô cùng quan trọng là người lớn phải làm gương, kiềm chế lời nói trước những tin tức không rõ nguồn gốc. Khi cha mẹ có sự cẩn ngôn thì con trẻ cũng được tưới tắm từ “người thầy” gần gũi nhất.

“Lỗi” từ cha mẹ

Một nguyên nhân không ngờ của việc trẻ thích “thêm thắt” chính là do sự bất an trong gia đình. Khi cảm thấy bí bách trong người, nhất là chịu sự trừng phạt về thể xác và tâm lý, các em dễ bị rơi vào trạng thái căng thẳng, hoang mang và vì thế trẻ dễ nảy sinh các câu chuyện hoang tưởng như để giải phóng chính mình.

Chẳng hạn, khi trẻ sợ bị cha mẹ đánh đòn thì theo cơ chế phòng vệ trẻ thường nghĩ ra một câu chuyện, một tình huống để tránh bị đánh đòn. Hoặc do cha mẹ quá kỳ vọng nên các em càng bị áp lực, vì vậy chọn cách nói dối để làm hài lòng người lớn.

 

Tiến sĩ tâm lý NGUYỄN VĂN CÔNG