24/01/2025

Sợ môn thể dục!

Nhiều người bước qua thời gian đi học đã lâu nhưng môn thể dục vẫn là một nỗi ám ảnh. Làm sao để học trò không sợ môn thể dục và cảm thấy có hứng thú với môn học này là mong đợi của nhiều giáo viên.

 

Sợ môn thể dục!

Nhiều người bước qua thời gian đi học đã lâu nhưng môn thể dục vẫn là một nỗi ám ảnh. Làm sao để học trò không sợ môn thể dục và cảm thấy có hứng thú với môn học này là mong đợi của nhiều giáo viên.
 
 
 
 

Một tiết thể dục giữa giờ /// Thúy Hằng

Một tiết thể dục giữa giờ   THUÝ HẰNG

 
Chị Nguyễn Thùy Linh, 35 tuổi, nhân viên kế toán, nhà hàng H.C, đường Nguyễn Thị Nhỏ, quận 6, TP.HCM cho biết môn thể dục luôn là nỗi ám ảnh của chị suốt thời đi học. “Tôi sợ nhất là nhảy cao, nhảy xa, đẩy tạ. Cứ đến giờ có môn thể dục là thấy run, đặc biệt trước các buổi kiểm tra, thi học kỳ”.

Ám ảnh nhảy cao, nhảy xa

Nhảy cao qua xà cũng là nỗi ám ảnh của Đào Thị Thương, 28 tuổi, thực tập sinh tại Singapore. “Ngày học cấp 3, mỗi khi đến giờ thể dục, thấy các bạn nam mang đệm, rồi cây sắt để làm xà ra là sợ toát mồ hôi. Tôi học lý thuyết rất cẩn thận, nhưng cứ đến khi thực hành, chạy đà đến cây xà là đứng khựng lại hoặc nhấc theo cây xà rồi chạy đi luôn. Cả lớp cười ồ, mình lại càng ngượng”, Thương kể lại.
 
Cô D.T.H, 28 tuổi, giáo viên một trường tiểu học tại xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên cũng chung cảnh ngộ rất sợ môn thể dục, đặc biệt nhảy cao, nhảy xa, đẩy bi sắt. “Bi sắt rất nặng, phải đẩy bằng một tay, đo khoảng cách để tính điểm. Dù làm đúng kỹ thuật nhưng không bao giờ tôi đẩy được đạt yêu cầu. Đá cầu và cầu lông thì tôi rất mê, nhưng đến nhảy cao qua xà, chụm chân bật xa là rất hãi. Nhiều hôm tôi lấy cớ là mình đang “đèn đỏ”, bị ốm, bị choáng để được xin miễn tập”, H.chia sẻ.
 
“Vụ việc học sinh nhảy cao qua xà bị thanh sắt rơi vào đầu ở Hải Dương mới đây cũng nhắc nhở các đồng nghiệp của chúng tôi cần chú ý kiểm tra hơn tới cơ sở vật chất trong giờ học thể dục, tránh sự việc đáng tiếc”, cô D.T.H nói.
 
V.N.T, học sinh Trường THPT Bình Hưng Hoà, TP.HCM, chia sẻ thể dục là một trong những tiết học được em và các bạn mong chờ nhất trong tuần vì được học ở ngoài trời, không khí thoải mái, tuy nhiên vì sức khỏe không được tốt lắm nên thường phải nói trước với thầy cô phụ trách, nhất là trước các tiết chạy bền, chạy nhanh để được thông cảm.

Không đặt nặng thành tích cho học sinh

Thầy Võ Minh Trí, giáo viên thể dục Trường THPT Thanh Đa, quận Bình Thạnh, TP.HCM cho biết tiết học thể dục cần giúp học trò vui vẻ, xả stress, hết căng thẳng sau nhiều giờ học các môn khác, do đó, mục tiêu của thầy cũng như nhiều đồng nghiệp là thiết kế nội dung học tạo sự gần gũi, tâm lý thoải mái cho các học trò.

 

Sợ môn thể dục! - ảnh 1
Giờ thể dục thành công là truyền cảm hứng cho học sinh yêu thể thao, yêu vận động. Trong ảnh: học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa tập thể dục giữa giờ   THUÝ HẰNG
 
Theo thầy Võ Minh Trí, nội dung tiết học thể dục hiện nay đa dạng phong phú hơn ngày trước rất nhiều. Nếu như ngày trước chỉ có những môn như nhảy cao, nhảy xa, tập thể dục tay không thì bây giờ có nhiều môn như bơi lội, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ… tùy điều kiện sân bãi của nhà trường, do đó khiến học trò yêu thích hơn. Nếu nhà trường không có bể bơi, có thể cho các em học sinh đăng ký cùng học bơi ở một bể bơi ở gần trường.
 
“Điều quan trọng của giờ học thể dục là khuyến khích học trò tự tin vào bản thân, yêu thích vận động, không tạo tâm lý phải gắng quá sức, đua theo thành tích, luyện tập bất chấp sức khỏe, nguy hiểm. Người thầy cũng cần nắm được tâm tư, nguyện vọng của các học trò, các vấn đề tâm sinh lý của học trò để có những điều chỉnh giáo án. Ví dụ, bạn nào bị tiền sử bệnh tim, vấn đề về vận động… có thể chia sẻ thẳng thắn với các thầy cô để được hỗ trợ, giúp đỡ”, thầy Võ Minh Trí trao đổi.
 
Cũng đồng tình với quan điểm này, thầy Lê Hoàng Sơn Châu, giáo viên dạy thể dục Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) cho hay điều thành công nhất của môn thể dục, không phải là những thành tích học trò đó chạy được bao mét, nhảy cao nhảy xa được bao nhiêu, mà đó là giúp học sinh thêm yêu thể thao, yêu vận động, về nhà vẫn tham gia chơi thể thao, các hoạt động thể chất để sức khỏe tốt hơn.
 
“Hiện nay, chương trình giáo dục về môn thể dục trong trường phổ thông cũng cởi mở hơn, cho học sinh được lựa chọn những nội dung các em yêu thích, có năng khiếu như có em sẽ thích bóng rổ, bóng chuyền, có em mê bóng đá, bơi lội, chứ không chỉ áp dụng máy móc phải học nhảy cao, nhảy xa và áp thành tích như với vận động viên chuyên nghiệp”, thầy Lê Hoàng Sơn Châu nói.
 
Thầy Châu cũng nhấn mạnh: “Để học sinh luôn yêu môn thể dục, không còn sợ nữa, giáo viên nên tùy điều kiện sân bãi, cơ sở vật chất của trường mà có nội dung dạy phù hợp, đừng đặt nặng thành tích cho học sinh. Quan trọng nhất là giúp các em khỏe, thoải mái, yêu thích vận động, giúp học sinh có kế hoạch tập luyện, có nếp sống lành mạnh, vui tươi, từ đó có kết quả học tập cao hơn”.
 
 
 
THUÝ HẰNG