28/11/2024

Hiệu ứng cánh bướm từ nội chiến Libya

Một cuộc nội chiến đang chực bùng nổ ở Libya, quốc gia sản xuất dầu mỏ chủ chốt trong OPEC.

 

Hiệu ứng cánh bướm từ nội chiến Libya

Một cuộc nội chiến đang chực bùng nổ ở Libya, quốc gia sản xuất dầu mỏ chủ chốt trong OPEC.
 
 
 

Hiệu ứng cánh bướm từ nội chiến Libya - Ảnh 1.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres (phải) rời Libya mà không nhận được sự đảm bảo chắc chắn sẽ ngừng các chiến dịch quân sự nào từ tướng Khalifa Haftar (trái) – Ảnh: Reuters

Bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung nào từ quốc gia Bắc Phi này không chỉ ảnh hưởng đến chính sách đối đầu của Mỹ với Iran và Venezuela, mà cả giá dầu thế giới.

Tám năm sau cuộc can thiệp quân sự và lật đổ nhà lãnh đạo Muammar al-Gaddafi, Libya vẫn chìm trong khói lửa.

Nguy cơ bùng phát chiến tranh trên diện rộng giữa Quân đội quốc gia Libya (LNA) và chính quyền Tripoli được quốc tế công nhận đã làm tăng nỗi sợ nguồn cung dầu có thể bị gián đoạn, từ đó đẩy giá dầu lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng qua trong phiên giao dịch ngày 5-4.

Ảnh hưởng nguồn cung dầu

Người Mỹ đã rút tay khỏi Libya, để lại đất nước từng giàu có bậc nhất Bắc Phi trong đống hỗn loạn. Giờ có lẽ là lúc Washington cảm nhận rõ nhất hậu quả của hành động khi xưa.

Chiến sự leo thang tại Libya được dự báo làm giảm nguồn cung dầu thế giới, khiến các nước đồng minh của Mỹ đổ về Iran và Venezuela để giải tỏa cơn khát dầu, đẩy các lệnh trừng phạt Tehran và Caracas của Washington đến bờ vực phá sản.

Libya đã tăng gấp ba lần sản lượng dầu lên mức 1,3 triệu thùng/ngày trong năm nay, một phần nhờ việc mở cửa trở lại nhà máy lọc dầu nằm trên Sharara, giếng dầu lớn nhất nước này. Theo khảo sát của S&P Global Platts, sản lượng dầu trong tháng 3 của Libya đạt tới con số 1,06 triệu thùng/ngày.

Các cơ sở hạ tầng dầu mỏ ở miền tây là một rủi ro chính, đặc biệt là thị trấn Zawiya, nơi đặt một cảng trung chuyển dầu xuất khẩu công suất 300.000 thùng/ngày và một nhà máy lọc dầu 120.000 thùng/ngày, cùng với Sabratha có các nhà máy khí hóa lỏng. Các cơ sở này đều đã hoặc sắp sửa nằm trong tay LNA, lực lượng chủ trương ngừng xuất khẩu dầu.

Sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Libya có thể làm suy yếu các nỗ lực trừng phạt Iran và Venezuela của Mỹ, bao gồm biện pháp cấm các nước mua dầu từ hai quốc gia này để gây sức ép lên chính quyền Tehran và Caracas.

Việc thế giới thiếu dầu sẽ buộc Washington phải kéo dài danh sách các nước đồng minh hay đối tác được miễn trừng phạt khi mua dầu từ Iran và Venezuela. Dù Mỹ tự tin rằng thị trường thế giới sẽ sớm được cân bằng khi sản lượng dầu xuất khẩu của nước này và Iraq sẽ tăng, nhưng đó lại là vấn đề của tương lai.

Lệnh trừng phạt đối với Iran bắt đầu vào tháng 11 năm ngoái, trong đó Mỹ cấp quyền miễn trừ cho 8 quốc gia, cho phép họ tiếp tục mua dầu từ nước cộng hòa Hồi giáo. Đến tháng 1 năm nay, Mỹ tiếp tục cấm các nước mua dầu từ chính quyền ông Nicolas Maduro của Venezuela.

Hòa bình mong manh

Nền hòa bình mong manh của Libya, nơi chỉ vừa chứng kiến sự phục hồi với sản lượng dầu hơn 1 triệu thùng/ngày, có thể sớm kết thúc. Quân đội miền đông Libya, lực lượng xưng là LNA, do tướng Khalifa Haftar chỉ huy hôm 5-4 cho biết đã tiến vào vùng ngoại ô phía nam thủ đô Tripoli, một động thái đe doạ trực tiếp đến chính quyền được quốc tế hậu thuẫn, bao gồm cả Mỹ.

Tại New York, đằng sau những cánh cửa đóng kín, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã được thông báo về những diễn biến mới nhất vào hôm 5-4 và bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trong một tuyên bố được đọc sau cuộc họp bởi đại sứ Đức Christoph Heusgen, nước giữ cương vị chủ tịch hội đồng luân phiên tháng 4.

“Hội đồng Bảo an kêu gọi LNA ngừng tất cả các chiến dịch quân sự. Các nước thành viên Hội đồng Bảo an kêu gọi tất cả các lực lượng ngừng leo thang và tạm dừng hoạt động quân sự. Không thể có giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột” – ông Heusgen truyền tải thông điệp.

Tướng Haftar – 75 tuổi, người tự nhận mình chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan nhưng bị Tripoli xem là một Gaddafi mới – lại không nghĩ như thế và tuyên bố các chiến dịch quân sự sẽ tiếp tục đến khi tất cả bọn khủng bố bị đánh bại.

Các chiến dịch quân sự của LNA được xem là cách để giành được lợi thế trên bàn đàm phán bởi chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là diễn ra một hội nghị, trong đó tất cả các bên tại Libya cùng ngồi xuống để đạt được một sự đồng thuận về chính trị.

Mặc dù có vẻ không gì cản được đà thắng lợi của LNA, cần phải nhìn nhận thực tế rằng lực lượng này chủ yếu tràn qua các khu vực dân cư thưa thớt ở miền núi, trước khi tiến đến vùng đồng bằng đông đúc ven biển.

Chiến sự vẫn đang diễn ra tại khu vực sân bay cũ bên ngoài Tripoli, mặc dù LNA đã thất bại trong việc kiểm soát dải đất phía tây Tripoli dẫn tới Tunisia. Trong cuộc chiến năm 2014, phải mất vài tuần để LNA tiến vào trung tâm Tripoli từ sân bay cũ, một phần bởi lực lượng bắn tỉa khiến các binh sĩ của lực lượng này nản chí.

70,34 USD

Trong phiên giao dịch tại thị trường London ngày 5-4, giá dầu Brent đã đạt ngưỡng 70,34 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 12-11-2018. Giá dầu thế giới đã liên tục tăng kể từ đầu năm, khi OPEC và liên minh các nước do Nga dẫn đầu cắt giảm sản lượng với lý do nguồn cung dư thừa.

Washington có thể làm gì?

Có hai cách để Mỹ có thể vớt vát được chút danh dự. Hoặc là Washington tích cực đứng ra làm trung gian hoà giải cho LNA và chính quyền Tripoli, ngăn chặn một sự sụp đổ hoàn toàn của chính phủ được quốc tế công nhận.

Hoặc là tăng sản lượng dầu xuất khẩu để ngăn các nước ngả sang Iran, Venezuela. Trước mắt, ngoại trưởng khối G7 đã ra tuyên bố “phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động quân sự nào ở Libya”, theo Hãng tin Reuters.

 

 

BẢO DUY