Đảo Thị Tứ nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Philippines kiểm soát.
Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 6.2016, Tổng thống Rodrigo Duterte gác tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông qua một bên để cải thiện quan hệ song phương, đặc biệt về kinh tế.
Tuy nhiên, sau khi quân đội Philippines trong tuần này nói rằng hàng trăm tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện gần đảo Thị Tứ từ tháng 1-3, Tổng thống Duterte đã có phản ứng mạnh mẽ.
Tàu hải cảnh Trung Quốc trong một lần xuất hiện gần đảo Thị Tứ CHỤP MÀN HÌNH BÁO PHILIPPINE DAILY INQUIRER
|
“Tôi sẽ không cầu xin, nhưng tôi chỉ nói rằng hãy tránh xa Pag-asa (tên Philippines gọi đảo Thị Tứ) vì tôi có binh sĩ đóng ở đó. Nếu động chạm tới đảo này, đó là câu chuyện khác. Tôi sẽ ra lệnh binh sĩ của tôi chuẩn bị nhiệm vụ cảm tử”, Tổng thống Duterte phát biểu với giới công tố Philippines tối 4.4, theo AFP.
Tuy nhiên, ông Duterte đã nhiều lần tuyên bố rằng một cuộc chiến tranh với Trung Quốc sẽ vô ích và Philippines sẽ tổn thất nặng. Hồi tháng 6.2018, Tổng thống Duterte nói ông không chấp nhận hy sinh mạng sống của binh sĩ và cảnh sát cho cuộc chiến tranh mà ông sẽ không giành được chiến thắng, theo tờ The Philippine Star.
Vài tuần trước khi ông Duterte nhậm chức vào tháng 6.2016, tòa trọng tài quốc tế ở Hà Lan ra phán quyết rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý. Phán quyết này được cho là chiến thắng đối với Manila. Tuy nhiên, từ đó đến nay, Tổng thống Duterte gác phán quyết này qua một bên để cải thiện quan hệ với Trung Quốc.
Ông Duterte bị chỉ trích trong nước vì có lập trường quá mềm mỏng với Trung Quốc, trong khi Philippines chỉ mới nhận được rất ít trong số hàng tỉ USD vốn đầu tư được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa hẹn, theo AFP.
Về phần mình, Bắc Kinh xem nhẹ căng thẳng đang dâng cao với Manila về đảo Thị Tứ, nói rằng cả hai bên đã “trao đổi quan điểm một cách thẳng thắn, thân thiện và mang tính xây dựng”, theo AFP.
Trước đó vào ngày 14.3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam sau các diễn biến ở đảo Thị Tứ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng một lần nữa khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử về chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa cũng như quần đảo Hoàng Sa theo quy định của luật pháp quốc tế.
Người phát ngôn nói “các bên liên quan cần tuyệt đối tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), đặc biệt là quy định về việc kiềm chế, không có hành vi gây phức tạp và gia tăng tranh chấp, kể cả không có hành vi chiếm đóng những câu trúc chưa có người ở tại Biển Đông“. Bà cũng kêu gọi các bên hành xử có trách nhiệm, có đóng góp thiết thực, tích cực cho hòa bình, ổn định tại khu vực.
VĂN KHOA