25/01/2025

Duy trì ‘lửa’ ngăn bạo lực học đường

Thật đau lòng trước các hành vi bạo lực học đường. Nhưng chúng ta không bi quan, bởi đã có thông điệp rất mạnh mẽ từ người đứng đầu Chính phủ rằng các hành vi này phải được xử lý nghiêm.

 

Duy trì ‘lửa’ ngăn bạo lực học đường

Thật đau lòng trước các hành vi bạo lực học đường. Nhưng chúng ta không bi quan, bởi đã có thông điệp rất mạnh mẽ từ người đứng đầu Chính phủ rằng các hành vi này phải được xử lý nghiêm.


 

Duy trì lửa ngăn bạo lực học đường - Ảnh 1.

Nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra trong thời gian vừa qua – Ảnh: TL

Và ngọn lửa đã được đốt lên ở Hưng Yên, khi đã có yêu cầu xử lý những người có trách nhiệm trong vụ bạo hành học đường ở đây.

“Đây có phải vấn đề báo động không? Bộ GD-ĐT trách nhiệm ra làm sao cũng như các địa phương phải có biện pháp như thế nào, các đoàn thể, các cơ quan có chức năng, trách nhiệm như thế nào trong vấn đề bạo lực học đường?” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu vấn đề, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải hành động.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng “cần xử lý nghiêm minh mới ngăn chặn được chuyện này”. Bộ này sẽ cùng Bộ GD-ĐT lập các đoàn kiểm tra, kiên quyết xử lý. Thứ trưởng bộ này đã làm việc với Bộ GD-ĐT để cụ thể hóa kế hoạch hành động chống lại thảm nạn bạo lực học đường.

Lửa được đốt lên ở Hưng Yên. Sau khi xảy ra vụ bạo hành nữ sinh lớp 9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đến Hưng Yên để cùng với địa phương giải quyết vụ việc. Ông Nhạ khẳng định “hiệu trưởng, ban giám hiệu không hoàn thành nhiệm vụ thì xem xét cho thôi, là bài học không chỉ cho Hưng Yên mà là cho cả nước”.

Xử nghiêm để không bao che, không dung dưỡng cho bạo lực học đường. Xử nghiêm để người có trách nhiệm biết mình phải làm gì, cần làm thêm những gì để ngăn chặn bạo lực học đường. Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ.

Trong tuyến bài về bạo lực học đường mà Tuổi Trẻ thực hiện, nhiều chuyên gia đã góp ý những giải pháp căn cơ gắn liền với trách nhiệm của nhà trường, thầy cô trong việc đảm bảo một môi trường giáo dục an toàn và phát triển toàn diện; trách nhiệm của gia đình, trong đó có cả xử lý cha mẹ nếu để con mình bạo hành, bắt nạt người khác; và trách nhiệm của chính mỗi học sinh trong việc nói không với bạo lực và lên tiếng chống lại bạo lực học đường.

“Hãy đốt lên que diêm thay vì ngồi nguyền rủa bóng tối”. Hệ thống pháp luật, từ Luật trẻ em; nghị định 80 về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; quyết định 1299 của Thủ tướng Chính phủ về đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025″… đủ để ngăn chặn bạo lực học đường.

 

Cái thiếu đó chính là thực thi, là tinh thần trách nhiệm của người lớn, của cơ quan chức năng để học sinh có được môi trường học đường an toàn, lành mạnh.

Bạo lực học đường phải được ngăn chặn, bởi hậu quả của nó có thể là một thế hệ được hình thành không còn tin vào những giá trị nhân văn của dân tộc hay toàn cầu, sử dụng quyền thế và bạo lực để thăng tiến và giải quyết vấn đề… như nhận định của chuyên gia tâm lý học đường – TS Lê Nguyên Phương với Tuổi Trẻ.

Ngăn chặn bạo lực học đường, lửa đã được đốt lên. Từng cá nhân, tổ chức, đặc biệt là cơ quan chức năng đều phải có trách nhiệm duy trì ngọn lửa để bạo lực học đường không thể manh nha quay lại.