Trung Quốc luôn là khách hàng lớn và nhiều tiềm năng với các mặt hàng nông sản Việt Nam. Nhưng thị trường được xem là dễ tính này chưa bao giờ “dễ ăn” với người Việt
Mít, chuối, thanh long… hết khóc lại cười
Đầu năm nay, lúa gạo không ngừng rớt giá kiến bà con nông dân đứng ngồi không yên và các địa phương phải lên tiếng kêu cứu, khởi động lại chính sách thu mua tạm trữ. Lí do năm nay Trung Quốc gần như ngưng mua. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 2 tháng đầu năm nay Trung Quốc chỉ mua có 9.534 tấn gạo so với 194.845 tấn của cùng kỳ năm 2018. Trong khi trước đây Trung Quốc luôn là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng đến 30 – 40%. Cũng vì thế, người trồng lúa phấn khởi, diện tích sản lượng không ngừng mở rộng. Nay với số lượng ít ỏi trên, Trung Quốc thậm chí không còn đứng trong top 5 nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.
Ngược lại với lúa gạo, từ đầu năm nay nhiều loại trái cây hút hàng sốt giá vì Trung Quốc tăng mua, giá tăng trung bình từ 10.000 – 20.000 đồng/kg tùy loại. Cụ thể như thanh long ruột trắng khoảng hơn 20.000 đồng/kg, ruột đỏ 35.000 – 40.000 đồng/kg, chuối 12.000 – 16.000 đồng/kg. Đặc biệt mít lên đến 60.000 – 70.000 đồng/kg nhưng nông dân không có hàng bán. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định: Giá mít Thái vẫn “nóng” liên tục trong thời gian qua. Đây là mức giá rất tốt cho nông dân. Nhờ Trung Quốc tăng mua trở lại nên xuất khẩu rau quả cũng khởi sắc.
Nông nghiệp may rủi
Trong nhiều năm qua chuyện nông dân khóc – cười theo thị trường Trung Quốc đã quá phổ biến. Nhưng quy trình, kết cục thì vẫn chỉ có một. Trung Quốc tăng mua, trong nước tăng trồng. Trung Quốc giảm mua, rau- quả đổ cho bò ăn. Còn nhớ năm 2016, vào cao điểm sốt giá heo – cũng do Trung Quốc tăng mua, nhiều người chăn nuôi ở Đồng Nai tăng đàn ồ ạt trong sự phập phồng “không biết khi nào họ ngưng”. Bà con nông dân Việt Nam đã thuộc làu những bài học như vậy trong quá khứ nhưng có vẻ nhiều người vẫn hy vọng mình sẽ không trở thành nạn nhân. Nó cho thấy họ đang phải chấp nhận “đánh đu” với thị trường Trung Quốc. Thực tế cũng khó để trách họ. Vì nếu chấp nhận đánh đu, họ vẫn có cơ may trúng giá thậm chí trúng cả giá lẫn mùa. Nếu không cũng chẳng biết trồng cái gì bán cho ai. Nên cứ tranh thủ được lúc nào hay lúc ấy.
Việt Nam vẫn còn rất ít doanh nghiệp nông nghiệp ĐÀO NGỌC THẠCH
|
Thực tế đó xuất phát từ nền nông nghiệp nhỏ lẻ và thói quen mạnh ai nấy làm mà chưa liên kết lại với nhau. Nông dân Nhật Bản cũng sản xuất trên diện tích khiêm tốn như Việt Nam nhưng nông sản của họ lại thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới. Kinh nghiệm của họ là sự liên kết giữa nông dân với nhau cũng như không ngừng nâng cao chất lượng. Trong khi người Việt có thói quen lấy lượng bù chất, cái nào dễ thì làm. Bằng chứng dễ thấy nhất là ở ngành lúa gạo, nông dân rất thích trồng các giống IR vì nó dễ trồng và cho năng xuất cao hơn các giống khác, dù giá thấp hơn.
Một điều quan trọng, Việt Nam có ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lại càng hiếm có doanh nghiệp lớn. Trong khi đây là yếu tố rất quan trọng quyết định sự thành bại của một ngành. Ví dụ ngành thủy sản phát triển ổn định hơn cả và xâm nhập được vào các thị trường cao cấp chính là nhờ vai trò của doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân. Không chỉ thế, cộng đồng doanh nghiệp của ngành này còn xây dựng được một hiệp hội đúng nghĩa và hoạt động hiệu quả. Điều này hoàn toàn khác so với các ngành khác như: lúa gạo, rau quả, chăn nuôi… Chính vì vậy khâu chế biến, bảo quản, xúc tiến thương mại không thể phát triển ở các thị trường cao cấp, làm ăn bài bản như: Nhật, EU, Mỹ, Hàn Quốc… mà chủ yếu xuất đi Trung Quốc.
Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phải tạo ra môi trường đủ hấp dẫn. Có như vậy người nông dân sẽ không cần đánh đu với thị trường mà sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.
CHÍ NHÂN