Đây là đoạn cao tốc cuối cùng nhưng lại giữ vai trò quyết định trong kế hoạch kết nối đồng bộ toàn tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng ra tận cửa khẩu quốc tế Móng Cái, gắn kết Quảng Ninh và các tỉnh phía bắc với Trung Quốc.
PV Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, người đã luôn sát sao chỉ đạo dự án này ngay từ những ngày đầu, để qua đó cùng tìm hiểu những câu chuyện xoay quanh triết lý lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KT-XH rất “độc đáo” của địa phương này.
Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
|
Xin chào ông, dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái cuối cùng cũng sắp được khởi công. Nhớ lại những ngày đầu khi đang tiến hành các thủ tục chuẩn bị cho dự án, dư luận băn khoăn vì thông tin cao tốc này có thể sẽ sử dụng nguồn vốn vay 300 triệu USD từ Trung Quốc. Cuối cùng thì nhà đầu tư của dự án này là đơn vị nào?
Phải nói là, với tổng chiều dài hơn 80 km và tổng vốn đầu tư lên đến hơn 11.000 tỉ đồng, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái ban đầu được nhận định là rất khó thu hút các nhà đầu tư tham gia do kinh phí lớn. Tại thời điểm năm 2016, chỉ có mỗi Trung Quốc quan tâm đến dự án này. Tuy nhiên, như chúng ta biết, các khoản vay từ Trung Quốc đều có ràng buộc với nhiều điều kiện đi kèm và bên cạnh đó, nếu vận hành thực hiện dự án tuyến cao tốc này từ nguồn vốn ODA sẽ rất lâu và không thể hoàn thành trước năm 2020 như quy hoạch, kế hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2008.
Trong bối cảnh đó, cuối tháng 7.2016, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chủ động có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, đề xuất xin được giao thẩm quyền thực hiện cao tốc Vân Đồn – Móng Cái.
Được sự chấp thuận của Chính phủ, Quảng Ninh đã kêu gọi các nhà đầu tư trong nước thực hiện dự án trên theo mô hình hợp tác công tư (PPP). Qua đấu thầu, đến nay, tỉnh đã chọn được Công ty TNHH đầu tư và phát triển hạ tầng Vân Đồn làm chủ đầu tư dự án này, đây là liên danh 3 nhà thầu trong nước gồm: Công ty TNHH đầu tư và phát triển hạ tầng Long Vân, Công ty cổ phần Mặt trời Vân Đồn, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng giao thông Công Thành. Dự án được triển khai theo hình thức PPP, hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT).
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn có công suất nhà ga giai đoạn 1 phục vụ 2,5 triệu hành khách/năm
|
Xây công trình trọng điểm cho “bầu trời – mặt đất – mặt nước” bằng vốn… tư nhân
Như vậy là với các tuyến cao tốc: Hải Phòng – Hạ Long, Hạ Long – Vân Đồn đã hoàn thành, và giờ là khởi công cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đã có gần 200 km đường bộ cao tốc, đóng góp 1/10 số lượng cao tốc hoàn thành trên toàn quốc theo mục tiêu của Chính phủ. Nhưng có điểm đặc biệt là toàn bộ đường cao tốc ở Quảng Ninh đều được xây từ nguồn xã hội hóa và một phần ngân sách tỉnh mà không sử dụng nguồn vốn từ T.Ư. Nguyên nhân và động lực nào để Quảng Ninh có thể “dám” quyết làm một việc mà chưa có địa phương nào trong cả nước làm được, thưa ông?
|
|
Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đi qua địa bàn 5 địa phương, gồm: Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái với tổng chiều dài tuyến là 80,2 km; tổng vốn đầu tư lên đến 11.195 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái sẽ kết nối thẳng cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, Hạ Long – Hải Phòng, Hải Phòng – Hà Nội và Hà Nội – Lào Cai, trở thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam, hình thành cửa ngõ giao thông kết nối các tỉnh thành phía bắc với ASEAN và Trung Quốc.
|
|
|
Ý tưởng về xây tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng bắt đầu hình thành khi cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đang được xây dựng, trong khi tuyến QL18 huyết mạch kết nối Quảng Ninh với Hà Nội và các tỉnh phía bắc liên tục bị tắc nghẽn, mà chủ trương xây dựng cao tốc Nội Bài – Hạ Long tuy có trong quy hoạch nhưng lại chỉ được T.Ư xem xét bố trí nguồn vốn ODA sau năm 2020. Ý tưởng là vậy, nhưng số vốn để làm cao tốc là quá lớn và không thể cứ trông chờ nguồn ngân sách T.Ư. Trong bối cảnh đó, Quảng Ninh đã chủ động đề xuất và được Chính phủ cho phép bổ sung vào quy hoạch cao tốc Hải Phòng – Hạ Long; giao cho tỉnh Quảng Ninh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để huy động các nguồn vốn từ ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai, nhằm gỡ “nút thắt” về hạ tầng giao thông này của tỉnh.
Ban đầu, toàn tuyến trên dự định đuợc triển khai theo hình thức BOT, nhưng vì tổng vốn đầu tư quá lớn lên đến 13.000 tỉ đồng, nên sau đó chúng tôi quyết định chia dự án này làm hai dự án thành phần: dự án đường nối từ Hạ Long đi Hải Phòng dài 19,8 km, có số vốn đầu tư khoảng 6.000 tỉ đồng và dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn cùng nút giao cuối tuyến dài 5,4 km với tổng số vốn khoảng 7.300 tỉ đồng. Do xác định đây là công trình trọng điểm cần được ưu tiên dồn nguồn lực đầu tư phát triển, đoạn đường cao tốc dài 19,8 km đã được tỉnh Quảng Ninh dành mỗi năm khoảng 1.500 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, trong vòng 4 năm để triển khai. Song song với đó, chúng tôi triển khai đoạn còn lại của dự án bằng hình thức BOT. Liên danh của 8 nhà thầu đã được lựa chọn để triển khai dự án này. Đến 1.9.2018, hai dự án thành phần trên đã được khánh thành và kết nối đồng bộ với nhau và với tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Theo số liệu thống kê mới nhất chúng tôi nhận được là từ khi có cao tốc Hải Phòng – Hạ Long, lưu lượng phương tiện tham gia cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã tăng trên 30% so với trước đây. Đó là kết quả rất đáng mừng của dự án cao tốc.
Như vậy là tỉnh Quảng Ninh đã có kinh nghiệm trong việc áp dụng hình thức BOT để huy động nguồn vốn và triển khai các dự án cao tốc. Đó chính là lý do Quảng Ninh một lần nữa tự tin “dám” xin Chính phủ giao cho thẩm quyền thực hiện tiếp đoạn cao tốc Vân Đồn – Móng Cái.
Được biết, không chỉ có cao tốc, Quảng Ninh còn là địa phương đầu tiên trong cả nước đề xuất và được Chính phủ đồng ý cho xây sân bay từ nguồn vốn tư nhân, thưa ông?
Đúng vậy. Ngày 30.12.2018 vừa qua, Quảng Ninh đã cùng lúc thông xe kỹ thuật cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, khánh thành Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và khai trương Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Ba dự án này có tổng mức đầu tư trên 20.000 tỉ đồng, cụ thể: cao tốc Hạ Long – Vân Đồn mức đầu tư 12.000 tỉ đồng, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn có mức đầu tư gần 7.500 tỉ đồng và Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long có tổng số vốn 1.032 tỉ đồng, và tất cả đều huy động từ nguồn vốn xã hội hoá.
Đây là dấu mốc lịch sử quan trọng khẳng định thành công của tỉnh Quảng Ninh trong việc cụ thể hoá đường lối của Đảng ta trong chiến lược phát triển đất nước nói chung và của Quảng Ninh nói riêng trong việc huy động nguồn lực quan trọng của kinh tế tư nhân cho đầu tư kết cấu hạ tầng.
Từ năm 2015 đến nay, tổng số vốn thu hút đầu tư xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh đạt hơn 36.000 tỉ đồng, 3/4 trong đó là nguồn vốn đầu tư huy động từ xã hội. Theo tính toán của chúng tôi, trong thời gian qua, Quảng Ninh cứ bỏ ra 1 đồng ngân sách thì thu hút được 8,5 đồng vốn từ khu vực tư nhân.
Sáng tạo từ truyền thống “kỷ luật – đồng tâm” đất mỏ
Năm 2018 cũng là một năm được xem là rất thành công của Quảng Ninh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành khi Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu với các chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI); sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS)… Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Ninh còn được Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á – châu Đại Dương (ASOCIO) trao giải thưởng Chính quyền số ASOCIO, là giải thưởng CNTT trao cho cơ quan có đóng góp đặc biệt quan trọng cho sự phát triển và ứng dụng CNTT tại 24 nền kinh tế thành viên ASOCIO. Đâu là nguyên nhân của những thành tựu này, thưa ông?
Để có được một số thành tựu như đã kể trên, trước hết, xin khẳng định rằng, đó là do bề dày của truyền thống “kỷ luật, đồng tâm” đất mỏ kết hợp với nền tảng có được từ quyết tâm đổi mới, sáng tạo mà các thế hệ cán bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đi trước đã dày công gây dựng.
Ngay từ năm 2012, Quảng Ninh đã có những bước đi hết sức bài bản như: mời các đơn vị tư vấn hàng đầu trên thế giới như: MC Kensey, BCG (Mỹ), Nikken Sekkei, Nippon Koie (Nhật Bản)… đến tư vấn cho tỉnh một chiến lược phát triển kinh tế – xã hội tổng thể và mạch lạc. Với tinh thần quyết liệt và chủ động, không trông chờ, ỷ lại nguồn vốn nhà nước, Quảng Ninh đã biết cách vận dụng sáng tạo trong huy động các nguồn lực để thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược: đẩy mạnh cải cách hành chính, đầu tư vào xây dựng chính quyền điện tử để giảm tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo nên một môi trường đầu tư thông thoáng… để thu hút các nguồn lực đầu tư đến với tỉnh
Bên cạnh đó, có một yếu tố hết sức quan trọng là Quảng Ninh đã hội tụ được một sự đoàn kết nhất trí rất cao trong cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cũng như trong đội ngũ cán bộ công chức; qua đó chúng tôi có được sự đồng thuận của nhân dân, sự ủng hộ của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ ngành T.Ư… Có thể nói đó là những yếu tố mang tính quyết định để đưa tỉnh Quảng Ninh phát triển ấn tượng trong năm 2018, cũng như phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.
Xin cảm ơn ông đã chia sẻ !
Năm 2018 là năm Quảng Ninh đạt được nhiều dấu ấn quan trọng khi 11 chỉ tiêu tăng trưởng đặt ra đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch; nổi bật nhất là tăng trưởng kinh tế GRDP lên đến 11,2%, cao nhất trong 6 năm gần đây. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dịch vụ, với việc đón 12,2 triệu lượt du khách. Năm 2018 cũng là năm Quảng Ninh thu ngân sách nhà nước đạt 40.500 tỉ đồng, vượt dự toán T.Ư giao đến 17%. Tỉnh đã điều hành thu chi ngân sách trên tinh thần tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn lực đầu tư cho đầu tư phát triển, lên đến 66% trong tổng chi ngân sách địa phương. Quảng Ninh cũng quan tâm đến tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, có thêm 15 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, có 5 xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; có rất nhiều hộ dân đã chủ động viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo, chỉ còn 1,28% hộ nghèo trên toàn tỉnh.
|
BÍCH NGỌC