Khối Ả Rập bỗng… đoàn kết
Sự thống nhất về lập trường quanh cao nguyên Golan không hoàn toàn phản ánh được những cải thiện trong Liên đoàn Ả Rập.
Khối Ả Rập bỗng… đoàn kết
Sự thống nhất về lập trường quanh cao nguyên Golan không hoàn toàn phản ánh được những cải thiện trong Liên đoàn Ả Rập.
Vua Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz (trái) và Tổng thống Tunisia Beji Caid Essebsi ngày 31-3 – Ảnh: Reuters
Kết thúc sự kiện thượng đỉnh lần thứ 30 của Liên đoàn Các quốc gia Ả Rập (Arab League) ngày 31-3 ở Tunis (Tunisia), lãnh đạo các nước Ả Rập đã ra tuyên bố sau cùng về việc “xác nhận Golan là vùng đất của Syria bị chiếm hữu, căn cứ theo luật pháp quốc tế, quyết định của Liên Hiệp Quốc và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc”.
Sự đoàn kết hiếm hoi
Lãnh đạo các thành viên Arab League (trừ Syria) tuyên bố họ sẽ trình dự thảo lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để phản đối quyết định của Mỹ về việc công nhận cao nguyên Golan là phần lãnh thổ của Israel.
Khối Ả Rập gọi hành động của Mỹ là “vô giá trị và không có tính pháp lý”. Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập Ahmed Aboul Gheit nói trong cuộc họp báo ngày 31-3: “Sự thật là Mỹ có quân đội mạnh nhất thế giới, nhưng quyết định của họ dĩ nhiên không đáng giá chút nào”.
Cao nguyên Golan là vùng đất do Israel chiếm đóng từ Syria sau cuộc chiến 6 ngày vào năm 1967. Năm 1981, Israel thông qua luật chính thức sáp nhập Golan vào lãnh thổ. Dù vậy tính đến nay, cuộc sáp nhập này vẫn bị cộng đồng quốc tế, cụ thể là Liên Hiệp Quốc, xem là bất hợp pháp.
Năm 2018, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc còn ra nghị quyết kêu gọi Israel lập tức rút quân khỏi cao nguyên Golan sau một cuộc bầu cử địa phương ở đây, nơi vẫn còn khoảng 27.000 người Syria đang cư ngụ.
Ngoài Golan, câu chuyện về tình hình Palestine cũng phủ bóng cuộc họp Arab League. Và cả hai vấn đề này đều liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp tới Israel và Mỹ.
Nằm lọt thỏm giữa cộng đồng Hồi giáo ở Trung Đông, Israel là đối trọng của phần lớn các quốc gia Ả Rập theo đạo Hồi xung quanh, chưa kể những kẻ thù khác. Ngoài ra Israel cũng chưa chấm dứt cuộc tranh chấp lãnh thổ dài hơi với Palestine.
Chính vì vậy, việc Tổng thống Mỹ Trump ra quyết định dời đại sứ quán Mỹ về Jerusalem (tức phủ nhận Palestine) cũng bị xem là một hành động chẳng khác nào châm thêm dầu vào lửa ở Trung Đông.
Nói cách khác, bằng việc công nhận cao nguyên Golan là lãnh thổ Israel, Tổng thống Trump đã vô tình “giúp” các nước Ả Rập tìm thấy tiếng nói chung hiếm hoi giữa lúc khu vực này ngập chìm trong các cuộc khủng hoảng.
Chưa thấy “mùa xuân”
Cuộc khủng hoảng của các nước Ả Rập là một câu chuyện dài liên quan tới chiến dịch “Mùa xuân Ả Rập” từ cách đây 8 năm.
Hãng thông tấn Qatar QNA cho biết Tiểu vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani đã rời cuộc họp “sau khi tham dự phiên khai mạc”. QNA không đưa thêm chi tiết nào về lý do rời họp của tiểu vương, nhưng đó đã là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy cuộc khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh vẫn chưa hạ nhiệt.
Qatar là trung tâm của vụ bế tắc ngoại giao tại vùng Vịnh tháng 6-2017, dẫn tới việc Qatar – một đồng minh của Mỹ – bị cô lập. Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ai Cập và Bahrain đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vì cáo buộc Doha ủng hộ các tổ chức khủng bố, cực đoan và “có mối quan hệ quá gần gũi với Iran”.
Bên cạnh đó, khu vực các nước Ả Rập năm nay cũng tiếp tục phải hàn gắn và tranh luận về biện pháp giải quyết những vết thương từ phong trào “Mùa xuân Ả Rập”. Đó là các cuộc biểu tình đòi dân chủ nổ ra khắp các nước trong khối Ả Rập.
Ngoài hiệu ứng đấu tranh dân chủ, phong trào này chịu chỉ trích nặng nề vì mang tới hậu quả cho đến tận bây giờ, đơn cử là việc Arab League chưa thống nhất về giải pháp cho Syria – một chảo lửa xung đột vũ trang từ năm 2011.
Bên cạnh đó, tình hình ở Algeria và Sudan vẫn bất ổn như trước với các cuộc biểu tình yêu cầu lãnh đạo từ chức, còn Yemen ngập trong chiến tranh. Ngay cả với cái gọi là chống lại tầm ảnh hưởng của Iran, các nước Ả Rập vẫn chia rẽ về quan điểm.