26/12/2024

Nữ sinh Hưng Yên bị bạo hành: Sự vô cảm dung dưỡng bạo lực học đường

Hành vi bạo lực học đường có những dấu hiệu nghiêm trọng, nhưng đáng lo ngại hơn còn là sự vô cảm, thờ ơ của nhà trường, ngành giáo dục trong cách xử lý vấn đề.

 

Nữ sinh Hưng Yên bị bạo hành: Sự vô cảm dung dưỡng bạo lực học đường

Hành vi bạo lực học đường có những dấu hiệu nghiêm trọng, nhưng đáng lo ngại hơn còn là sự vô cảm, thờ ơ của nhà trường, ngành giáo dục trong cách xử lý vấn đề.

 
 
 

Nữ sinh Hưng Yên bị bạo hành: Sự vô cảm dung dưỡng bạo lực học đường

 
Càng đi sâu vào vụ việc nữ sinh Nguyễn Thị H.Y (lớp 9 Trường THCS Phù Ủng, H.Ân Thi, Hưng Yên) bị nhóm bạn bạo hành dã man ngay tại lớp học càng thấy nhiều mảng tối nhức buốt của ngành GD-ĐT.
 

Bưng bít thay vì xử lý

 
 
Nữ sinh Hưng Yên bị bạo hành: Sự vô cảm dung dưỡng bạo lực học đường - ảnh 1
Lấy chỉ số hạnh phúc của HS, sự tiến bộ của mỗi học trò chứ không phải thành tích làm thước đo chất lượng giáo dục của một nhà trường. HS đến trường không chỉ là để học mà chính là để sống, được sống và trải nghiệm cuộc sống
Nữ sinh Hưng Yên bị bạo hành: Sự vô cảm dung dưỡng bạo lực học đường - ảnh 2
 
Nhà giáo Nguyễn Văn Hoà
 

Vụ việc đã không dừng lại ở câu chuyện bạo lực học đường khi học sinh (HS) bị bắt nạt, giải quyết mâu thuẫn bằng tay chân. Dư luận xã hội dù không ngạc nhiên, nhưng vô cùng phẫn nộ khi thấy một bức tranh quá nhiều màu xám qua câu chuyện này. Đó là sự vô cảm, vô trách nhiệm; đó là căn bệnh thành tích trầm kha khi nhà trường chỉ lo bưng bít sự việc thay vì xử lý dứt điểm để bảo vệ HS; lo HS tàn ác với bạn bỏ dở mất kỳ thi vào lớp 10 nếu bị kỷ luật.

Đó còn là cách giáo viên (GV) chủ nhiệm thờ ơ khi biết HS của mình bị bắt nạt tàn bạo hết lần này đến lần khác chỉ vì em “hiền quá”; thờ ơ vì “lỗi” của em là không nói với cô… khiến dư luận thực sự rùng mình.
 
Đó là sự thiếu vắng đến đáng sợ chỗ dựa cho những HS có thiệt thòi về hoàn cảnh, trí tuệ ngay trong chính lớp học, trường học của mình.
 
 
Nếu báo chí không vào cuộc, không lên tiếng kịp thời và gắt gao thì không ai dám chắc các bộ, ban, ngành vào cuộc quyết liệt như vậy bởi sau đúng một tuần nữ sinh bị bạo hành thì mới có dấu hiệu của “xử lý nghiêm”, của những công văn hỏa tốc, của những cuộc thăm hỏi liên tiếp với em và gia đình trong 2 ngày qua. Người nhà của nữ sinh này, thậm chí đã phải thốt lên sau khi xem clip cháu mình bị đánh: “Nhà trường lừa chúng tôi” khi chủ trương xử lý vụ việc theo kiểu hoà giải, tha thứ và rằng “chuyện trẻ con đánh nhau là… thường”.
 
 
Nữ sinh Hưng Yên bị bạo hành: Sự vô cảm dung dưỡng bạo lực học đường - ảnh 3

Trường THCS Phù Ủng, nơi xảy ra sự việc học sinh H.Y bị bạn bạo hành  ẢNH: TRẦN CƯỜNG

Giáo dục giá trị sống

 
 
Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nhận định: “Với vai trò là hiệu trưởng, là GV chủ nhiệm, các thầy cô phải có trách nhiệm sát sao nắm bắt tâm tư nguyện vọng của HS. Nếu có trường hợp HS cá biệt phải kịp thời có biện pháp hỗ trợ. Các thầy cô cần phải quan tâm hơn đến các em, khi thấy có dấu hiệu bất thường phải phối hợp với gia đình để có biện pháp giáo dục thích hợp”.
 
Ông Nhạ cho biết bạo lực học đường đang có những diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bộ GD-ĐT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 80 quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phòng, chống bạo lực học đường cùng nhiều chính sách khác.

 

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý – Giáo dục TP.Hà Nội, đặt câu hỏi: “Tại sao đã có rất nhiều văn bản, rất nhiều hội thảo, hội nghị chuyên đề nhằm phòng ngừa nạn bạo lực học đường mà tình trạng này vẫn không giảm, thậm chí ngày càng nghiêm trọng, phức tạp hơn?”.

Điều đó chứng tỏ các giải pháp chưa hiệu quả. Lâu nay chúng ta mới nói đến kỹ năng nhưng chưa nói đến giá trị sống, HS lớp 9 nhưng chưa nhận ra được các giá trị về đạo đức, lòng yêu thương, sự tôn trọng như thế là không được. Vì vậy, sau sự việc này, không chỉ nhà trường nơi xảy ra sự việc mà tất cả các trường học khác cần phải xem lại tất cả các chương trình giáo dục đã hiệu quả hay chưa.
 
PGS-TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng nguyên nhân ngoài xã hội và trong nhà trường liên quan nhau. Chúng ta đang sống trong thời đại mà có rất nhiều hình ảnh bạo lực được “bình thường hóa”, kể cả hình ảnh bạo lực của những anh hùng trên phim khiến giới trẻ cảm thấy bạo lực là bình thường. Đây là điều rất nguy hại.
 
“Chúng ta đã kêu gọi rất nhiều và có nhiều giải pháp cho bạo lực học đường nhưng tình hình không được cải thiện có lẽ vì một thực tế là chúng ta không nhất quán trong việc cách ly trẻ ra khỏi những chất liệu bạo lực vốn tồn tại đầy rẫy trong xã hội, nhà trường và gia đình”, PGS Nam nói.
 
Theo PGS Nam, HS cần được giáo dục các giá trị cơ bản phổ quát như yêu thương, tôn trọng, hợp tác và đoàn kết. Các kỹ năng như kiểm soát cảm xúc, xả stress chỉ là kỹ thuật và nếu không có động cơ đúng đắn xuất phát từ các giá trị thì các em dù có kỹ năng cũng sẽ không sử dụng chúng.
 
Cả TS Lâm và PGS Nam đều cùng quan điểm cần có các chế tài pháp lý mạnh hơn với các vụ bạo hành gia đình, bạo lực với trẻ chứ không phải chỉ tổ chức hòa giải, rút kinh nghiệm là xong.
 
Nữ sinh Hưng Yên bị bạo hành: Sự vô cảm dung dưỡng bạo lực học đường - ảnh 4

Em Nguyễn Thị H.Y bị bạn đánh hội đồng tại lớp  ẢNH: TTXVN

Vai trò của giáo viên chủ nhiệm ở đâu ?

 
TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, trong vụ việc ở Hưng Yên, điều đáng lên án là cách hành xử của GV chủ nhiệm. Lẽ ra, GV chủ nhiệm phải là nhà giáo dục thực sự về đạo đức, hành vi, lẽ sống cho HS thì trong trường hợp này lại khiến sự việc trở nên trầm trọng hơn khi thờ ơ, che giấu cho hành động tàn bạo của HS với chính bạn mình. Điển hình như trường hợp ở Hưng Yên, nữ sinh bị bạo hành vốn yếu ớt lại càng sợ hãi hơn khi bị bắt nạt, đánh đập hết lần này đến lần khác, nhưng không tin tưởng GV của mình nên em đã không chia sẻ, tìm sự giúp đỡ.
Chính vì vậy, theo TS Tùng Lâm, qua sự việc này, một lần nữa lại thấy lỗi của ngành GD-ĐT nói chung và từng nhà trường nói riêng, khi chưa coi trọng vai trò của người GV chủ nhiệm. Lẽ ra GV chủ nhiệm phải là nhân vật chính để giải quyết công tác giáo dục đạo đức cho HS nhưng thực tế không có sự bồi dưỡng, chọn lọc để sắp xếp ai xứng đáng làm GV chủ nhiệm.
Cô Vũ Thị Tuyết Nga, Trường THCS – THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), là người có kinh nghiệm làm GV chủ nhiệm nhiều năm và ngày càng nhận ra vai trò đặc biệt quan trọng của GV chủ nhiệm trong việc giáo dục HS. Cô được biết tới với việc lập “hồ sơ tâm lý HS”, sử dụng phương pháp giáo dục cá thể hóa, hiểu cặn kẽ từng hoàn cảnh, từng tâm lý của HS do mình chủ nhiệm, chấp nhận sự khác biệt của mỗi em để có phương pháp giáo dục phù hợp.
 
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường THCS – THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cũng cho rằng việc “dạy HS nên người”, “chăm lo đến từng HS giúp cho mỗi trò đều tiến bộ”, lấy chỉ số hạnh phúc của HS, sự tiến bộ của mỗi học trò chứ không phải thành tích làm thước đo chất lượng giáo dục của một nhà trường. HS đến trường không chỉ là để học mà chính là để sống, được sống và trải nghiệm cuộc sống thực trong suốt 12 năm ngồi trên ghế nhà trường của cuộc đời một con người.
 

Bạo lực học đường ngày càng nghiêm trọng

Từ năm 2018 đến nay, hàng loạt vụ bạo lực học đường nghiêm trọng xảy ra, gây phẫn nộ dư luận xã hội khiến nhiều lần Bộ GD-ĐT phải ra văn bản yêu cầu xử lý nghiêm và rút kinh nghiệm.
 
Đầu tháng 3.2018, vụ GV phạt HS quỳ ở H.Bến Lức, tỉnh Long An khiến dư luận xôn xao. Chưa hết, ngay sau đó là sự việc phụ huynh bắt GV quỳ để xin lỗi phụ huynh rồi đến vụ việc GV bị HS bóp cổ tại Bến Tre. Cũng trong tháng 3.2018, tại tỉnh Nghệ An xảy ra 2 vụ việc liên quan đến bạo hành GV. Vụ thứ nhất, một thầy giáo ở Trường THCS Tân Thành (H.Yên Thành) bị người nhà HS đánh dập sống mũi phải nhập viện điều trị. Ngay sau đó ít hôm, một giáo sinh tại Trường mầm non ở TP.Vinh lại bị người nhà HS hành hung đến dọa sẩy thai…
Vụ việc GV im lặng khi vào lớp giảng dạy suốt hơn 1 học kỳ tại TP.HCM một lần nữa khiến dư luận dậy sóng. Theo các chuyên gia giáo dục, đây là hình thức GV bạo lực tâm lý đối với HS.
 
Tháng 11. 2018, tại Quảng Bình, cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy (Trường THCS Duy Ninh, H.Quảng Ninh) yêu cầu 23 bạn cùng lớp tát mỗi người 10 cái vào má một nam sinh bởi em này nói tục. Trong bản tường trình, cô Thủy thừa nhận sai phạm, giải thích việc đặt ra hình phạt tát do áp lực thi đua. Đầu tháng 3.2019, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 6 nam sinh THPT trên địa bàn huyện để điều tra việc hiếp dâm tập thể đối với nữ sinh lớp 10.
 
T.Mai

Xem xét cách chức ban giám hiệu

Liên quan vụ nữ sinh Nguyễn Thị H.Y (Trường THCS Phù Ủng, H.Ân Thi, Hưng Yên) bị bạn bạo hành dã man, lột quần áo ngay tại lớp, sáng 31.3, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng đã yêu cầu xem xét quy trình cách chức ban giám hiệu nhà trường.
 
Thông tin được nêu trong buổi làm việc giữa cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ về sự việc. Chủ tịch tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh sẽ xem xét làm quy trình cách chức toàn bộ Ban giám hiệu, Chi ủy, Tổng phụ trách Đội, xem xét kỷ luật Hội đồng kỷ luật nhà trường vì bao che, nương nhẹ trong vụ việc này. Đối với GV chủ nhiệm, ông Phóng cho biết sẽ xem xét xử lý bằng hình thức nặng hơn vì không nắm được tâm tư, nguyện vọng, diễn biến tâm lý HS. Các HS tham gia đánh nữ sinh H.Y và các HS chứng kiến bạo hành nhưng không can ngăn, quay clip cũng sẽ bị xem xét hạnh kiểm.
 
Cũng tại cuộc họp này, trả lời câu hỏi của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về việc có nắm tâm tư nguyện vọng của HS, có hỏi han HS không, cô giáo chủ nhiệm lớp em H.Y cho biết: “Tôi cũng nắm rõ quy định của giáo dục, nhưng do lứa tuổi của các em suy nghĩ thay đổi theo từng ngày. Chính vì vậy, (tuy) tôi cũng thường xuyên trao đổi, gặp gỡ riêng với HS để tìm hiểu về tâm lý của các em, thường xuyên gặp gỡ ban cán sự lớp để nắm rõ tình hình của lớp… (nhưng) có một số em thì mạnh dạn tâm sự, một số em thì chưa dám tâm sự với cô giáo. Thậm chí về gia đình, bố mẹ là người thân, là người tiếp xúc với các em thường xuyên hơn cô giáo mà các em còn không tâm sự”. Đây được cho là lý do khiến em H.Y bị bắt nạt một thời gian dài nhưng không được ai hỗ trợ, giúp đỡ.
 
Cũng theo ông Phóng, Công an tỉnh Hưng Yên đã được chỉ đạo tăng cường lực lượng chuyên môn nghiệp vụ, phối hợp cùng H.Ân Thi vào cuộc điều tra và sớm làm rõ nguyên nhân vụ việc, cũng như sai phạm, trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xử lý. Lãnh đạo UBND tỉnh cam kết, nếu trên địa bàn xảy ra sự việc tương tự cũng sẽ xử lý nghiêm, và sự việc ở Trường THCS Phù Ủng là bài học cho tất cả các trường, GV trên địa bàn tỉnh.
 
Về chuyện nhanh ổn định việc học tập cho H.Y vì em đang ở năm cuối cấp và hiện ở lớp cũng đang có lịch thi, bà O., mẹ của H.Y, tâm tư: “Gia đình tôi cũng suy nghĩ rồi, trước hết cứ để cho con tư tưởng thoải mái. Tôi bảo cháu là con thích đi học thì con đi, còn không thì lưu lại 1 năm cũng được. Bây giờ tinh thần của cháu là quan trọng nhất. Cháu vẫn sợ lắm! Cháu bảo con đến lớp nhìn thấy chỗ ấy con sợ lắm. Các bạn cứ nhìn con, con sợ các bạn lại đánh con”. Hiện sức khoẻ của H.Y vẫn được các bác sĩ tại Bệnh viện Tâm thần kinh Hưng Yên theo dõi và hỗ trợ.
 
Vũ Hân – T.C

 

TUỆ NGUYỄN