Thiếu xăng RON95: Bộ nói đủ nguồn, doanh nghiệp bảo ‘đứt’
Bộ Công thương khẳng định hiện vẫn đủ nguồn cung xăng dầu nhưng thực tế tại một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở Hà Nội chỉ còn bán xăng E5RON92 và treo biển “chưa có xăng RON95”.
Thiếu xăng RON95: Bộ nói đủ nguồn, doanh nghiệp bảo ‘đứt’
Bộ Công thương khẳng định hiện vẫn đủ nguồn cung xăng dầu nhưng thực tế tại một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở Hà Nội chỉ còn bán xăng E5RON92 và treo biển “chưa có xăng RON95”.Một cửa hàng của Mipec trên đường Giải Phóng (Hà Nội) thông báo không còn bán xăng RON95 – Ảnh: CHÍ TUỆ
Doanh nghiệp đầu mối giảm nguồn cung xăng, chơi bài giá chiết khấu thấp đánh đố hệ thống, không khuyến khích người mua vì kinh doanh không còn hiệu quả.
Ông Nguyễn Đức Hạnh
Khảo sát của báo Tuổi Trẻ ngày 26-3, một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại Hà Nội đã dừng bán xăng RON95. Đáng chú ý là trong số các cửa hàng thông báo dừng bán xăng RON95, có cả cửa hàng trực thuộc một doanh nghiệp (DN) đầu mối nhập khẩu là Tổng công ty Xăng dầu quân đội (Mipec).
Tạm dừng bán
Tại cửa hàng xăng dầu của Mipec trên đường Giải Phóng ngày 26-3, theo ghi nhận, các cột bơm xăng trước đây bán xăng RON95 đã được thay thế bằng một tờ giấy A4 với thông tin bán xăng E5RON92. Để khách hàng nắm rõ hơn thông tin về việc tạm dừng bán xăng RON95, cửa hàng này còn cho nhân viên dán thông báo ở cửa hàng là “cửa hàng chưa có xăng RON95”.
Nhân viên ở đây cho biết tình trạng hết xăng RON95 diễn ra cả tuần nay. “Việc dừng bán xăng RON95 khiến doanh thu cửa hàng giảm mạnh tới 40 – 50% do nhu cầu mua xăng này lớn, nhiều người hỏi không có đều bỏ đi” – nhân viên kế toán của cửa hàng cho hay.
Một số cây xăng khác thuộc hệ thống Mipec tại đường Nguyễn Phong Sắc cũng không còn bán xăng RON95. Tại đây, toàn bộ thông tin ở các cột bơm xăng đã được thay thế bằng xăng E5RON92. Ngoài ra, một số cửa hàng của DN là thương nhân phân phối như Công ty xăng dầu HFC cũng phải tạm dừng kinh doanh xăng RON95 ở một số điểm bán.
Việc một số điểm bán xăng dừng bán xăng RON95 đã gây bất tiện cho người dân. Theo ông Hưng (Bạch Mai), ông thường mua xăng RON95 nhưng nhiều ngày nay cây xăng thông báo ngừng cung cấp RON95 nên ông phải đi xa hơn, đến một số cây xăng gần Giáp Bát hoặc Ngã Tư Sở để mua.
“Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nên cần đảm bảo nguồn cung ổn định” – ông Hưng nói.
Ông Đỗ Thắng Hải, thứ trưởng Bộ Công thương, tại buổi làm việc của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước ngày 26-3 cũng cho hay các DN xăng dầu đang phải lo nguồn cung khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn gặp trục trặc không đáp ứng đủ xăng dầu cho các đầu mối.
Bộ Công thương phải yêu cầu Petrolimex nhập ở nước ngoài về, thậm chí nhập với mức thuế cao hơn 20% để đảm bảo nguồn cung (nhập từ một số nguồn khác thuế chỉ 10% – PV).
Thiếu hàng hay găm hàng?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Duy Đông, vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương), tiếp tục khẳng định nguồn cung xăng dầu đảm bảo. Trên cơ sở phản ánh của báo Tuổi Trẻ, Bộ Công thương đã trực tiếp cho kiểm tra và chỉ đạo DN cần phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đủ hàng để đáp ứng yêu cầu thị trường.
“Bộ cũng đã chỉ đạo sẽ tăng cường kiểm tra giám sát, không để cây xăng găm hàng, bán hàng kém chất lượng. DN đầu mối là Mipec khẳng định có hàng, còn công ty thương nhân phân phối có nói khó khăn về RON95 một chút nhưng chúng tôi đã chỉ đạo đầu mối cấp đủ. Vừa rồi Nghi Sơn có xảy ra sự cố tạm thời trong vài ngày, nhưng đến nay đã cung cấp đủ dầu và ngày 28-3 sẽ cung cấp đủ xăng dầu” – ông Đông nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Tiu, tổng giám đốc Công ty xăng dầu Tự Lực 1, khẳng định đến nay việc mua xăng RON95 là “đứt nguồn” vì các đầu mối đều không có để mua.
Thực tế, nguồn cung xăng chỉ đủ cung ứng trong “hệ thống của DN đầu mối” đúng như phản ánh mà Bộ Công thương nêu, còn các đơn vị bên ngoài mua xăng rất khó khăn. Dẫn tới nhiều cửa hàng phải chuyển sang chỉ kinh doanh xăng E5 do không có nguồn xăng RON95.
Ông Nguyễn Đức Hạnh, giám đốc Công ty xăng dầu Hải Sơn, cũng khẳng định nguồn cung có giảm, nhưng vấn đề đau đầu nhất là mức chiết khấu giảm mạnh, chỉ còn vài trăm đồng, khiến các hệ thống phân phối kinh doanh không hiệu quả, nên không mặn mà nhập hàng để kinh doanh.
Nguyên nhân chính, ông Hạnh phân tích do kỳ điều hành ngày 18-3, cơ quan quản lý tiếp tục yêu cầu trích quỹ và vẫn xả quỹ có loại xăng tới 2.800 đồng/lít.
“Đúng như đại diện Hiệp hội Xăng dầu nêu trên báo, giá xăng không theo đúng cơ chế thị trường, điều hành quỹ bình ổn kiểu chơi trò ‘ú tim’ không rõ ràng, mang tính chủ quan. DN đầu mối giảm nguồn cung xăng, chơi bài giá chiết khấu thấp đánh đố hệ thống, không khuyến khích người mua vì kinh doanh không còn hiệu quả” – vị này cho hay.
Điều hành tránh giật cục
Theo một chuyên gia của Hiệp hội Xăng dầu VN, hiện nhiều DN đang âm quỹ bình ổn giá xăng dầu. Trong khi vẫn phải trích quỹ 300 đồng/lít và phải xả quỹ là 2.100 – 2.800 đồng/lít xăng bán ra, do đó DN xăng dầu phải lấy vốn hoặc đi vay ngân hàng để bình ổn giá. Như vậy, khó khăn dồn cho DN.
“Cơ chế điều hành giá xăng dầu trong lần điều hành vừa rồi là không theo tín hiệu của thị trường mà dùng mệnh lệnh hành chính” – chuyên gia nói và cho hay sức ép kìm giá đợt này khá căng thẳng nhưng dự báo đợt điều hành tới đây, giá xăng dầu trong nước sẽ khó tăng mạnh.
Theo kế hoạch, thứ năm tuần này, Ban điều hành giá của Chính phủ sẽ họp, hi vọng cơ quan quản lý sẽ có điều hành phù hợp.
Một cán bộ từng tham gia điều hành giá xăng dầu cho rằng việc giữ giá là tốt, nhưng phải hài hòa, tránh chi bình ổn ở mức quá cao, đến khi phải tăng có thể tăng mạnh. Đặc biệt, cần tránh thiếu hụt nguồn cung, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Ngừng bán xăng phải thông báo trước 30 ngày
Theo quy định của nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, các thương nhân kinh doanh xăng dầu phải kiểm soát cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của mình.
Trong đó, nếu ngừng bán hàng cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu, thương nhân phải thông báo bằng văn bản gửi đến sở công thương nơi cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu và ghi rõ lý do ngừng bán hàng. Đồng thời, chỉ được ngừng bán hàng khi được sở công thương chấp nhận bằng văn bản.
Về dự trữ xăng dầu, nghị định này cũng quy định thương nhân đầu mối xăng dầu phải bảo đảm dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng 30 ngày cung ứng. Việc kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các điều kiện và quy định trên trách nhiệm thuộc về Bộ Công thương.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia về xăng dầu, nghị định 83 cũng cho đại lý được quyền lựa chọn kinh doanh đồng thời xăng E5RON92 và RON95, hoặc một trong hai mặt hàng. Hết hàng, cửa hàng được phép thông báo.
NGỌC HIỂN – NGỌC AN
5.000 tỉ đồng tài trợ chuỗi kinh doanh Petrolimex và PVOil
Ngày 26-3, HDBank thông báo triển khai gói tài trợ chuỗi kinh doanh xăng dầu của Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) và Tổng công ty Dầu VN (PVOil) với tổng số vốn lên tới 5.000 tỉ đồng.
Theo HDBank, khách hàng doanh nghiệp là các tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối và đặc biệt là đại lý bán lẻ xăng dầu của Petrolimex và PVOil… có nhu cầu vay vốn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh xăng dầu đều có thể tiếp cận gói tài trợ ưu đãi này.
HDBank cho hay gói tài trợ chuỗi kinh doanh xăng dầu của Petrolimex và PVOil là mốc đánh dấu việc cấp tín dụng ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu của ngân hàng này. Lãi suất được đưa ra từ 7,2%/năm; cấp tín dụng không tài sản bảo đảm lên tới 1 tỉ đồng/cửa hàng và 5 tỉ đồng/đại lý.