24/01/2025

Nguy cơ căng thẳng từ dầu cọ

Malaysia và Indonesia cảnh báo sẽ có biện pháp trả đũa nếu EU cấm sử dụng dầu cọ vào năm 2030.

 

Nguy cơ căng thẳng từ dầu cọ

Malaysia và Indonesia cảnh báo sẽ có biện pháp trả đũa nếu EU cấm sử dụng dầu cọ vào năm 2030.
 
 
 
 

Thu hoạch trái dầu cọ ở Sumatra, Indonesia
 /// Ảnh: Reuters

Thu hoạch trái dầu cọ ở Sumatra, Indonesia  ẢNH: REUTERS

 
Uỷ ban Châu Âu (EC) hồi giữa tháng 3 đề xuất đạo luật phân loại dầu cọ là “sản phẩm không bền vững” và cấm sử dụng mặt hàng này làm nguyên liệu thô trong sản xuất nhiên liệu sinh học. Đạo luật sẽ được trình lên Nghị viện Châu Âu vào tháng 4.2019 để quyết định có thực thi hay không, theo Bloomberg. Vào năm ngoái, EU đã nhất trí với kế hoạch hạn chế sử dụng dầu cọ từ năm 2019, loại bỏ dần vào năm 2023 và tiến tới cấm hoàn toàn vào năm 2030. Trong những năm gần đây, EU cùng giới chuyên gia và các tổ chức bảo vệ môi trường cảnh báo hoạt động sản xuất dầu cọ dẫn đến tàn phá rừng, bao gồm tình trạng đốt rừng ở Sumatra (Indonesia) và dẫn đến những làn khói mù độc hại lan sang nhiều nước láng giềng trong mùa khô.
 

Ngay lập tức, 2 nhà cung cấp dầu cọ lớn nhất thế giới là Malaysia và Indonesia đã có phản ứng mạnh, cảnh báo hàng triệu nông dân sẽ mất đi sinh kế nếu EU chấm dứt nhập hàng. Cả hai nước này, chiếm 85% thị trường dầu cọ, đe dọa sẽ có biện pháp trả đũa, bao gồm tẩy chay hàng hóa châu Âu và kiện EU lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

 
Hồi cuối tuần, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad thậm chí tuyên bố nước này có thể tẩy chay máy bay chiến đấu của EU. Malaysia hiện đang cân nhắc mua chiến đấu cơ Rafale (Pháp) hoặc Eurofighter Typhoon của liên doanh một số nước châu Âu. Tuy nhiên, AFP dẫn lời ông Mahathir nhấn mạnh: “Nếu EU kiên quyết có hành động chống lại Malaysia, chúng tôi sẽ cân nhắc mua chiến đấu cơ từ Trung Quốc hoặc quốc gia khác”. Mặc dù vậy, nhà lãnh đạo cũng nói ông “không tuyên chiến” với EU vì nhiều thành viên trong khối là đối tác thương mại hàng đầu của Malaysia. Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh Malaysia đang tổ chức Triển lãm quốc phòng quốc tế 2019 từ ngày 25 – 29.3 với sự tham dự của nhiều nhà sản xuất khí tài trên thế giới.
 

Về phía Indonesia, trả lời phỏng vấn tờ South China Morning Post, Bộ trưởng điều phối chính sách về biển Luhut Pandjaitan cảnh báo lệnh cấm của EU nếu được thực thi sẽ hủy hoại đời sống của hàng triệu người dân nước này. “Nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo nhờ dầu cọ. Động thái của EU sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ nghèo, hủy hoại sinh kế nhiều người”, ông Luhut khẳng định. Ngoài ra, vị bộ trưởng này còn cáo buộc EU phân biệt đối xử khi từ chối dầu cọ nhưng lại chấp thuận sử dụng đậu nành trong sản xuất nhiêu liệu sinh học. “Đậu nành sử dụng đất canh tác gấp 10 lần so với cây dầu cọ, tức phải phá rừng nhiều hơn”, theo ông. Bộ trưởng Luhut đồng thời cảnh báo Indonesia sẽ cân nhắc biện pháp trả đũa bao gồm cấm nhập khẩu sản phẩm từ châu Âu như máy bay, xe và các mặt hàng khác.

 
Hôm qua, Tổ chức phi chính phủ RSPO (trụ sở tại Thụy Sĩ) chuyên về chứng nhận sản xuất dầu cọ bền vững bày tỏ hoài nghi về kế hoạch của EU. “Tất cả dầu cọ EU nhập khẩu có nguồn gốc từ Malaysia, Indonesia và đều được chúng tôi chứng nhận đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất bền vững. Kế hoạch của EU có thể xuất phát từ động cơ chính trị hơn là bảo vệ môi trường”, cố vấn RSPO Mavath R.Chandran cho hay. “Hoạt động trồng đậu nành cũng gây phá rừng nghiêm trọng ở Nam Mỹ. Điều này đồng nghĩa cả khu rừng Amazon sẽ bị huỳ hoại hoàn toàn nếu muốn đáp ứng đủ nhu cầu nhiêu liệu sinh học của EU”, ông Chandran lưu ý.
 
Một điều đáng chú ý là hồi tháng 1.2019, bất chấp cảnh báo từ các chuyên gia và tổ chức bảo vệ môi trường, EC kết luận đậu nành của Mỹ là sản phẩm bền vững, có thể được dùng trong sản xuất nhiên liệu sinh học ở EU cho đến ngày 1.7.2021 và có thể tiếp tục gia hạn. Reuters dẫn lời các nhà quan sát đánh giá đây là một phần trong nỗ lực của EU nhằm xoa dịu căng thẳng thương mại với Mỹ.
 
 
 
PHÚC DUY