24/01/2025

Tập đoàn công nghiệp ‘nhảy’ vào nông nghiệp

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khuyến khích thực tế trên và cho rằng việc tham gia này là sự đảo chiều dòng vốn có tính chiến lược, tạo đột phá về năng suất, giá trị sản xuất.

 

Tập đoàn công nghiệp ‘nhảy’ vào nông nghiệp

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khuyến khích thực tế trên và cho rằng việc tham gia này là sự đảo chiều dòng vốn có tính chiến lược, tạo đột phá về năng suất, giá trị sản xuất.


 

 

Tập đoàn công nghiệp nhảy vào nông nghiệp - Ảnh 1.

Khởi động dự án khu công nghiệp phục vụ nông – lâm nghiệp và khu cơ khí của Thaco – Ảnh: LÊ TRUNG

Nội dung trên được đưa ra ở sự kiện khởi công bốn dự án chiến lược của Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco) tại Quảng Nam ngày 24-3.

Mở đường đi bài bản cho nông sản

Lô hàng trái cây đầu tiên hơn nửa triệu USD được Thaco xuất khẩu từ cảng Chu Lai (Quảng Nam) sang Trung Quốc sáng 24-3 đã đánh dấu mốc đầu tiên của doanh nghiệp chuyên về công nghiệp này sau khi đầu tư vào nông nghiệp. 

Những ngày này, cả một vùng rộng lớn ở Chu Lai nhộn nhịp hơn khi khu công nghiệp phục vụ nông – lâm nghiệp, khu công nghiệp cơ khí ôtô Chu Lai, khu cảng mở rộng, nâng cấp… được triển khai.

Từ tiền đề có sẵn, Thaco tiếp tục đầu tư thêm dự án khu công nghiệp nông – lâm nghiệp với diện tích 451ha, tổng vốn 8.118 tỉ đồng. 

Khu công nghiệp chuyên nông nghiệp tập trung trước mắt sẽ giải quyết nguồn nguyên liệu cây ăn trái và cây lâm nghiệp, từ đó thực hiện chuỗi giá trị xuyên suốt từ nghiên cứu phát triển giống cây trồng, công nghệ và kỹ thuật canh tác, thu hoạch, chế biến và phân phối. Qua đó phát triển vùng trồng nguyên liệu cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Lào và Campuchia.

Chủ tịch HĐQT Thaco Trần Bá Dương cho rằng một khi khu công nghiệp nông – lâm nghiệp vận hành sẽ là nơi thu hút các nhà đầu tư là đầu mối sơ chế và cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất đồ gỗ, thông qua việc nhập khẩu và phát triển vùng trồng nguyên liệu tại miền Trung, Tây Nguyên của VN, Lào và Campuchia.

Ông Dương nhấn mạnh dự án khu công nghiệp cơ khí và ôtô mở rộng có diện tích 115ha, tổng vốn đầu tư cho hạ tầng là 1.600 tỉ đồng sẽ thu hút, tiếp tục phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm giảm giá thành và gia tăng tỉ lệ nội địa hóa cho ôtô du lịch đạt trên 40%, đáp ứng điều kiện để xuất khẩu sang các nước ASEAN vào năm 2020. Trong dự án lớn này cũng sẽ phát triển các ngành cơ khí nông nghiệp, cơ khí thiết bị công nghiệp dựa trên nền tảng của cơ khí ôtô.

“Điều quan trọng nhất là chuỗi dự án này sẽ tạo ra một hệ sinh thái công – nông – lâm nghiệp đồng bộ, bổ trợ lẫn nhau trong chuỗi giá trị. Góp phần đưa ngành nông – lâm nghiệp VN đứng vào top 15 nước phát triển nhất thế giới” – ông Dương nói.

Cần “con sếu đầu đàn”

Phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng những gì đang diễn ra ở Chu Lai cho thấy tinh thần đổi mới sáng tạo mang lại những thành quả tích cực. Trong đó yếu tố quan trọng là địa phương đã có những “con sếu đầu đàn” dẫn dắt, dám nghĩ dám làm.

Thủ tướng đang hình dung rõ ràng một Chu Lai không chỉ là khu cơ khí, sản xuất ôtô nổi tiếng, mà trong tương lai gần sẽ đóng góp quan trọng đưa VN trở thành trung tâm đồ gỗ nội thất của thế giới. Và một Chu Lai khởi nghiệp trở thành trung tâm chế biến nông – lâm sản chất lượng cao của cả nước, có khả năng vươn tới những thị trường tiêu dùng có sức cầu lớn ở các nước ASEAN, G7…

Thủ tướng cũng khẳng định sự tham gia của các tập đoàn công nghiệp vào nông nghiệp sẽ đóng góp nền tảng quản trị, sản xuất quy mô lớn, khả năng ứng dụng công nghệ, tư duy sản phẩm, năng lực tiếp cận thị trường, từ đó có thể giải được bài toán được mùa mất giá, được giá mất mùa. 

“Đây cũng là thực tiễn thành công trong nông nghiệp công nghệ cao, đi vào chế biến sâu của các tập đoàn hàng đầu châu Á, trong đó có Samsung, Hyundai, Thaco…” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

6 bài học thành công

Từ sự thành công của Khu kinh tế mở Chu Lai, một vùng đất cằn cỗi hoang hóa nay giá trị sản xuất của Thaco đạt gần 42.000 tỉ đồng, tạo việc làm cho gần 9.000 người, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khái quát và cho rằng có sáu điểm cần đúc rút.

Trong đó ông cho rằng tài nguyên không nằm dưới lòng đất, ngoài biển khơi, mà trong khối óc và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, khát vọng vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Tiếp theo, muốn thành công, địa phương cần vận động được những “con sếu đầu đàn”, có khả năng đi trước dẫn đường. Con sếu đó phải là những nhà đầu tư giàu nghị lực, quyết tâm, sở hữu tiềm lực tài chính, có tinh thần dân tộc, có tầm nhìn xa…

Thủ tướng nhấn mạnh địa phương phải luôn đồng hành sát cánh cùng nhà đầu tư, coi uy tín doanh nghiệp là uy tín chính mình.

Nhà đầu tư cũng cần xây dựng cho mình tư tưởng tương tự, một tinh thần tự cường vươn lên khắc phục mọi khó khăn để tiến bước.

Chìa khóa để thực hiện được điều này là công thức “3 bên cùng thắng” (người dân – chính quyền – doanh nghiệp).

Theo Thủ tướng, trong mọi đột phá về chiến lược thì đột phá về thể chế chính sách luôn là tiên quyết.

Chờ cú hích từ nhà sản xuất nội địa

Nhiều doanh nghiệp (DN) quan tâm đến việc đầu tư vào sản xuất cơ khí nông nghiệp của Thaco.

Theo một số DN kinh doanh máy nông nghiệp ở ĐBSCL, các sản phẩm cơ khí nông nghiệp của VN mới dừng lại ở việc chế tạo máy kéo phục vụ sản xuất lúa, còn cho sản xuất các cây trồng khác hầu như vẫn để trống.

Bộ NN&PTNT cho biết có tới 80% máy móc nông nghiệp ở VN là hàng nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan…

Theo ông Vũ Văn Ngọc – giám đốc Công ty cổ phần BMC (Đức Hoà, Long An), các năm 2015-2017, tốc độ phát triển thị trường máy nông nghiệp lên đến 30-40%/năm. Cùng với tích tụ ruộng đất, mở rộng xuất khẩu, giá nhân công ngày một cao, việc ứng dụng máy móc trong nông nghiệp tại VN là xu hướng tất yếu và đây là thị trường còn nhiều tiềm năng.

Ông Ngọc cho hay hàng Trung Quốc đang chi phối thị trường máy nông nghiệp VN. DN trong nước sản xuất máy nông nghiệp ngày càng giảm vì không thể cạnh tranh.

“Phải có những DN tiềm lực lớn để đầu tư vào ngành phụ trợ cho máy nông nghiệp thì ngành này mới cạnh tranh được” – ông Ngọc kỳ vọng.

 

THÁI BÁ DŨNG – LÊ TRUNG – T.MẠNH