19/11/2024

Lúng túng về điểm sàn xét tuyển

Dù quy chế tuyển sinh chính thức đã ban hành nhưng một số điểm mới về ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu với nhóm ngành sức khoẻ bằng phương thức học bạ vẫn khiến nhiều trường băn khoăn.

 

Lúng túng về điểm sàn xét tuyển

Dù quy chế tuyển sinh chính thức đã ban hành nhưng một số điểm mới về ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu với nhóm ngành sức khoẻ bằng phương thức học bạ vẫn khiến nhiều trường băn khoăn.


 

Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học vào Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM 
 /// Ảnh: Ngọc Dương

Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học vào Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM  ẢNH: NGỌC DƯƠNG

 
Ngày 21.3, Bộ GD-ĐT tổ chức tập huấn về nghiệp vụ tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và công tác tuyển sinh ĐH; tuyển sinh CĐ, TC nhóm ngành đào tạo giáo viên năm 2019 tại TP.HCM. Tham dự có đại diện các trường ĐH, CĐ và TC nhóm ngành đào tạo giáo viên trong cả nước.

Nhiều trường hợp chưa tính tới

 
 
Thí sinh bị điểm liệt vẫn đỗ tốt nghiệp ?
Thạc sĩ Lê Văn Hiển cho biết Trường ĐH Luật TP.HCM từng phát hiện một thí sinh có điểm thi bị liệt không được xét công nhận tốt nghiệp nhưng sở GD-ĐT vẫn cấp giấy chứng nhận kết quả thi để thí sinh tham gia xét tuyển vào trường.
 
Lý giải hiện tượng này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), khẳng định tốt nghiệp THPT là điều kiện cần và bắt buộc trước khi đến tuyển sinh. Sự cố như Trường ĐH Luật TP.HCM gặp phải, là bài toán thời gian trường lấy dữ liệu, nếu ở thời điểm giữa trước và sau khi công bố kết quả phúc khảo thì dữ liệu có thể đã được cập nhật. Ông Trinh khẳng định: “Cơ sở dữ liệu để tuyển sinh chỉ gồm thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp”.

 

Phát biểu tại hội nghị, đại diện Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Cửu Long hỏi: “Trường xét tuyển bằng học bạ vào một ngành sức khỏe bằng 4 tổ hợp, vậy ngưỡng nhận hồ sơ tối thiểu của trường với ngành này là học lực khá, giỏi hay có cần quan tâm tới điểm trung bình chung 3 môn trong tổ hợp xét tuyển?”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên viên Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), giải thích năm 2019 quy định ngưỡng điểm tối thiểu áp dụng với 12 ngành sức khỏe. Trong đó, với kết quả thi quốc gia thực hiện theo ngưỡng điểm của Bộ sau khi có kết quả thi. Trường xét tuyển hoàn toàn bằng học bạ, yêu cầu phải có học lực giỏi hoặc khá tùy ngành. Trường hợp sử dụng kết hợp giữa điểm thi THPT quốc gia với học bạ hoặc tiêu chí khác thì môn tính theo điểm thi phải theo ngưỡng quy định, ví dụ ngưỡng 18 điểm 3 môn thì 1 môn phải đạt 6 điểm trở lên; môn xét theo học bạ thì trung bình chung phải đạt 8 điểm.
 
“Tôi biết băn khoăn của trường ở đây là xác định ngưỡng theo quy định học lực hay điểm trung bình theo tổ hợp từng năm. Hai mức điểm này khác nhau, nhưng năm nay các trường không cần quy định điểm trung bình các môn theo tổ hợp với phương thức xét tuyển hoàn toàn dựa vào học bạ mà chỉ cần học lực giỏi hoặc khá lớp 12 với nhóm ngành này”, ông Hùng khẳng định.
 
Thạc sĩ Võ Hoàng Sơn, Trưởng phòng Tuyển sinh và liên kết đào tạo Trường ĐH Buôn Ma Thuột, băn khoăn về ngưỡng tối thiểu khi xét tuyển sinh viên đã tốt nghiệp ĐH và học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh vào các ngành sức khỏe. Ông Sơn đặt câu hỏi: “Xét tuyển sinh viên đã tốt nghiệp ĐH các ngành gần vào ngành y dược, các sinh viên này không dự thi THPT quốc gia thì xét học bạ cũ được không?”.
 
Trường hợp này đã khiến ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng lúng túng khi cho rằng: “Đây thực sự là một câu hỏi khó vì hiện quy chế không có quy định loại đối tượng này. Thí sinh đã tốt nghiệp ĐH không thi THPT quốc gia thì có thể xếp vào xét học bạ nhưng xét học bạ mà chỉ yêu cầu điểm trung bình 3 môn theo tổ hợp đạt 8 thì có thể không được vì quy chế yêu cầu phải có học lực giỏi”.

Bắt buộc xét kết quả thi chung một đợt

Theo thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM, có ý kiến không đồng tình với quy định của Bộ yêu cầu các trường có sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia phải thực hiện chung thời gian xét tuyển với các trường khác. Trường này mong muốn cho phép được thực hiện xét tuyển thí sinh vào trường theo mốc thời gian như trước đây, gọi thí sinh trúng tuyển trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng để tăng cơ hội cho thí sinh không có nguyện vọng vào trường có thể tham gia xét tuyển vào các trường khác.
 
Tuy nhiên, theo ông Nghệ, Bộ ban hành văn bản phải áp dụng chung cho toàn hệ thống không nhắm vào trường nào và phải xuất phát từ thực tế. “Những trường tham gia sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia đều phải thực hiện chung đợt xét tuyển, nếu cho phép Trường ĐH Luật TP.HCM thì sẽ có thêm trường khác”, ông Nghệ kết luận.
 
Công bố kết quả thi THPT vào ngày 15.7
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), kết quả thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ công bố muộn hơn năm 2018. Tuy nhiên, lịch tuyển sinh chỉ chậm hơn 2 ngày so với năm ngoái nên không ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của các trường.
 
Theo dự thảo hướng dẫn thực hiện quy chế thi và xét công nhận tốt nghiệp, chậm nhất ngày 13.7, các hội đồng thi xuất kết quả chấm thi từ phần mềm hỗ trợ chấm thi do Bộ cung cấp ra 2 đĩa, một đĩa lưu tại sở GD-ĐT theo chế độ mật và một đĩa gửi bảo đảm ở chế độ mật về Cục Quản lý chất lượng để cập nhật kết quả vào phần mềm quản lý thi.
 
Hoàn thành việc đối sách kết quả thi chậm nhất ngày 13.7. Hội đồng thi công bố và thông báo kết quả cho thí sinh vào ngày 15.7. Trên cơ sở đó, kết quả xét công nhận tốt nghiệp chậm nhất ngày 19.7.

 

HÀ ÁNH