24/12/2024

Doanh nghiệp vận tải bức xúc về phí, hàng quá tải

Chiều 22.3, Hội nghị triển khai nhiệm vụ 2019 và đối thoại của Sở Giao thông vận tải TP.HCM với Hiệp hội vận tải hàng hoá TP.HCM thu hút khá đông doanh nghiệp.

 

Doanh nghiệp vận tải bức xúc về phí, hàng quá tải

Chiều 22.3, Hội nghị triển khai nhiệm vụ 2019 và đối thoại của Sở Giao thông vận tải TP.HCM với Hiệp hội vận tải hàng hoá TP.HCM thu hút khá đông doanh nghiệp.


 
 
Doanh nghiệp kiến nghị giảm phí bảo trì đường bộ /// Gia Khiêm

Doanh nghiệp kiến nghị giảm phí bảo trì đường bộ GIA KHIÊM

 
Không chạy cũng phải đóng phí
Trình bày tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp vận tải kiến nghị điều chỉnh lại mức thu phí bảo trì đường bộ. Cụ thể, các công ty vận tải hiện nay đang phải đóng phí bảo trì đường bộ theo chu kỳ đăng kiểm, từ 6 tháng đến 30 tháng, hoặc theo năm dương lịch. Doanh nghiệp có số phí phải nộp từ 30 triệu đồng/tháng trở lên mới được nộp phí theo tháng. Ví dụ xe ô tô đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 40.000 kg trở lên phải đóng là phí 8,58 triệu đồng/6 tháng; 17,16 triệu đồng/12 tháng… 40,24 triệu đồng/30 tháng.
 

Các doanh nghiệp cho rằng số phí phải đóng này rất lớn. Tuy nhiên, các công ty lại không thể cho xe hoạt động hết khoảng thời gian đã đóng vì những lý do như nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ, nghỉ tết… hoặc không có hàng hóa để vận chuyển. Như vậy, việc thu phí chung một lần 6 tháng trở lên là bất lợi cho các doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn rất khó khăn như hiện nay. Vì vậy các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan quản lý xem xét điều chỉnh giảm số tiền thu phí bảo trì đường bộ phù hợp hơn với số ngày xe lưu hành, đảm bảo tính công bằng, xác đáng trong việc thu phí.

 
Xe quá tải tái diễn
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phản ánh việc thực hiện chủ trương thu phí điện tử không dừng đã đề ra nhiều năm nay nhưng hiện tại khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận chỉ có ít trạm. Các doanh nghiệp đề nghị cần nhanh chóng thực hiện việc thu phí điện tử không dừng trên toàn quốc để minh bạch hoá và tránh thất thu. Việc này cũng sẽ hỗ trợ giảm ùn tắc giao thông, kẹt xe và nguy cơ cướp giật…
 
Song song đó, các đơn vị cũng phản ánh việc phương tiện sang tải, chở hàng quá tải vẫn diễn ra trên diện rộng và phức tạp hơn trước. Tình trạng này chủ yếu tập trung xung quanh các cảng Cát Lái, quận 2, quận 9. Nhận thấy việc chở hàng quá tải ảnh hưởng rất lớn đến kết cấu hạ tầng giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn, gây bức xúc trong dư luận xã hội, thể hiện sự cạnh tranh không công bằng giữa các doanh nghiệp. Trước tình hình đó, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị cần tăng cường công tác thanh kiểm tra tại các tuyến đường chính ra vào cảng, kho bãi. Khi phát hiện tình trạng sang tải, chở quá tải cần xử lý nghiêm theo quy định. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu ký cam kết kiên quyết không cho xe chở vật liệu quá tải trọng vào công trường. Bản thân các quận huyện tổ chức rà soát, thống kê số lượng phương tiện trên địa bàn. Cần quy trách nhiệm cho lãnh đạo đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm soát tải trọng nếu không hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời người đứng đầu của đơn vị phải cùng chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng chở hàng quá tải.
 
Ông Đinh Nam Dinh, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nhận xét nếu theo quyết định của Thủ tướng, từ đầu năm 2019 đều thực hiện thu phí điện tử ở các trạm thu phí BOT. Nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Theo ông Dinh, vướng mắc lớn nhất là chứng từ như thế nào khi phí BOT chiếm 8-12% chi phí của doanh nghiệp? Chứng từ thu phí điện tử hợp pháp nhưng chưa hợp lệ để các doanh nghiệp khai báo khấu trừ thuế. “Hiện tượng chở hàng quá tải, sang hàng đã nói rất nhiều nhưng việc thực hiện là đầu voi đuôi chuột. Thanh tra của Sở Giao thông vận tải nói là do lực lượng mỏng nhưng theo tôi chưa đúng. Nếu như đưa vào những điểm “nóng” thì chắc chắn sẽ hạn chế hoặc chấm dứt được tình trạng này”, ông Đinh Nam Dinh nhấn mạnh.
 
 
MAI PHƯƠNG