|
|
Theo tờ South China Morning Post dẫn khảo sát của Công ty đường sắt Heathrow Express ở Anh, những người đi làm trễ đã khiến nền kinh tế nước này thiệt hại đến 9 tỉ bảng (khoảng 275.000 tỉ đồng)/năm. Hơn một nửa số người được khảo sát thừa nhận họ thường xuyên trễ giờ làm và giờ họp. Một nghiên cứu khác của tạp chí Inc cho thấy việc trễ giờ làm ở Mỹ gây thiệt hại hằng năm lên đến 1 tỉ USD (23.200 tỉ đồng) tại bang California và 700 triệu USD tại bang New York.
|
|
|
Tại Nhật Bản, tính đúng giờ luôn được coi là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu, đặc biệt với những người đi làm và đi học. Ngay cả trong các quan hệ xã hội, hiếm khi có người trễ hẹn nếu không muốn bị coi thường hay thậm chí cắt đứt quan hệ. Nhiều trường hợp trễ chỉ vài phút hay vài chục giây cũng trở thành thông tin chấn động. Điển hình là vụ Bộ trưởng Olympic Yoshitaka Sakurada đến dự họp quốc hội trễ 3 phút vào tháng trước. Vụ việc “gây sốc” đến mức phe đối lập tổ chức biểu tình suốt nhiều giờ liền để phản đối, trong khi dư luận tỏ ra rất bức xúc. Theo BBC, dưới áp lực ngày càng tăng, ông Sakurada buộc phải đưa ra lời xin lỗi.
Trong một trường hợp khác, Công ty đường sắt Đông Nhật Bản năm ngoái phải xin lỗi sau khi một chuyến tàu rời ga sớm 25 giây. Vụ việc được báo chí trong nước đưa tin rầm rộ và công ty này phải thừa nhận đã phạm sai sót lớn. “Sự bất tiện lớn mà chúng tôi gây ra cho khách hàng thực sự không thể tha thứ được”, đại diện công ty phát biểu khi cúi đầu xin lỗi.
Đúng giờ thật ra không phải là đặc tính bẩm sinh của người Nhật. Sĩ quan Willem Huyssen van Kattendijke, thuộc hải quân Hà Lan từng ở Nhật vào năm 1858, viết trong nhật ký rằng “người Nhật làm gì cũng trễ và lười đến ngạc nhiên”. Ông đưa ra ví dụ về việc xe lửa khi đó thường trễ đến 20 phút. Tuy nhiên, theo tạp chí East Asian Science, Technology and Society, Cải cách Minh Trị (1868 – 1912) đã hình thành văn hóa đúng giờ, giúp đất nước tiến lên xã hội công nghiệp hiện đại, với việc áp dụng tiên phong trong các công xưởng, trường học và ngành đường sắt. Vào thời này, đồng hồ đeo tay bắt đầu thịnh hành và khái niệm mỗi ngày có 24 giờ trở nên phổ biến, trong khi ngày càng nhiều người nhận ra “thời gian là tiền bạc”. Đến khoảng năm 1920, đúng giờ là chủ đề quan trọng trong các chính sách tuyên truyền ở Nhật. Các tấm áp phích xuất hiện khắp nơi, hướng dẫn phụ nữ cách tự làm kiểu tóc nhanh gọn trong 5 phút.
Tuy nhiên, Giáo sư Mieko Nakabayashi tại Đại học Waseda thừa nhận không phải lúc nào tính đúng giờ cũng đem lại hiệu quả. Vào năm 1990, một học sinh 15 tuổi bị chèn chết khi cố chen qua cổng trường đang đóng vào đúng 8 giờ 30. Khi đó, nhà trường thường phạt học sinh trễ học chạy quanh sân và ghi lại sai phạm để đánh giá khi thi vào đại học. Sau vụ việc, giáo viên bấm nút đóng cổng bị buộc thôi việc và dư luận bắt đầu có nhiều tranh cãi về tính đúng giờ đến mức máy móc. Trong khi đó, thói quen này cũng không phải luôn hiệu quả tại các công ty, cơ quan. “Các cuộc họp đôi khi kéo dài đến hết giờ dự kiến dù không còn ai đóng góp ý kiến hiệu quả”, theo Giáo sư Nakabayashi.
Việc quá chú trọng về giờ bắt đầu làm việc trong khi nhiều công ty thường buộc nhân viên làm quá giờ mà không tăng lương cũng ảnh hưởng đến chất lượng sống. Theo ông Yukio Kodata, người Canada gốc Nhật hiện làm việc tại Tokyo, người dân xứ sở hoa anh đào thường có xu hướng làm theo số đông dù thích hay không. “Nhiều bạn bè tôi từ Canada đến và không muốn quay lại. Họ thích ẩm thực và dịch vụ giải trí tại đây nhưng không muốn trở lại thăm hay làm việc”, tờ South China Morning Post dẫn lời ông Kodata kể.
KHÁNH AN