Giảm 3% chỉ tiêu vào công lập so với năm trước
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, số lượng học sinh (HS) đang học lớp 9 năm học 2018 – 2019 vào khoảng 101.000 em, tương đương năm học trước. Trong khi đó, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới, lãnh đạo sở này cho hay TP thực hiện theo lộ trình phân luồng sau THCS, tỷ lệ HS vào học lớp 10 công lập sẽ còn 73%, tức giảm 3% so với kỳ tuyển sinh trước để đạt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ HS vào trường THPT công lập là 70% và phân luồng là 30%.
Như vậy, khi thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh là 73% thì có khoảng 27% trong tổng số HS lớp 9 có thể sẽ học ở các mô hình khác ngoài THPT công lập, chẳng hạn như giáo dục thường xuyên (GDTX), trường THPT tư thục, trung cấp nghề…
Xóa bỏ sự khác biệt giữa các hệ đào tạo
Ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD Q.Tân Phú, nhận định đây là cơ hội để các trung tâm GDTX thu hút HS. Ở các trường THCS, vào khoảng đầu tháng 4, giáo viên lớp 9 làm công tác tư vấn chọn nguyện vong cho HS phù hợp với năng lực vào hoàn cảnh gia đình. Qua nhiều năm, việc HS chưa mặn mà với GDTX, theo ông Tân, không thể đổ lỗi hết cho tâm lý phụ huynh hay sự phân biệt, coi nhẹ mô hình đào tạo từ xã hội.
Trước vấn đề này, bà Trần Thị Huyền, Giám đốc Trung tâm GDTX Q.12, cho biết từ quy định thí sinh học phổ thông và GDTX cùng thi chung đề THPT quốc gia nên các trung tâm GDTX phải tập trung nâng cao chất lượng để thu hút HS. Điều này không chỉ thể hiện qua tỷ lệ tốt nghiệp, tỷ lệ vào học tại các trường ĐH, CĐ mà còn phải tăng cường các hoạt động giáo dục như trải nghiệm, kỹ năng sống trong nhà trường. Bà Huyền cho hay, mọi hoạt động đều phải hướng chung một mục tiêu là không có sự khác biệt giữa các hệ để HS thấy tự tin, tự hào với môi trường GDTX cũng như HS các trường phổ thông khác.
Tương tự, ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An, cũng nhìn nhận, muốn thu hút người học thì mô hình này phải giải quyết được 2 vấn đề: việc làm cho HS và sự phân biệt trong xã hội. Ông Hoàng cho rằng hiện nay cử nhân ra trường cũng thất nghiệp nhưng vẫn “được tiếng” hơn HS học nghề.
Tận dụng cơ hội từ tỷ lệ phân luồng nói trên, ông Hoàng cho hay định hướng xây dựng Trung tâm Chu Văn An thành mô hình trường phổ thông nghề thông qua mô hình HS vào học sẽ được trang bị kiến thức của 8 môn cơ bản của chương trình phổ thông, trang bị chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, chứng chỉ tin học để có thể trở thành nhân lực cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đổi mới giảng dạy, tìm việc làm
Bên cạnh đó, các trung tâm GDTX đang hướng đến mục tiêu sẽ tìm kiếm cơ hội hơp tác, kết hợp với các doanh nghiệp đặt hàng nhân lực và tổ chức liên kết đào tạo với các trường đào tạo nghề có chất lượng. Thêm vào đó, ông Hoàng cho biết Trung tâm Chu Văn An đang chuẩn bị đầu tư phòng thực hành mô phỏng nghề nghiệp để HS học, thực hành. Nhà trường chủ động thay đổi hình thức đánh giá truyền thống với bài kiểm tra kiến thức bằng việc thực hành trong phòng thực hành để HS thấy không nhàm chán như học “chay” trước đây.
Có lãnh đạo GDTX còn “bật mí” chiêu tận dụng, tìm hiểu nhu cầu tìm kiếm nhân lực của một số phụ huynh đang kinh doanh, sản xuất. Thuyết phục các vị phụ huynh này, thay vì tuyển rộng rãi thì ưu tiên “con em trong nhà” để các em có cơ hội thực hành, thực tập. Chẳng hạn, HS lớp 12 có thể tham gia làm thêm ngoài giờ học với thời gian biểu phù hợp để vừa học vừa làm.
Còn ông Lâm Kế Chi, Phó giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX Q.1, cho hay ngoài học chương trình phổ thông, học trò có thể lựa chọn các khoá đào tạo nghề ngắn hoặc dài hạn để có thể theo làm một nghề nào đó sau khi tốt nghiệp.
Ngoài ra, ông Đỗ Minh Hoàng chia sẻ, trong quá trình học từ lớp 10 đến lớp 12, nhà trường ký kết với một số trường cao đẳng, trung cấp nghề trong và ngoài nước để HS có thể học và hoàn thành một số tín chỉ, chứng chỉ trong quá trình học phổ thông nhằm giúp rút ngắn thời gian học cao đẳng, trung cấp.
BÍCH THANH