20/11/2024

Tuyển sinh lớp 10: khi nào thầy trò thôi ‘phát sốt’ vì thi?

Mỗi năm, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 lại có ít nhiều thay đổi từ môn thi đến cấu trúc đề thi và hình thức thi. Thầy cô, cha mẹ lại đi tìm đề thi mẫu, con trẻ lại căng mình tăng tốc luyện thi.

 

Tuyển sinh lớp 10: khi nào thầy trò thôi ‘phát sốt’ vì thi?

Mỗi năm, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 lại có ít nhiều thay đổi từ môn thi đến cấu trúc đề thi và hình thức thi. Thầy cô, cha mẹ lại đi tìm đề thi mẫu, con trẻ lại căng mình tăng tốc luyện thi.
 
 
 
 
 

Tuyển sinh lớp 10: khi nào thầy trò thôi phát sốt vì thi? - Ảnh 1.

Một tiết học môn lịch sử tại trường THCS – Ảnh: TRẦN ANH

Nhiều năm qua, ngoài môn ngoại ngữ, vẫn có nhiều tỉnh chọn một trong các môn vật lý, hóa học, sinh học… là môn trong kỳ thi tuyển vào lớp 10. Năm nay, Hà Nội chọn môn lịch sử, có gì lạ, có gì đáng lo đến mức phụ huynh và thầy – trò – cha mẹ đều phát “sốt” với cuộc chạy đua ôn… sử.

Môn sử và các môn xã hội ở hầu hết các trường THCS vẫn được dạy theo kiểu đọc – chép, học thuộc lòng câu chữ lê thê, kiểm tra theo kiểu tự luận. Đến năm lớp 9, chưa bao giờ nghe chuyện tăng tiết các môn sử, địa, GDCD… Đến mùa tăng tốc ôn thi, có khi các môn này còn bị rút ngắn, rút nhanh, kết thúc sớm chương trình.

Vì thế, khi môn học bị xem nhẹ này thành môn thi tuyển và theo dự kiến, năm nay chỉ có 60-62% học sinh lớp 9 tại Hà Nội được vào lớp 10 công lập, bảo sao không lo!

Lo hơn nữa khi môn này sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm. Nghĩa là học trò sẽ lại học thuộc lòng, không được nhầm lẫn những sự kiện, ngày tháng, con số… để đáp ứng yêu cầu đề trắc nghiệm luôn đòi hỏi kỹ năng làm bài nhanh và chính xác. Không căng thẳng mới lạ!

Đến hẹn lại lên, giữa tháng 3, các sở công bố môn thi lớp 10, lại lên cơn “sốt” chuyện ôn thi. Nói gì thì nói, nhà trường, học trò và phụ huynh khó có thể bình tâm trong cuộc chạy nước rút vào lớp 10 công lập.

Mỗi năm, kỳ thi tuyển này lại có ít nhiều thay đổi từ môn thi đến cấu trúc đề thi và hình thức thi. Thầy cô, cha mẹ lại đi tìm đề thi mẫu, con trẻ lại căng mình tăng tốc ôn luyện, không thể thoát ra khỏi những lo lắng về đề thi và kỳ thi trước mắt.

Có một thực tế không thể phủ nhận: không ít học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh do phụ huynh tìm cho con mình thầy giỏi và ôn luyện đúng hướng với những thay đổi hằng năm từ các sở. Không phải phụ huynh nào cũng muốn “đua” theo việc này nhưng không khỏi lo âu.

 

Cải tiến thi và kiểm tra là điều tốt. Đề thi cải tiến theo hướng vận dụng kiến thức thực tiễn, vận dụng hiểu biết của học sinh càng tốt. Nhưng đôi khi không đúng vậy.

Để giảm “sốt” mùa thi tuyển, cách tốt nhất, mọi thay đổi nên từ việc giảng dạy trong nhà trường. Mỗi cải tiến nội dung trong đề thi, kiểm tra cần có lộ trình đủ dài để thầy và trò cùng thay đổi và thích ứng chứ không phải vài tháng để đối phó với một kỳ như hiện nay.

Khi những bài học và cách dạy trong từng trường chưa đủ đáp ứng cho kỳ thi tuyển của sở thì việc chạy đôn đáo tìm thầy, tìm lò luyện thi vẫn là chuyện chưa thể có hồi kết.

Và những cải tiến, nghĩ cho cùng, mỗi tỉnh thành mỗi kiểu, mỗi mùa thi một quyết định, thậm chí có điều chỉnh vào giữa năm là điều không ổn. Phụ huynh, học sinh và thầy cô giáo, không phải ai cũng muốn “đua” để phát “sốt” vì thi. Và ai cũng cần những thông tin ổn định nhất để bình tâm nhất có thể về kỳ thi tuyển sinh lớp 10 hằng năm.

 

YÊN BÌNH