Thủ tướng đồng ý dùng ngân sách ‘giải cứu’ cao tốc BOT Trung Lương – Mỹ Thuận
Tại cuộc họp thường trực Chính phủ mới đây về xử lý vướng mắc đối với dự án BOT đầu tư xây dựng cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Thủ tướng đã đồng ý sử dụng ngân sách để “giải cứu” dự án.
Thủ tướng đồng ý dùng ngân sách ‘giải cứu’ cao tốc BOT Trung Lương – Mỹ Thuận
Tại cuộc họp thường trực Chính phủ mới đây về xử lý vướng mắc đối với dự án BOT đầu tư xây dựng cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Thủ tướng đã đồng ý sử dụng ngân sách để “giải cứu” dự án.
Cụ thể, để tháo gỡ khó khăn cho dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng BOT có sự hỗ trợ bằng vốn ngân sách nhà nước nhằm không để thời gian thu phí quá dài.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư phải tích cực, chủ động hơn nữa trong tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, thông tuyến cao tốc vào cuối năm 2020.
Thủ tướng đồng ý chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thẩm quyền phê duyệt dự án từ Bộ Giao thông vận tải sang UBND tỉnh Tiền Giang.
Theo đó. tỉnh Tiền Giang được quyết định điều chỉnh dự án đúng quy định của pháp luật, chỉ đạo doanh nghiệp dự án rà soát lại phương án tài chính trên cơ sở thay đổi cơ chế hỗ trợ quyền thu phí tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương sang hỗ trợ bằng ngân sách nhà nước.
Việc sử dụng ngân sách hỗ trợ dự án phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm và tuyệt đối không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực… đảm bảo phương án hoàn vốn của dự án không quá 15 năm.
Thủ tướng cũng yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng điều tra làm rõ, kết luận, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với vi phạm của Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh nếu có.
Thực hiện khoanh vùng, xử lý riêng vi phạm này để không ảnh hưởng đến việc triển khai dự án.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có vai trò đặc biệt quan trọng, kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dự án đang bị chậm tiến độ so với yêu cầu do có khó khăn vướng mắc trong huy động vốn, thay đổi cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến quản lý và sử dụng tài sản công, chính sách về đầu tư PPP, cũng như năng lực của nhà đầu tư.