Cẩn trọng khi chọn ngành học để không nói… giá như
Không ít người khi nhìn lại quãng đời sinh viên của mình họ cho rằng đã chọn sai ngành học, vì nhiều lý do.
Cẩn trọng khi chọn ngành học để không nói… giá như
Không ít người khi nhìn lại quãng đời sinh viên của mình họ cho rằng đã chọn sai ngành học, vì nhiều lý do.
Học sinh tỉnh Bình Thuận tham gia chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên tổ chức LÊ THANH
Chính vì vậy, trước cánh cửa vào ĐH, CĐ, các bạn học sinh THPT hãy suy nghĩ thật kỹ việc chọn ngành nghề để sau này không phải nói hai chữ… giá như.
Học để gia đình vui lòng
Chị Trần Thị Trang, ngụ tại 68/15 Nguyễn Văn Lạc, P.19, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), cho biết: “Mình tốt nghiệp chuyên ngành kế toán của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM vào năm 2010, nhưng thật lòng mà nói đến giờ này cái ngành của mình học ra chẳng có liên quan gì với việc kiếm tiền của mình gì cả. Bởi từ khi ra trường cho đến nay mình toàn làm những công việc chẳng liên quan gì đến con số và sổ sách”.
Chị Trang nói: “Khi bước vào giai đoạn thực tập của năm cuối ĐH mình đã thấy bản thân không phù hợp với ngành học này, bởi suốt ngày cứ tiếp cận với sổ sách thu chi và con số làm mình nhức đầu. Nhưng sở dĩ mình ráng tốt nghiệp cho có tấm bằng cử nhân là để gia đình vui lòng vậy thôi chứ thật tình mà nói lúc đó mình đã chẳng thấy có hứng thú gì rồi”.
Theo chị Trang, nếu bây giờ cho mình chọn lại thì không bao giờ mình chọn ngành kế toán, thay vào đó mình sẽ học một cái ngành liên quan đến dinh dưỡng, sức khỏe. “Bởi mình yêu thích thiên nhiên, thích trồng các loại cây rau củ quả và mình đang có kế hoạch mua đất để trồng các loại cây dược liệu”.
Học sinh giơ tay đặt câu hỏi về việc lựa chọn ngành nghề sao cho phù hợp với bản thân ẢNH: LÊ THANH |
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thanh Phú, tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ học của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM vào năm 2012, hiện làm nhân viên văn phòng cho Công ty truyền hình cáp HTVC, chi nhánh tỉnh Bình Dương, chia sẻ: “Sau nhiều năm ra trường và đi làm nhiều nơi mình mới nghiệm lại giá như hồi đó chọn học về ngành thiết kế của một trường ĐH khác thì sẽ hay hơn rất nhiều”.
Chị Phú nói: “Sở dĩ hồi đó mình chọn học ngành ngôn ngữ là do theo sự rủ rê của mấy đứa bạn chơi chung nhóm, chứ gia đình mình ai cũng theo ngành thiết kế và rất thành công”.
Mặc dù chưa ra trường nhưng khi tôi hỏi anh Nguyễn Văn Hiếu, sinh viên năm 3, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, bạn có cảm thấy mình đã chọn đúng ngành học hiện tại? Anh Hiếu trả lời rất dứt khoát: “Hiện tại em thấy mình đã chọn sai ngành học anh à. Tuy nhiên em cũng phải cố gắng học để ra trường rồi sẽ tính sau”.
Anh Hiếu nói: “Hồi đó em thích học ngành công nghệ ô tô của Trường CĐ Cao Thắng nhưng do ba em nói sao đậu ĐH mà lại đòi học CĐ, lúc đó em không biết nói sao để bảo vệ quan điểm của mình và đã xuôi theo ý của ba mẹ”.
Cần định hướng nghề nghiệp rõ ràng
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết thực tế có hơn 15-20% sinh viên khi ra trường mới nhận biết mình chọn sai nghề. “Khi bản thân còn mơ hồ giữa chuyên ngành học và công việc thực tế sau này, họ sẽ phải trả cái giá rất đắt, đó là lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc định hướng nghề nghiệp sai. Bởi lẽ khi quyết định theo học một ngành nào đó, các bạn trẻ thường không đánh giá đúng giá trị bản thân, không tự lượng được khả năng, tố chất của mình. Song song đó, họ cũng không hiểu rõ nguồn thông tin về ngành sẽ học cũng như khi ra trường sẽ làm công việc gì, đặc thù của nghề ra sao…”.
Theo ông Sơn, mỗi học sinh cần có định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Trước khi quyết định học ngành gì, học sinh phải tìm hiểu kỹ và tham khảo ý kiến của những chuyên gia tư vấn giáo dục, chuyên gia về nguồn nhân lực dự báo trong tương lai về ngành nghề đó. Một điều quan trọng là học sinh nên xem xét khả năng của mình có phù hợp với ngành nghề mình định lựa chọn hay không.
LÊ THANH