23/12/2024

‘Có phải tụi con sinh ra từ rốn không cô?’

‘Có phải tụi con được sinh ra từ rốn?’. Câu hỏi của học trò lớp 8 cho thấy gia đình lẫn nhà trường đều đang ‘né’ trách nhiệm giáo dục giới tính cho trẻ.

 

‘Có phải tụi con sinh ra từ rốn không cô?’

‘Có phải tụi con được sinh ra từ rốn?’. Câu hỏi của học trò lớp 8 cho thấy gia đình lẫn nhà trường đều đang ‘né’ trách nhiệm giáo dục giới tính cho trẻ.


 

Có phải tụi con sinh ra từ rốn không cô? - Ảnh 1.

Minh hoạ: NOP

Giáo dục giới tính đang là một nhiệm vụ cấp thiết đặt ra giữa bối cảnh quá nhiều vụ việc xâm hại, quấy rối tình dục diễn ra trong học đường và ngoài xã hội. Vậy nhưng, trách nhiệm giáo dục giới tính cho con trẻ đang bị đá qua đẩy lại giữa nhà trường và gia đình.

Là giáo viên ngữ văn, tôi bắt gặp những câu hỏi cực kỳ ngây thơ, thậm chí là ngây ngô đến buồn cười của bọn trẻ cấp 2.

Trong tiết dạy về “Bài toán dân số” ở lớp 8, khi đề cập đến thực trạng gia tăng dân số và nguyên nhân, cậu bé lớp trưởng đã giơ tay hỏi: “Thưa cô, có phải bọn con được sinh ra từ rốn không?”.

Tôi giật mình, học sinh trong lớp xôn xao, có trò bật cười vì đã hiểu vấn đề nhưng cũng có trò còn tròn mắt chờ câu trả lời của cô giáo.

Ngay đến chuyện đơn giản nhất là chúng ta sinh ra từ đâu mà một số học sinh còn lờ mờ thì rõ ràng những câu hỏi kiểu ấy đã được bố mẹ đáp theo kiểu lấp lửng “Con sinh ra từ… nách, rốn” hoặc là gạt phăng đi theo kiểu “Lớn lên tự khắc biết”.

Trong khi đó, kiến thức về giới tính đã được cập nhật vào chương trình phổ thông từ năm lớp 5. Những kiến thức trong môn khoa học về sự sinh sản, chúng ta được hình thành như thế nào, vệ sinh ở tuổi dậy thì… phải chăng vẫn đang khiến bọn trẻ bị “đói” thông tin?

Rồi bộ môn sinh học 9 cũng tiếp tục trang bị kiến thức về giáo dục giới tính cho trẻ. Tuy nhiên, nhiều đồng nghiệp của tôi chia sẻ mỗi khi dạy đến chương “bộ phận sinh dục” thì thật sự rối rắm trước học sinh. Dạy kỹ càng thì cả thầy lẫn trò cùng đỏ mặt nên tốt nhất vẫn là “cưỡi ngựa xem hoa”, học sinh tự tìm hiểu là chính.

 

Quả thật, gia đình lẫn nhà trường đều đang “né” trách nhiệm giáo dục giới tính cho trẻ. Trong khi đó, chương trình giáo dục giới tính thật sự đang lạc hậu trước sự đổi thay của thời đại. Khi thời điểm dậy thì của bọn trẻ diễn ra sớm hơn rất nhiều so với trước đây thì kiến thức về sức khỏe sinh sản, vệ sinh cơ thể… lại được cập nhật khá muộn.

Chương trình vẫn còn bỏ ngỏ nhiều vấn đề nhạy cảm liên quan đến giới tính như xâm hại tình dục, giới tính thứ ba… Chính “lỗ hổng” này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến con trẻ bị xâm hại, tổn thương và thậm chí trẻ vô tình biến mình thành người gây tổn thương cho bạn bè bằng những lời trêu chọc, săm soi về “giới tính”.

Lời giải nào cho bài toán giáo dục giới tính để con trẻ phát triển khỏe về thể chất, mạnh về tinh thần, tâm hồn? Tất cả còn chờ đợi sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, tư duy của bố mẹ, thầy cô và những đổi mới mạnh mẽ từ chương trình giáo dục!

Xem các clip trên truyền hình phỏng vấn phụ huynh về việc trang bị kiến thức giới tính cho con trẻ, thấy trăn trở khi nhiều người vẫn đinh ninh rằng thời điểm tốt nhất để nói về giới tính và sức khỏe tình dục cho trẻ là khoảng… 18 tuổi.

Rồi quan niệm cố hữu “nhà trường phải dạy điều đó” hoặc là “bọn trẻ đã biết gì đâu mà nói”… Tất cả chứng tỏ nhiều người vẫn còn khá bàng quang và thật sự bối rối, lúng túng, e ngại khi trò chuyện với trẻ về giới tính, tình dục.

Đặc biệt là chính người lớn đôi lúc còn nhầm lẫn khái niệm giới tính, mặc nhiên quy định cứ hễ đề cập đến giới tính chính là đụng chạm đến chuyện yêu đương nhăng nhít, chuyện tình dục nhạy cảm. Và vì là chuyện “người lớn” nên tốt nhất đừng bàn đến, đừng “vẽ đường cho hươu chạy”.

 

THANH NGUYỄN