Tư vấn mùa thi: Tốt nghiệp ngành ngọc học ra làm gì?
Sáng 17.3, chương trình Tư vấn mùa thi năm 2019 do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức đã diễn ra tại Trường THPT Trương Định (Tiền Giang).
Tư vấn mùa thi: Tốt nghiệp ngành ngọc học ra làm gì?
Học sinh đặt câu hỏi trong chương trình ĐÀO NGỌC THẠCH
Chương trình được trực tuyến tại thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và kênh YouTube của Báo Thanh Niên. Nhiều băn khoăn về lựa chọn ngành nghề của học sinh đã được đại diện nhiều trường ĐH giải đáp trong chương trình.
Thú vị với chuyên ngành ngọc học
HS Lê Thị Bảo Trân (Trường THPT Trương Định) băn khoăn về ngành địa chất học. Thạc sĩ Trần Vũ, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết địa chất học có rất nhiều chuyên ngành như dầu khí, ngọc học… Trong đó, đáng chú ý sau khi theo học chuyên ngành ngọc học, người học có cơ hội tiếp xúc thường xuyên với các loại đá quý, kim cương…
Thạc sĩ Trần Vũ giao lưu với học sinh ngay tại sân trường ẢNH ĐÀO NGỌC THẠCH
Chuyên ngành ngọc học chuyên nghiên cứu về các đặc điểm tinh thể khoáng vật và đá, các kiến thức về công nghệ tổng hợp, xử lý và chế tác đá quý, giám định đá quý, chế tác đá quý, công nghệ ứng dụng xử lý đá quý, khai thác đá quý… Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành ngọc học, sinh viên có cơ hội làm việc cho các đơn vị về lĩnh vực kinh doanh đá quý, cung cấp trang thiết bị kim hoàn đá quý, giám định đá quý…
Thạc sĩ Vũ cho biết thêm, điểm chuẩn ngành này năm ngoái tại trường chỉ ở mức 16 điểm.
HS Nguyễn Lâm Tường Vy (Trường THPT Gò Công) thì băn khoăn trong việc chọn ngành du lịch và lữ hành. Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM tư vấn, hiện nhiều trường ĐH đào tạo ngành học này, điểm chuẩn nhiều mức khác nhau tùy thuộc vào từng trường, ví dụ Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM năm ngoái 19 và năm 2017 là 21,5 điểm.
|
“Đây là một trong 2 nhóm ngành được Bộ GD-ĐT cho phép các trường đào tạo theo cơ chế đặc thù để đáp ứng nhu cầu nhân lực đang thiếu của VN. Dự báo cần tới 3 triệu lao động trong lĩnh vực du lịch lữ hành nên cơ hội việc làm rất lớn”, ông Nhân nhấn mạnh.
HS Lê Duy Khoa (Trường THPT Trương Định) hỏi: “Em và bạn tính thi vào Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, ngành cơ khí học bao lâu và cách thức tuyển sinh ra sao?”. Tiến sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, thông tin ngành kỹ thuật cơ khí hệ đại trà dành 70% chỉ tiêu xét kết quả thi THPT quốc gia và 30% xét học bạ. Thí sinh có thể đăng ký đồng thời hoặc 1 trong 2 phương thức trên. Chương trình thiết kế trung bình 4,5 năm tuy nhiên đào tạo tín chỉ có thể cho phép sinh viên kết thúc thời gian học sớm hơn.
Nhiều học sinh tiếp tục trao đổi thông tin sau buổi tư vấn chính thức ẢNH ĐÀO NGỌC THẠCH
Ngành kế toán, sư phạm có yêu cầu chiều cao?
Một học sinh hỏi: “Em có nghe thông tin ngành kế toán và ngành sư phạm có chiều cao từ 1,50 mét trở lên mới được xét tuyển phải không?”. Tiến sĩ Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính-Marketing, giải đáp: “Ngành kế toán cần thiết nhất là sự trung thực, cẩn thận. Ngành này không yêu cầu ngoại hình, ngay cả những người khuyết tật, không cần nhan sắc vẫn thành công trong công việc này”.
Còn thạc sĩ Lê Phạn Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thông tin trường này không còn sử dụng tiêu chí chiều cao trong xét tuyển các ngành sư phạm trong đề án tuyển sinh năm nay (trừ ngành giáo dục thể chất).
Liên quan đến khối ngành sư phạm, HS Nguyễn Thanh Nguyên (Trường THPT Trương Định) cho biết muốn dự thi để xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM ngành sư phạm toán và một bạn khác học sư phạm văn. Cách tính điểm trúng tuyển 2 ngành này ra sao?”. Thạc sĩ Lê Phan Quốc giải đáp, tất cả các ngành của trường năm nay đều không nhân đôi môn chính mà chỉ tính điểm 3 môn theo phương thức xét kết quả thi THPT quốc gia. Tuy nhiên thí sinh có thể tìm hiểu thêm phương thức xét tuyển bằng học bạ nếu có học lực loại giỏi lớp 12.
HÀ ÁNH