Ngày 16.3, chương trình Tư vấn mùa thi năm 2019 do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Bình Dương, Tỉnh đoàn Bình Dương tổ chức diễn ra tại Trung tâm hội nghị triển lãm Bình Dương, với sự tham dự của khoảng 6.000 học sinh (HS) trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Chương trình được trực tuyến tại thanhnien.vn, qua fanpage Facebook và kênh YouTube của Báo Thanh Niên.
Mỗi ngành có thế mạnh riêng
Đặt câu hỏi trực tiếp trong chương trình, HS Mỹ Linh (Trường THPT Trần Văn Ơn) hỏi: “Có nhiều người nói rằng quản trị kinh doanh là một ngành rất khái quát, không cụ thể như kiểm toán. Em có nên chọn ngành cụ thể hay chọn ngành học chung chung để có cơ hội việc làm cao hơn?”.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Long, Phó giám đốc Học viện Thanh thiếu niên VN – Phân viện miền Nam, cho rằng học ngành chung chung hay cụ thể đều có những lợi thế và hạn chế riêng. Nếu học ngành chung chung rất có lợi thế vì sẽ rộng đường lựa chọn nghề nghiệp khi ra trường, có khả năng làm nhiều việc khác nhau. Ngược lại, chọn ngành học cụ thể cơ hội lựa chọn hướng đi hẹp hơn nhưng cụ thể hơn.
Cụ thể hơn về ngành quản trị kinh doanh, tiến sĩ Nguyễn Thanh Trọng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế – Luật, nói: “Người quản trị cần có kiến thức rộng, nhưng không có nghĩa rộng thì không có định hình nghề nghiệp tương lai. Trong chương trình đào tạo được thiết kế của các trường có những khối kiến thức về quản trị nhân lực, quản trị bán hàng, quản trị sản xuất… Các trường sẽ có những định hướng cho người học lựa chọn hướng đi sâu theo các thế mạnh của bản thân”.
Trong khi đó, HS Huỳnh Lê Bảo Ngọc (Trường THPT An Mỹ) thì băn khoăn về sự khác nhau giữa ngành truyền thông đa phương tiện và công nghệ truyền thông. Tiến sĩ Trần Thái Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, thông tin truyền thông đa phương tiện là ngành học cung cấp những công cụ cho truyền hình, báo chí, internet. Khi học ngành này, sinh viên học cách thiết kế một trang web, bài báo, tin để chuyển tải thông tin đến người đọc. Còn công nghệ truyền thông thì gắn với sản phẩm thương mại cụ thể qua đó phát triển sản phẩm tới người tiêu dùng.
Ông Sơn nói: “Người theo học các ngành này cần có kỹ năng giao tiếp để gặp gỡ khách hàng, khiếu thẩm mỹ để thiết kế các trang web, phông màn, đưa ra những ý tưởng sáng tạo độc lạ và nhanh chóng ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó cần luôn hướng đến các yếu tố mới, phải thay đổi không ngừng”.
Thực tập là yêu cầu bắt buộc trong đào tạo
|
|
Lưu ý khi miễn thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ
Liên quan điều kiện miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ, tiến sĩ Cổ Tấn Anh Vũ lưu ý, thí sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ theo quy định nếu có chứng chỉ quốc tế. Tuy nhiên, đề án tuyển sinh một số trường không sử dụng kết quả này để xét tuyển vào ĐH. Thí sinh cần tham khảo thêm điều kiện xét tuyển các trường ĐH để quyết định có thi môn hay không tránh mất cơ hội xét tuyển bằng tổ hợp có chứa môn thi này.
|
|
|
Kỹ thuật, công nghệ cũng là nhóm ngành được HS tỉnh Bình Dương dành nhiều sự quan tâm. Một HS Trường THPT Võ Minh Đức hỏi: “Có phải theo học ngành kỹ thuật, công nghệ phải làm việc tại nhà máy theo ca không? Em không muốn tăng ca buổi tối thì có nên vào học ngành này không?”.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Tuyển sinhTrường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, chia sẻ thực tế có nhiều nhà máy sản xuất vận hành 24/24 nên nhân công cũng phải làm việc ca tối. Tuy nhiên, có những nhà máy không làm việc theo khung giờ này nên nhân viên chỉ làm ca ngày. “Tuy nhiên, không chỉ công nghệ, kỹ thuật mà nhiều ngành nghề khác, tùy theo yêu cầu mà doanh nghiệp yêu cầu làm hết việc chứ không phải hết giờ. Một công việc quy định làm trong 8 tiếng nhưng nếu chưa hoàn thành có thể phải ở lại trễ hơn. Vấn đề là thái độ và cách thức làm việc của bạn trong tương lai. 4 năm học ĐH sinh viên sẽ có những trải nghiệm này thông qua các hoạt động thực tập, kiến tập tại doanh nghiệp”, thạc sĩ Sơn chia sẻ.
Một HS băn khoăn: “Theo học các ngành công nghệ, trong quá trình học có được tiếp xúc với máy móc, tất cả sinh viên tham gia thực tập hay chỉ sinh viên ưu tú?”.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, nói: “Học kỹ thuật, công nghệ chắc chắn phải kèm thực tập thực hành nếu không sẽ không theo kịp với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Năm đầu tiên sinh viên tham gia kiến tập tại các doanh nghiệp trước khi có 3 – 6 tháng thực tập thực sự. Đó là chưa kể sinh viên phải có tới 50% thời gian thực hành tại các phòng thí nghiệm”.
Tiến sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, thông tin thêm, tùy thuộc vào ngành học mà các trường xây dựng chương trình đào tạo với chuẩn đầu ra phù hợp đáp ứng yêu cầu xã hội. Trong đó thực tập, kiến tập là nhiệm vụ bắt buộc của tất cả sinh viên và không có sự ưu tiên. Tuy nhiên tùy thuộc vào ngành nghề mà quá trình này sẽ diễn ra khác nhau trong doanh nghiệp, phòng thí nghiệm, xưởng máy…
Nghe tư vấn, nhận điện thoại
Học sinh nhận điện thoại trong chương trình tư vấn ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
|
Báo Thanh Niên cảm ơn Quỹ từ thiện Kim Oanh, Công ty cổ phần địa ốc Kim Oanh (Bình Dương) hỗ trợ 20 triệu đồng mua điện thoại tặng HS tham dự chương trình; Tập đoàn Samsung đã tài trợ điện thoại cho HS tham gia chương trình Cây điều ước.
|
Báo Thanh Niên trân trọng cảm ơn các đơn vị đã phối hợp thực hiện chương trình: UBND tỉnh Bình Dương, Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn Bình Dương, Hiệp hội Nhà vệ sinh VN, Vietcombank Bình Dương, Tổng công ty Becamex IDC, Trung tâm hội nghị triển lãm Bình Dương, các nhà từ thiện ở Bình Dương.
Cảm ơn Công ty du lịch Vietravel đã hỗ trợ đưa đón đoàn. Cảm ơn các đơn vị đã trao học bổng Nguyễn Thái Bình cho HS tham dự chương trình: Công ty tư vấn du học OSI VN 10 suất, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM 5 suất và Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM 5 suất (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng).
|
HÀ ÁNH