Tranh cãi gay gắt mục tiêu cấm xe máy: Thủ phạm ‘giết chết’ giao thông công cộng?
Giữa muôn vàn “gạch đá” từ bộ phận không nhỏ người dân, các nhà khoa học phản đối cấm xe máy, “phe” ủng hộ đề xuất này khẳng định chính quyền cần quyết liệt, đưa ra những chính sách triệt để cấm xe gắn máy.
Tranh cãi gay gắt mục tiêu cấm xe máy: Thủ phạm ‘giết chết’ giao thông công cộng?
Giữa muôn vàn “gạch đá” từ bộ phận không nhỏ người dân, các nhà khoa học phản đối cấm xe máy, “phe” ủng hộ đề xuất này khẳng định chính quyền cần quyết liệt, đưa ra những chính sách triệt để cấm xe gắn máy.
BẮC BÌNH
Xe máy kín đường, chỗ đâu cho xe buýt chạy?
Một trong những người đấu tranh mạnh mẽ nhất cho quan điểm này là TS Lương Hoài Nam. Từ cách đây hơn 1 thập kỷ, ông Nam đã lên tiếng đề xuất VN cần xây dựng lộ trình hạn chế, tiến tới cấm xe máy. Mới đây, trên trang Facebook cá nhân của mình, ông Nam thậm chí gọi những người có ý kiến phản đối cấm xe máy là những “nhà ngụy khoa học”.
Ông viết: “Mấy nhà ngụy khoa học đừng doạ chính quyền rằng đưa ra thông điệp hạn chế rồi cấm xe máy (vào năm 2030) sẽ thúc đẩy người dân mua ô tô con rồi thêm tắc đường. So với xe máy, ô tô con tốn tiền gấp nhiều lần để mua xe và “nuôi xe” hằng tháng, chỉ nhà giàu mới chịu nổi chi phí ô tô con. Nhà nào đủ giàu để mua ô tô thì đã mua ô tô rồi. Hiếm nhà nào đủ giàu mà vẫn đi xe máy. Cũng đừng nói cứ phát triển giao thông công cộng (GTCC) đi rồi người dân tự bỏ xe máy. Nói thế là ngụy biện đấy. Xe máy kín đường thì xe buýt chạy thế nào cho nhanh, nhiều, an toàn? Chính xe máy đang tiêu diệt GTCC. Ai cũng đi xe máy thì xe buýt, tàu điện ngầm bán vé cho ai? Với một số người, GTCC có đủ 200% thì họ vẫn chọn xe máy”.
Trao đổi với Thanh Niên, TS Lương Hoài Nam nhiều lần bày tỏ bức xúc khi nhìn thấy cảnh bố mẹ chở con bằng xe máy, đứa bé ngồi sau vừa không đội mũ bảo hiểm, vừa ngật ngưỡng gặm chiếc bánh mì cho kịp giờ học; những vụ tai nạn giao thông mà người đi xe máy thường gánh chịu hậu quả thảm khốc… “Những hình ảnh đó ám ảnh tôi và dù có phải nhận bao nhiêu “gạch đá” từ dư luận, tôi vẫn sẽ đấu tranh đến cùng, ủng hộ chính quyền, vận động người dân từ bỏ xe máy, để con cháu chúng ta có được vài thành phố hiện đại, văn minh và an toàn ngay ở VN, thay vì phải đi ra nước ngoài nhìn mà thèm” – ông Nam chia sẻ.
Cùng ủng hộ đề xuất loại xe gắn máy ra khỏi địa bàn TP.HCM, KTS Nguyễn Ngọc Dũng phân tích trong khi các nước trên thế giới đã hạn chế phương tiện giao thôngnày từ rất lâu thì VN lại cho xây dựng các nhà máy sản xuất, lắp ráp xe máy; thả lỏng vấn đề nhập khẩu xe máy vào nội địa. Điều này gây ra hiệu ứng ngược về kinh tế. Nếu đưa lên bàn cân để so sánh thì số tiền mà nhà nước phải bỏ ra để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, chi phí xây dựng, mặt bằng cho mỗi chiếc xe lớn hơn nhiều so với số thu về từ ngành này. Chưa kể với số dân đông như siêu đô thị TP.HCM, số tiền phải bỏ ra để phục vụ việc đậu đỗ của các xe cá nhân quá lớn.
Các chuyên gia ủng hộ cấm xe máy đều khẳng định đây là phương tiện nguy hiểm nhất, gây thương vong cao khi xảy ra tai nạn, đồng thời mức xả thải lớn gây ô nhiễm môi trường, không dành cho một đất nước văn minh TRÙNG DƯƠNG |
Thiệt hại trực tiếp chính là người đi xe máy
KTS Nguyễn Ngọc Dũng cho rằng, người dân mới chính là đối tượng chịu thiệt hại trực tiếp khi duy trì xe máy như hiện nay. Bởi so với GTCC, một người dân sẽ phải mất rất nhiều chi phí cho vấn đề đi lại nếu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là xe máy. Với mức lương thấp so với mặt bằng chung của thế giới hiện nay, dân VN quá “tội nghiệp” khi phải tự lo về giao thông và đối mặt với các rủi ro tai nạn từ xe máy khi số người chết vì tai nạn giao thông (phần lớn do xe máy gây ra) mỗi năm quá lớn. Tuy nhiên, theo ông Dũng, chính sự không rõ ràng về lộ trình, kế hoạch cụ thể của TP cũng như nhà nước đã dẫn đến phản ứng tiêu cực của người dân trước thông tin cấm xe máy.
“Không chỉ mất an toàn, xe máy còn là phương tiện không phục vụ cho người tàn tật, người già và trẻ em. Phương tiện giao thông này không dành cho một TP, một đất nước văn minh, cần phải loại bỏ” – ông Dũng nói.
Tổng hợp ý kiến của các chuyên gia có thể thấy, dù ủng hộ hay không ủng hộ cấm xe máy, việc phát triển hệ thống GTCC vẫn là bước quan trọng nhất, phải làm để giải bài toán giao thông cho các siêu đô thị như TP.HCM và Hà Nội. Kể cả không cấm, phương tiện cá nhân (bao gồm cả ô tô và xe máy) đều sẽ bị hạn chế bằng những biện pháp kinh tế hoặc hành chính. Về phía chính quyền, mục tiêu quan trọng nhất vẫn là đảm bảo nhu cầu đi lại cho người dân. Muốn hạn chế cái này, loại bỏ cái này thì phải có cái khác thay thế tốt hơn, thuận tiện hơn, an toàn hơn. Còn về phía người dân, không chỉ có quyền đòi hỏi được hưởng một nền giao thông tốt, mỗi người dân cũng cần có trách nhiệm hiểu, hợp tác cùng cơ quan chức năng để giải bài toán nan giải này.
HÀ MAI