28/01/2025

Giá điện Việt Nam sẽ bằng với Trung Quốc, Ấn Độ

Thống kê giá điện 25 nước năm 2018 bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển, trong đó có các nước trong khu vực, giá điện của Việt Nam năm 2018 đang ở mức 0,074 USD/kWh, thấp nhất trong số các nước được thống kê.

 

Giá điện Việt Nam sẽ bằng với Trung Quốc, Ấn Độ

Thống kê giá điện 25 nước năm 2018 bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển, trong đó có các nước trong khu vực, giá điện của Việt Nam năm 2018 đang ở mức 0,074 USD/kWh, thấp nhất trong số các nước được thống kê.


 

 

Giá điện Việt Nam sẽ bằng với Trung Quốc, Ấn Độ - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Kim Oanh (Q.Gò Vấp, TP.HCM) đóng tiền điện tại một điểm thu hộ tiền điện ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM chiều 5-3 – Ảnh: DUYÊN PHAN

Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân nhằm đảm bảo nguyên tắc giá điệnđược thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, thu nhập của người dân trong từng thời kỳ.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) – cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ.

Ông Tuấn nói: Các phương án giá điện đã được Bộ Công thương, Bộ Tài chính xem xét và cũng đã được báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá, Thường trực Chính phủ.

Bộ Công thương cũng đã phối hợp với Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch – đầu tư thực hiện đánh giá tác động của việc tăng giá điện đến các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Các phương án giá điện đã được báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

* Cơ sở của việc điều chỉnh tăng giá điện và mức tăng 8,36% có phù hợp, thưa ông?

– Phương án giá điện năm 2019 đã được xây dựng theo các thông số đầu vào để tính toán giá điện và phân bổ các khoản chênh lệch tỉ giá còn treo theo quy định tại quyết định số 24/2017/QĐ-TTg.

Cụ thể là cơ cấu nguồn điện huy động trong năm 2019, cơ sở dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2019.

Trong phương án giá điện năm 2019 cũng đưa vào tính toán các chi phí đầu vào như giá than nội địa, giá than thế giới theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (sẽ giảm 7,41% so với năm 2018), giá khí theo giá thị trường, thuế bảo vệ môi trường đối với than và dầu, dự báo về tỉ giá năm 2019…

Ngoài ra là các khoản chi phí còn treo chưa được đưa vào giá điện trong các năm trước (chênh lệch tỉ giá). Mức điều chỉnh giá điện cũng được xem xét trên cơ sở đánh giá ảnh hưởng đến CPI, PPI và GDP cũng như các ngành nghề sản xuất và các hộ sinh hoạt.

* Việc tăng giá điện lần này sẽ tác động như thế nào tới các chỉ số kinh tế vĩ mô như GDP, CPI cũng như hoạt động kinh doanh, tiêu dùng của doanh nghiệp, người dân?

– Bộ Công thương đã phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện đánh giá tác động của các phương án điều chỉnh giá điện đến CPI, PPI và GDP.

Theo đó, các phương án điều chỉnh giá điện sẽ làm tăng CPI trong khoảng 0,26 – 0,31%, làm tăng PPI trong khoảng 0,15 – 0,19%, làm giảm GDP trong khoảng 0,22 – 0,25%.

Mức độ phân bổ các khoản chênh lệch tỉ giá còn treo sẽ được xem xét trên cơ sở đánh giá ảnh hưởng của điều chỉnh giá điện đến CPI, PPI và GDP cũng như đến các ngành nghề sản xuất và các hộ sinh hoạt.

* Một vấn đề người dân quan tâm là giá điện Việt Nam so với giá điện các nước trên thế giới và trong khu vực thế nào?

– Thống kê giá điện 25 nước năm 2018 (nguồn https://www.statista.com/statistics/263492/electricity-prices-in-selected-countries/) bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển, trong đó có các nước trong khu vực, giá điện của Việt Nam năm 2018 đang ở mức 0,074 USD/kWh, thấp nhất trong số các nước được thống kê.

Chẳng hạn, giá điện của Việt Nam bằng 91,9% giá điện của Trung Quốc và Ấn Độ, 81,7% so với Lào, 73,5% so với Indonesia, 50,4% so với Philippines và 38,7% so với Campuchia.

Nếu được điều chỉnh tăng ở mức 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành, giá điện của Việt Nam sẽ ở mức 0,08 USD/kWh (tỉ giá tại ngày 5-3-2019), tương đương so với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ.

* Ông Nguyễn Minh Hoạ (phó chủ tịch Hiệp hội Điều VN – Vinacas):

Lộ trình tăng giá phải được công bố sớm

Điện là đầu vào trong sản xuất của doanh nghiệp nên khi tăng giá điện, hàng loạt chi phí khác sẽ tăng theo và giá thành sản xuất chắc chắn sẽ bị đội lên.

Năm 2018, doanh nghiệp điều VN gặp rất nhiều khó khăn do giá cả biến động mạnh. Đầu năm doanh nghiệp mua nguyên liệu giá tăng nhưng từ giữa năm giá xuất khẩu giảm mạnh khiến đa số doanh nghiệp không có lời hoặc thua lỗ.

Tình trạng khó khăn kéo dài qua năm 2019 nên chi phí đầu vào như điện tăng nữa càng làm cho doanh nghiệp thêm khó.

Với ngành xuất khẩu hạt điều, giá xuất khẩu đã được ký với khách hàng nhiều tháng trước đó, bất cứ biến động về giá đầu vào nào trong quá trình sản xuất sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Do đó, chúng tôi kiến nghị cần có lộ trình tăng giá điện cũng như chia các đối tượng khác nhau để áp dụng mức giá điện cho hợp lý.

Ví dụ, với các ngành sản xuất hàng xuất khẩu, tiêu thụ nông sản cho nông dân cần có mức tăng ít hơn với các lĩnh vực tiêu tốn nhiều điện.

 

TR.MẠNH

NGỌC AN thực hiện