Bên mất mặt, phía khó xử
Nghị quyết của Nghị viện châu Âu (EP) yêu cầu ngừng quá trình đàm phán giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ về việc nước này gia nhập EU tuy không ràng buộc nhưng vẫn làm cho EU khó xử.
Bên mất mặt, phía khó xử
Nghị quyết của Nghị viện châu Âu (EP) yêu cầu ngừng quá trình đàm phán giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ về việc nước này gia nhập EU tuy không ràng buộc nhưng vẫn làm cho EU khó xử.Reuters
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ thì đó là cú đòn nhằm vào thể diện quốc tế bởi những lý do được EP đưa ra là tình trạng dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ không được như tiêu chí và tiêu chuẩn chung của EU.
Từ nhiều năm nay, Thổ Nhĩ Kỳđệ đơn xin gia nhập EU và việc kết nạp hay không luôn là chuyện gây phân rẽ sâu sắc trong nội bộ EU cả về chính trị lẫn xã hội. Chiều hướng không hề muốn và rất ngần ngại đang rõ hơn với nhiều lý do. Thổ Nhĩ Kỳ được châu Âu coi là một quốc gia châu Âu nên EU trên nguyên tắc không thể cự tuyệt nguyện vọng của nước này. Vì thế, EU để ngỏ cửa nhưng không ưu tiên, giữ cầu đối thoại nhưng không thúc đẩy, khích lệ Thổ Nhĩ Kỳ không nản chí nhưng không coi việc kết nạp là mục tiêu phải đạt được. Nói cách khác, EU chấp nhận trên nguyên tắc việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ nhưng trì hoãn vô thời hạn bằng các biện pháp mang tính kỹ thuật, quy trình và thể thức.
EP là một thể chế quyền lực trong hệ thống EU. Nghị quyết trên gây tác động chính trị và dư luận tiêu cực đối với Thổ Nhĩ Kỳ và hàm chứa rủi ro là EU có thể viện dẫn vào đó để trì hoãn tiếp việc xem xét kết nạp. EU khó xử vì lúc này cần Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết những thách thức an ninh, nhưng không thể phớt lờ nghị quyết của EP.
PHẠM LỮ